Người đi tìm những lời ru “ngủ quên”...

2024-12-21 13:16:25
Những người tự đi tìm số phận
Độc đáo lời ru của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn
Nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm tái hiện lại bài hát ru con của dân tộc Tày

Ký ức lời ru

Hát ru là một tài sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, mang bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc. Với những ca từ thấm đậm tình mẫu tử sâu nặng, những lời ru không phải chỉ để đưa con trẻ đi vào giấc ngủ, nó còn là chìa khóa mở cửa tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ, là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Đối với người Tày ở Thái Nguyên, hình ảnh các bà, mẹ vừa đưa nôi, vừa ngân nga điệu hát ru đã trở thành hình ảnh giản dị, thân thuộc bao đời. Những lời ca mộc mạc, thiết tha, chân tình, bắt nguồn từ đời sống, công việc hàng ngày, với những hình ảnh gần gũi. Từ đó, lời ru cũng là những khúc hát ngợi ca tinh thần lao động, hướng về cội nguồn, truyền tải những giá trị cao quý, đồng thời thể hiện sâu sắc tình yêu thương dành cho con trẻ.

Là một người may mắn sinh ra và lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, hơn ai hết, nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm hiểu sâu sắc về lời ru của dân tộc. Với bà, qua những lời ru nhẹ nhàng mà sâu lắng, mẹ như tâm tình, thủ thỉ, kết nối sợi dây gắn kết tình yêu thương, và cả những lời căn dặn, ước mong con có được tương lai tốt đẹp. Lời ru đó đã gắn bó với bà suốt cả một cuộc đời, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền cho bà những tình cảm chân thật, để đến tận bây giờ, chỉ cần nhớ lại, là cả một bầu trời ký ức hiện về, đẹp đẽ và nguyên vẹn.

“Tuổi thơ của mẹ tôi có lời ru của bà, tuổi thơ của tôi có lời ru của mẹ, lời ru đã gắn bó với tôi từ khi lọt lòng. Sau này, 3 đứa con của tôi lớn lên cũng bằng lời ru của tôi, bằng tất cả những gì mà tôi cảm nhận được từ lời ru của mẹ”, nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm cho hay.

Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự giao thoa văn hóa, những bài hát ru dường như đã bị mai một đi ít nhiều. Theo bà Điềm, do việc lưu giữ những điệu hát ru dân tộc Tày chủ yếu thông qua trí nhớ, hình thức truyền khẩu. Trong khi đó, số lượng nghệ nhân còn nhớ các làn điệu hát ru ngày một ít đi, hầu như không còn ai ru con cháu bằng tiếng của dân tộc Tày, thế hệ trẻ biết đến loại hình hát ru của dân tộc mình thì lại càng hiếm hoi.

Nhắc đến lời ru của dân tộc Tày, là nhắc đến hình ảnh chiếc nôi đưa con trẻ nhẹ nhàng vào giấc ngủ

“Đây là điều khiến tôi luôn đau đáu. Giá trị tinh thần quý giá mà cha ông để lại nếu như mình không giữ lại, thì sẽ bị mai một, trôi vào dĩ vãng. Khi đó, mình đã tự đánh mất đi nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày sẽ không biết gửi gắm vào đâu”, bà Điềm trăn trở.

Tìm lại những lời ru “ngủ quên”

Trong nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa qua, Mạng lưới Tiên phong Việt Nam đã mở ra không gian cộng đồng “Ký ức ru êm”, với mong muốn thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua ký ức lời ru. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều thành viên, đến từ nhiều cộng đồng dân tộc, những người luôn canh cánh bên lòng nỗi lo mai một tài sản tinh thần do cha ông để lại, trong đó có bà Điềm.

Cùng các thành viên nhóm, bà Điềm dày công lặn lội khắp các bản làng để sưu tầm, thu thập những giá trị quý báu đang bị chìm trong quên lãng. Đó chính là những lời ru, bài ru còn sót lại trong trí nhớ của những nghệ nhân cao tuổi. “Tôi gọi vui đây là hành trình đi tìm ngọc, những viên ngọc của tiền nhân”, bà Điềm cho hay.

Với bà, đây là một hành trình đầy khó khăn. Bởi các cụ, các bà bằng tuổi bố mẹ bà đều đã đi qua hết rồi. Còn lại lứa tuổi kế cận thì cũng chỉ hơn bà Điềm chừng 9 - 10 tuổi. Nhưng cũng lâu lắm rồi, họ cũng không ru con, ru cháu nữa, nên hầu như người nào cũng chỉ nhớ một vài câu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm cùng các thành viên trong Mạng lưới Tiên phong Việt Nam chia sẻ về hành trình đánh thức những lời ru

“Tôi hiểu rằng, nếu mình không đi tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ lại những lời ru thì bản sắc văn hóa dân tộc mình sẽ dần mất đi”. Do đó, bà Điềm vẫn miệt mài đến từng nhà, nhất là những gia đình có người già để hỏi han, tìm hiểu. Từ những xã gần thành phố Thái Nguyên, đến các bản làng gần như là hẻo lánh nhất của tỉnh, góp nhặt từng chút, từ đó, cô cùng các thành viên tổng hợp, soạn thành văn bản, với 2 thứ tiếng là tiếng dân tộc và tiếng phổ thông để lưu giữ.

Cũng từ đây, bà và mọi người đã cùng nhau tập luyện, tái hiện lại các bài hát ru để cộng đồng mình được biết, qua đó góp phần lan tỏa, bảo tồn lời ru trong cộng đồng, nhất là truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.

May mắn hành trình của bà được mọi người đón nhận. “Có trường học còn khẳng định sẽ đưa lời ru vào chương trình ngoại khóa của trường nữa, khiến chúng tôi cảm thấy hành trình của mình đã dần khởi sắc”, bà Điềm cho hay.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm, trong thời gian tới, để việc bảo tồn, đánh thức những lời ru đạt hiệu quả và hiệu ứng mạnh mẽ, cần có sự quan tâm hơn nữa của các nhà quản lý, các tổ chức cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Tày nói riêng, của các đồng bào DTTS nói chung.

“Ước mơ của tôi không chỉ bảo tồn lời ru, mà còn quảng bá, cất cánh cho những lời ca này vượt ra ngoài cộng đồng để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tiếp nối những nét đẹp truyền thống bao đời”, nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm bộc bạch.

Theo Trương Vui/ Báo Dân tộc và Phát triển

https://baodantoc.vn/nguoi-danh-thuc-nhung-loi-ru-ngu-quen-1689650990006.htm

Đắk Lắk: Ấn tượng sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên
Hậu Giang: Hơn 9.000 người đội mưa chinh phục cung đường ấn tượng miền Tây sông nước

Top