Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình |
Từ Quảng Trị, người Mỹ ước nguyện hòa bình |
Hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình, nhìn từ thực tiễn Việt Nam”. |
Tham dự chương trình có ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị; đại diện các tổ chức quốc tế như: Quỹ Rosa Luxemburg; PeaceTrees Việt Nam; Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP); Tổ chức Cựu chiến binh Hoa Kỳ vì Hòa bình; các tổ chức quốc tế có chương trình, dự án tại Quảng Trị.
Trong thông điệp gửi tới Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nhấn mạnh: Hòa bình là điều kiện tiên quyết để nhân loại tồn tại và mưu cầu hạnh phúc. Có hoà bình, người ta có thể mơ tưởng để có mọi thứ nhưng trong chiến tranh, người ta chỉ khát khao một thứ: đó là hoà bình. Đối với mỗi quốc gia, hòa bình là điều kiện tiên quyết để có thể huy động, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển.
Do đó, môi trường hòa bình, an ninh là lợi ích hàng đầu đối với mỗi quốc gia - dân tộc. Gìn giữ, bảo vệ hoà bình là trách nhiệm chung của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia và mỗi một người trong chúng ta. Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, có truyền thống nhân nghĩa và hòa hiếu. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, đồng thời luôn tích cực vận động bạn bè, nhân dân trên khắp thế giới trân trọng, bảo vệ và nỗ lực kiến tạo thế giới hòa bình.
Ông Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Hà Hùng Cường cho biết, hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình, nhìn từ thực tiễn Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị với mong muốn truyền đi thông điệp về các giá trị hòa bình từ góc nhìn của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Đồng thời, gợi ý các sáng kiến, giải pháp cho một thế giới hòa bình; tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế, các nhân sĩ trí thức, các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu tại thành Cổ Quảng Trị, những bạn bè đến với Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh chia sẻ quan điểm về hòa bình đúc rút từ lịch sử và thực tiễn Việt Nam; bày tỏ ý kiến để góp phần tiếp tục chung tay kiến tạo thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát. Đây cũng chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Đã từ lâu, Quảng Trị trở thành một điểm đến tri ân - một biểu tượng chung của cả nước về khát vọng hòa bình của dân tộc; đồng thời là điểm đến của bạn bè quốc tế để ngưỡng vọng, sẻ chia, chiêm nghiệm và tôn vinh giá trị của hòa bình, nhất là trong dịp tháng Bảy.
Ông mong muốn các học giả, đại biểu tham dự hội thảo tham vấn cho Quảng Trị những bước đi tiếp theo để viết tiếp câu chuyện hòa bình trên mảnh đất này, để Quảng Trị thực sự trở thành không gian hòa bình, điểm đến vì hòa bình của nhân dân và du khách trong nước cũng như quốc tế.
Hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình, nhìn từ thực tiễn Việt Nam”. |
Tại hội thảo có 10 báo cáo chuyên đề và tham luận chia sẻ những bài học, thông điệp về giá trị và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời gợi ý các sáng kiến giúp xây dựng nền hòa bình chung cho toàn thế giới.
Hai chuyên đề tại Hội thảo nêu bật về "Bài học về hòa bình từ các cuộc kháng chiến trong thế kỷ thứ XX của Việt Nam"; "Vì một khu vực, thế giới hoà bình, ổn định và phát triển bền vững", tập trung phân tích, thảo luận tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị của hòa bình, các bài học hòa bình trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam từ Hiệp định Geneve đến Hiệp định Paris.
Các đại biểu cũng trao đổi về những thách thức đặt ra đối với tình hình an ninh khu vực và trên thế giới hiện nay; thực trạng các cơ chế duy trì, bảo đảm an ninh hiện hành; trao đổi về chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam đối với việc kiến tạo nền hòa bình chung; các sáng kiến góp phần hòa giải, thúc đẩy thế giới và khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức hội thảo đã tổ chức trao giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Chung tay kiến tạo hòa bình” và trao học bổng cho học sinh nghèo, nạn nhân chiến tranh có kết quả học tập và tu dưỡng đạo đức tốt tại Quảng Trị.
Ông Amiad Horowitz, thành viên Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, thành viên Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Hoa Kỳ: "Thành công của ngoại giao cây tre đã giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên lĩnh vực ngoại giao và quan trọng hơn đó chính là hòa bình, ổn định, mang lại các cơ hội kinh tế. Quảng Trị từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Vậy mà hòa bình, ổn định, cơ hội giao thương quốc tế nhờ sự thành công của ngoại giao cây tre đã giúp tỉnh vươn lên phát triển và thịnh vượng. Ngoại giao cây tre giúp Việt Nam xây dựng đất nước, kinh tế thịnh vượng, hội nhập quốc tế và góp phần duy trì hòa bình ổn định quốc tế".
Bà Jerlin Brusseau, đồng sáng lập Tổ chức PeaceTrees Việt Nam: "Sứ mệnh của PeaceTrees là hàn gắn vết thương chiến tranh bằng cách loại bỏ các vật liệu nổ nguy hiểm, trả lại đất đai an toàn cho người dân, thúc đẩy hòa bình và mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho mọi người. Trong 29 năm qua, hơn 28 triệu m2 đất đã được rà phá an toàn; hơn 15.000 vật liệu nổ được loại bỏ; giúp gần 18.000 người hưởng lợi trực tiếp và hơn 40.000 hưởng lợi gián tiếp. Bà Jerlin Brusseau bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự tin tưởng, hữu nghị và thấu hiểu sâu sắc đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân Việt Nam và Hoa Kỳ".
Tiến sĩ Nguyễn Ái Học (Viện phát triển Công nghệ và Văn hóa - Giáo dục): "Quảng Trị hội tụ các điều kiện để trở thành điểm đến hòa bình của Việt Nam và thế giới. Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam. Một "thành phố hòa bình ở trên đất Quảng Trị" sẽ là nơi hội tụ và phát huy sức mạnh những giá trị nhân văn cao cả nhất Việt Nam cũng như nhân dân nhiều nước trên thế giới. Nhân loại sẽ tìm thấy nơi Quảng Trị giá trị "đắt nhất" của hòa bình... Vì vậy, cần chung tay tổ chức một hội thảo khoa học toàn quốc, với sự tham gia của quốc tế trong thời gian tới về đề tài "Hướng đến xây dựng Thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị". Đồng thời, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị” trình các cấp có thẩm quyền, tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực thi. Phát động một cuộc vận động lớn về tinh thần và vật chất trên toàn thế giới về “Xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị”.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt Nam - Azerbaizan "Đối ngoại nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao hiệu quả của đối ngoại nhân dân trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào việc tăng cường giáo dục; xây dựng mạng lưới đối ngoại; phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; đẩy mạnh ngoại giao văn hóa và giáo dục; phát triển các dự án hợp tác quốc tế, và xây dựng chính sách đối ngoại nhân dân hiệu quả. Những biện pháp này sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế trên trường quốc tế, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững". |
RENEW truyền thông phòng chống tai nạn bom mìn cho học sinh Quảng Trị và Quảng Ngãi |
Cựu binh Mỹ nâng bước trẻ em Quảng Trị tới trường |