Trẻ phản ứng tiêu cực khi bị “bêu xấu”
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội) cho rằng, trong thực tế, có nhiều phụ huynh mỗi lần con làm sai việc gì hay mắc lỗi là mang con ra trước ngõ đánh đòn để nhiều người nhìn thấy. Khi đã quen đòn, trẻ trở nên lì hơn và chống đối. Có trẻ khi thấy cha mẹ nổi giận chẳng cần để bị lôi kéo như mọi lần liền chủ động đi ra đứng trước ngõ sẵn sàng chờ trận đòn đầy thách thức, thậm chí tìm cách tiêu cực như tự tử hoặc bỏ nhà ra đi.
Trẻ bị tổn thương rất dễ có những hành động tiêu cực. (Ảnh: T.L)
Như trường hợp của bé Quỳnh Anh (16 tuổi, ở Hà Nội). Ngày nào bố mẹ Quỳnh Anh cũng đưa đón con đi học. Bởi vậy, khi nghe cô giáo phản ánh con hay bỏ tiết, mẹ Quỳnh Anh về nhà chưa hỏi đầu đuôi thế nào đã mắng té tát: “Tao nai lưng ra làm lụng nuôi mày chỉ để ăn với học mà có mỗi việc học mày cũng không làm nổi. Tao có đáng phải hy sinh vì mày nữa hay không...”. Thậm chí, mẹ Quỳnh Anh còn có những lời mắng nhiếc khá nặng nề như “Đồ vô dụng”, “ăn hại”, “ngu như lợn”, “đồ bỏ đi”. Những lời lẽ mắng mỏ ấy được phát ra với âm lượng khá lớn khiến trẻ con hàng xóm chạy đến nhìn rất đông. Cô bé chỉ biết úp mặt vào tường im lặng trong tiếng xì xào to nhỏ của bạn bè.
Xấu hổ, Quỳnh Anh đã bỏ đến nhà bác ruột ở ngoại thành. Sau nhiều ngày khuyên nhủ, cô bé mới chịu về nhà nhưng những ngày sau đó Quỳnh Anh rơi vào tình trạng trầm cảm, biếng ăn, mất ngủ, học hành giảm sút. Ra đường, cô bé chẳng dám nhìn thẳng vào ai vì ngượng. Phải điều trị nhiều tháng mới thuyên giảm nhưng vết hằn tâm lý vẫn kéo dài với cô bé.
Bực mình vì việc con lấy trộm tiền để ăn quà, lại nói dối, chị Nguyễn Thị Lý (ở Hưng Yên) quát con: “Mới nứt mắt đã học cái thói trộm cắp thì lớn lên chỉ có làm ăn cướp” và đánh cháu cho “chừa cái thói xấu”. Chị Lý không ngờ trong khi chị dạy con thì có người lén quay clip và tung lên mạng. Xấu hổ trước cảnh trộm tiền của mẹ ăn quà bị mẹ bóc mẽ và đánh đòn nên con gái chị Lý đã ra hiệu thuốc Tây mua thuốc ngủ về tự tử nhưng không thành do không có hiệu thuốc nào bán cho cô bé lượng lớn thuốc ngủ.
Trước đó, một bé gái 13 tuổi ở Mỹ đã phản ứng tiêu cực bằng cách tự kết liễu đời mình khi người bố tung clip phạt cô lên mạng. Clip ghi lại cảnh cô bé phạm lỗi đứng trong bếp nghe bố quở trách và bị cắt mất mái tóc dài. Nhiều chia sẻ cũng như bình luận khiến cô bé cảm thấy mình như bị “sỉ nhục”. Mục đích của người bố đưa clip lên mạng nhằm mong con gái biết lỗi lầm và không bao giờ tái phạm nhưng không ngờ cách giáo dục này đã lấy đi mạng sống của con.
Bố mẹ vô tư “xúc phạm” trẻ mà không biết
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, không những đưa lên Facebook mà ngay việc cha mẹ phê bình, thóa mạ trẻ khi chúng mắc lỗi đã là cách làm phản khoa học.
