Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng một Tết. Như vậy, trước Tết của người Kinh 1 tháng, các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới. Lúc ấy, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... người Mông lại an tâm đón một cái Tết đoàn viên.
Suốt một tháng trời, các gia đình tổ chức ăn uống, ca hát từ nhà này sang nhà khác. Trẻ con có thể đến trường tuỳ thích. Người lớn không phải lên nương, ra ruộng trồng cấy.
Người Mông làm bánh dày đón tết
Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.
Trên mâm cỗ cúng tất niên của người Mông, những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Trên bàn thờ lúc này cũng không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường, nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh. Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.
Trước khi làm lễ cúng ngày Tết, chủ nhà sẽ cầm cành tre đi xua đuổi tà ma quanh nhà cũng như những điều muộn phiền trong năm cũ để cầu mong một năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Trước cửa nhà của người Mông vào ngày Tết luôn có 3 viên đá. Chúng được nướng trong bếp than hồng, sau đó được đưa ra trước cửa rồi dùng một bát nước đổ lên. 3 viên đá đang nóng, gặp nước sẽ bốc hơi lên. Người Mông quan niệm, lúc đó tất cả muộn phiền của năm cũ sẽ bay đi, chỉ còn những điều tốt đẹp ở lại. Hơi lửa của 3 viên đá cũng được tận dụng để rửa thìa cho các cụ ăn Tết.
Mâm cỗ cúng Tết của người Mông
Không như dân tộc Kinh có tục đón giao thừa, người Mông quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày.
Trong dịp Tết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông có những kiêng kỵ riêng. Đó là mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không nên đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ. Người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày Tết. Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn.
Điều đặc biệt, với người dân tộc Mông, ngày mùng một chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền, không cho ai xin bất cứ cái gì. Họ không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.
Tết là dịp người Mông vui chơi, tìm hiểu nhau
Từ ngày mùng bốn, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Trong dịp tết người Mông chơi nhiều trò chơi truyền thống ném pao, múa khèn, múa ô, chơi quay... Vào dịp này, trong các phiên chợ tết, các chàng trai cô gái bén duyên nhau. Họ gửi gắm tình cảm cho nhau qua tiếng khèn, ánh mắt, qua điệu múa mượt mà....
Nam Yên
Nguồn bài viết : Hội cày game kiếm tiền