Trong khi hàng loạt quốc gia tuyên bố ngưng nhập khẩu thịt gà Mỹ từ tháng 1.2015, thì Việt Nam lại chỉ áp dụng từ 1.5.2015.
Điều này dẫn đến thực tế thịt gà Mỹ khó tiêu thụ tại các nước đã đổ dồn về Việt Nam với số lượng lớn, đặc biệt trong ba tháng trở lại đây. Có ý kiến cho rằng, số liệu hơn 70.000 tấn thịt gà nhập về Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2015 (theo số liệu của tổng cục Hải quan) là chưa chính xác. Con số thực có thể gấp đôi do nhiều doanh nghiệp nhập theo dạng tạm nhập tái xuất, nhưng tìm cách tiêu thụ luôn tại Việt Nam mà không tái xuất. Ngoài ra, chất lượng thịt gà nhập khẩu cũng ẩn chứa nguy cơ mất an toàn vì các doanh nghiệp cho rằng, rất có thể trước khi về Việt Nam những lô sản phẩm này được chiếu xạ hay khử trùng bằng hoá chất để “qua mặt” cơ quan thú y.
Thông thường, thịt gà ở Mỹ và châu Âu thường có khuyến cáo với người tiêu dùng là sử dụng tốt nhất trong thời gian từ 4 – 6 tháng sau khi giết mổ, chính vì vậy sau thời gian này những lô thịt gà rất dễ trở thành hàng “thanh lý” với giá rẻ. Biểu hiện rõ nhất ở thời điểm này phần tuỷ trong xương đã chuyển sang màu thâm đen. Khi về Việt Nam, dù còn hạn sử dụng đến sáu bảy tháng nhưng chất lượng không còn đảm bảo. Bằng chứng là hầu hết thịt gà đông lạnh nhập khẩu bán trên thị trường hiện nay phần xương đã đen kịt. Nhiều hộ kinh doanh gian lận sau khi rã đông đã trà trộn với sản phẩm cùng loại trong nước, biến thành thịt nóng để hưởng chênh lệch. Bếp ăn công nghiệp, quán ăn bình dân, chợ lẻ… là những nguồn tiêu thụ chính mặt hàng này.
Vụ kiện đùi gà Mỹ bán phá giá: Dựng hàng rào kỹ thuật? Song song với việc đeo đuổi vụ kiện, hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đang thu thập quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của một số nước áp dụng quản lý thịt nhập khẩu để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện. Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty dịch vụ thương mại THO, nói hiện nay việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu được “mở” tối đa cho các doanh nghiệp. Theo ông Thơ, với mặt hàng thịt gà, từ khi bỏ quy định cấp giấy phép điện tử (do bộ Công thương quản lý) để đưa về một đầu mối là bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ nhập khẩu lô hàng ra bộ, trong vòng tuần lễ là được cấp phép. Khi hàng về đến cảng, cơ quan thú y lấy mẫu kiểm tra hai tiêu chuẩn (khuẩn E.coli và salmonella), nếu đạt sẽ được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu. Hải quan căn cứ vào đó để làm thủ tục thông quan. Hơn một năm trước, bộ NN&PTNT cũng quy định hàng hoá nhập khẩu phải lưu ở cảng để chờ kết quả kiểm tra của cơ quan thú y. Quy định này liền bị doanh nghiệp kêu tốn thêm nhiều chi phí lưu cảng, nên bộ NN&PTNT đã kiến nghị hải quan cho doanh nghiệp được kéo hàng về kho trước rồi mới lấy mẫu sau. Nhiều doanh nghiệp đánh giá “đây là bước đột phá, cởi bỏ hết tất cả vướng mắc để thịt nhập có được thuận lợi nhất” thâm nhập thị trường Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đang “mở toang” cánh cửa cho thịt nhập tràn vào. Điều này hoàn toàn khác với các nước. Ông Kay De Vreese, tổng giám đốc công ty TNHH Bel Gà – công ty của Bỉ và Hà Lan có nhà máy tại Lâm Đồng, cho biết có nhiều nước cũng đang thực hiện cam kết trong WTO, nhưng họ vẫn duy trì hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Ví dụ, mặt hàng thịt ức gà philê muốn nhập khẩu vào EU đang bị đánh thuế ở mức 15,4%. Thịt gà Mỹ nhập khẩu vào châu Âu đang gặp những trở ngại bởi các quy định về việc sử dụng hoá chất cấm cho gà tại nước này. Ông Nguyễn Quốc Trung, giám đốc công ty cổ phần 3F Việt cũng nêu dẫn chứng là mười năm trước, khi Indonesia gia nhập WTO và họ cũng gặp vấn đề ngành chăn nuôi gà nội địa bị thịt gà ngoại cạnh tranh quyết liệt. Sau đó, Chính phủ quyết định bảo vệ ngành gà bằng việc đưa tiêu chuẩn Halal (luật Hồi giáo) làm hàng rào kỹ thuật ngăn chặn và bây giờ, sản lượng thịt gà ngoại vào Indonesia rất thấp. “Tôi nghĩ Việt Nam cũng có cách làm chứ không thể thả cửa cho nhập như hiện nay. Chúng ta có quyền dựng hàng rào kỹ thuật, chẳng hạn như siết chặt chất lượng, tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra…”, ông Trung kiến nghị. Không chỉ có Indonesia, trên đất nước Thái Lan và Malaysia cũng hiếm thấy thịt gà nhập khẩu, mặc dù hai nước này đều là thành viên WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại thế giới. Ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, trước đây, Thái Lan cũng lo ngại ngành gà trong nước khó cạnh tranh khi nước này tham gia các hiệp định thương mại. Thái Lan sau đó đã có quyết định sáng suốt là chỉ cho phép nhập khẩu gà nguyên con. Biện pháp này giúp ngành gà đứng vững vì gà nhập nguyên con có giá cao, không cạnh tranh được với gà nội địa. “Tôi cho rằng Chính phủ và các hiệp hội cần có những hành động phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước như EU, Thái Lan hay một số nước đã áp dụng. Đó có thể là các hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch nhập khẩu, thuế nhập khẩu hay là thuế chống bán phá giá mà các hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam vừa đề xuất”, ông Chamnan kiến nghị. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1233 yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại… nhằm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, hiệp hội sẽ thu thập thông tin về các nội dụng hàng rào kỹ thuật mà các nước đang áp dụng đối với thịt gà nhập khẩu, qua đó sàng lọc xem điểm nào, mục nào, nội dung nào Việt Nam có thể áp dụng được để kiến nghị Chính phủ thực hiện. “Dự kiến đến cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ có đầy đủ hồ sơ hàng rào kỹ thuật ở một số nước như châu Âu, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nhật, Ấn Độ… Hiệp hội sẽ thu thập rồi làm đơn kiến nghị lên Chính phủ”, ông Ngọc nói thêm. |
Theo Thế giới tiếp thị
Nguồn bài viết : TK giải đặc biệt