Mạng xã hội phát triển, nhiều người coi đó như những trang nhật ký riêng, không gian của riêng mình để bày tỏ cảm xúc. Những cái ấn like, comment lại càng kích thích họ chia sẻ mọi chuyện, đặc biệt là về con cái. Song họ không ý thức được rằng, việc họ vô tư kể chuyện gia đình, vô tư nói xấu người khác lại vô tình gây hại cho người bị bêu xấu. Mọi người nghĩ rằng trẻ rất sợ bị phê bình, chửi mắng, xúc phạm trước mặt đông người nên nếu bị “bêu xấu” trước đám đông sẽ không tái phạm. Nhưng trẻ nhỏ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng như người lớn. Khi chúng bị những người thân xúc phạm trước mặt mọi người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương.
“Sai lầm của trẻ có thể chỉ rất nhỏ nhưng khi nhiều người biết, bình luận thì lại thành chuyện rất lớn. Cách dạy này không những bị phản tác dụng mà còn có thể gây ra những hậu quả thương tâm. Khi bị xúc phạm trước mặt đông người, trẻ cảm thấy xấu hổ cũng như bị đẩy đến đường cùng, có những hành động dại dột. Nhiều em có thể sinh tâm lý hằn học, chống đối, thậm chí là nuôi hận thù trong lòng. Hành vi này sẽ làm con mất bản lĩnh, tự chủ, mất lòng tin vào bố mẹ”, chuyên gia Nguyễn An Chất nói.
Bố mẹ cần có cách ứng xử khéo léo với con.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Anh (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1), việc bêu xấu lỗi lầm của con với cộng đồng như đưa lên mạng xã hội là một hành vi xúc phạm trẻ. Trẻ nhỏ thường nhạy cảm và có lòng tự trọng cao. Chúng dễ mắc tự ti, trầm cảm trước việc cha mẹ chì chiết là “đồ vô dụng” hay “ăn hại”, “lười biếng”, “hư hỏng”…
Đừng mắng nhiếc con trước đám đông, đặc biệt là trước mặt bạn bè chúng. Hãy biết tôn trọng con và chọn cách ứng xử khéo léo trước bất kỳ lỗi lầm nào con gây ra. Chỉ khi bình tĩnh tìm hiểu được nguyên nhân rõ ràng hành vi của trẻ, bố mẹ mới có thể tìm ra cách ứng xử phù hợp và giúp con không tái phạm.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc để tránh nói những câu làm tổn thương con. Một khi trẻ không thấy cha mẹ không yêu chúng, chúng co mình lại hoặc nổi loạn và khó bảo hơn.
Cách dạy con tốt nhất là cha mẹ tôn trọng trẻ. Hãy dùng lời lẽ phân tích đúng sai cho trẻ thay vì la mắng, đánh đập. Khi thực hiện phạt con về điều gì cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu con tiếp tục phạm lỗi đó thì sẽ có hậu quả gì. Có vậy mới khiến trẻ ngoan ngoãn, tuân theo hình phạt của cha mẹ.
Tránh lặng lẽ phạt con dễ khiến trẻ có thái độ hậm hực với cha mẹ vì chúng không hiểu mình bị phạt do đâu và lần sau rất có thể trẻ lại mắc lỗi. Điều tối kỵ là đưa tội lỗi của con lên Facebook vì khi chúng đọc được những lời bình luận của mọi người sẽ càng khiến tâm hồn của chúng bị tổn thương.
Trường hợp trẻ lấy trộm đồ, để làm rõ sự việc không khó. Trẻ rất thật nên chỉ cần bố mẹ hỏi vặn vài câu hay đánh vào tâm lý kiểu như đã biết tỏng mọi việc là bé sẽ “khai” hết. Bố mẹ có thể làm vài thử nghiệm, vờ để quên tiền lẻ ở chỗ trẻ dễ thấy và quan sát xem con lấy tiền làm gì, tiêu ở đâu. Hoặc bày tỏ sự tin tưởng với trẻ, giao cho bé việc giữ đồ, canh cho khỏi bị kẻ khác lấy trộm đồ của bố mẹ. Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất |
Theo Gia Đình & Xã Hội
Nguồn bài viết : Las Vegas trực tuyến