Đầu tiên là các tổ hợp tác sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP được vay vốn để đầu tư nâng cấp các khâu bảo quản sau thu hoạch, lãi suất bằng 0%, trả chậm trong ba năm, mức vay không quá 50 triệu đồng/hộ. Cộng hoà Áo tài trợ hơn 4 tỉ đồng thông qua dự án Nghiên cứu và phát triển công nghệ sau thu hoạch lúa ở quy mô thôn xóm. Sau đó, công ty TNHH Chang Woo Jin Vina muốn xây dựng vùng nguyên liệu khoai lang Nhật khi An Giang mở rộng vùng sản xuất an toàn, nông dân được tạm ứng 20 triệu đồng/hộ.
Dò tìm sản phẩm an toàn
Công ty TNHH Chang Woo Jin Vina cam kết nông dân được hỗ trợ giống, hàng tuần có đội kỹ thuật kiểm tra, theo dõi dịch bệnh. Giá thu mua khoai lang theo hợp đồng là 2.500đ/kg và được quyền bán ra ngoài 40% sản phẩm loại tốt nếu giá cao hơn. Mô hình này không khác Angimex- Kitoku (Nhật Bản), nhưng việc doanh nghiệp tìm tới những vùng sản xuất an toàn cho thấy hướng này có triển vọng.
Nhiều nông dân tham quan mô hình trồng khoai ở xã Khánh Hoà (Châu Phú), nhận xét cơ hội này: thời gian sinh trưởng 135 ngày, năng suất khoảng 4.065kg/1.000m2; trừ hết chi phí mỗi công (1.000m2) còn lời trên 4 triệu đồng – khá lý tưởng, nhưng nếu giá mua tăng thêm 500đ/kg (3.000đ/kg) sẽ hấp dẫn hơn.
Huyện Châu Phú có thể sẽ mở rộng mô hình trồng khoai lang tại mười xã nếu những điều khoản tương nhượng có lợi cho người trồng. Đối với nhiều doanh nghiệp tìm kiếm sản phẩm an toàn, giá không phải vấn đề chính mà là sự thực thi cam kết và nguồn hàng không bị đứt giữa chừng.
Ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: các mô hình này phải an toàn nơi sản xuất, an toàn tiêu dùng, an toàn chế biến, an toàn cho môi trường được trợ giúp bằng tiền (chỉ là vốn khích lệ) và hoạt động kỹ thuật. Một số tiêu chuẩn GAP đang được triển khai tại An Giang gồm: SQF 1000, GlobalGAP, ASC (cá tra 150ha/900ha, lúa 100ha, bắp non 1ha), VietGAP (đậu nành rau 5ha). Tại Chợ Mới hỗ trợ áp dụng 7,5ha xoài cho chín hộ chưa được chứng nhận.
Ông Phả chủ biên tài liệu hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình an toàn sản phẩm tham gia chuỗi toàn cầu một cách dễ hiểu, thừa nhận nông dân chưa quen ghi chép sổ sách: tập huấn, cán bộ kỹ thuật phải hỗ trợ trong giai đoạn đầu. Gánh nặng chi phí chứng nhận, chính sách hỗ trợ ban đầu, cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình địa phương… là những cái khó của ngành nông nghiệp.
“Trong những khó khăn đó, cái khó do chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm GAP được đặt lên hàng đầu. Những thứ khác có thể khắc phục được”, ông Phả nói.
Từ khoai lang đến xoài
Nói về xoài ở Bình Phước Xuân, ông Nguyễn Hoàng Liệt, chủ một DNTN cho biết, chỉ riêng việc tỉa xoài non trong vườn VietGAP làm dưa xoài, đã bán được khắp xứ. Ông Sáu Nhẫn (Thái Văn Nhẫn) ở ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nói xã lúa Bình Phước Xuân “ trở bộ” thành xã xoài. Hiện nay, cả xã đã nghỉ làm lúa, chuyển 100% diện tích qua trồng xoài (gần 400ha).
Giống xoài ba màu được nhà vườn đặt trọn lòng tin dù không ai biết gọi tên thế nào cho đúng kể từ khi ông Ba Ngợi và ông Sáu Chiêu ở Bình Phú đưa giống về Bình Phước Xuân. Ai nấy chỉ nhắm tới giá bán xoài để tự điều chỉnh. Hồi tết, ông Sáu Nhẫn thu hoạch trên 10 tấn xoài ( loại 1 – 1,5kg/trái), giá bán 24.000đ/kg, cầm chắc 200 triệu đồng. “Lúc cao điểm (hụt hàng) thương lái tới tại vườn mua với giá 55.000đ/kg, nhưng khi “đông ken” chỉ còn 15.000đ/kg. Thương lái nói Trung Quốc mua để xuất đi xứ khác”, ông Sáu Nhẫn cho biết.
“Nói cho cùng, làm sao sản phẩm bán được, nếu giá xoài ổn định từ 25.000 – 30.000đ/kg là chấp nhận được. Bán với giá cao càng tốt”, ông Sáu Nhẫn, một trong số 100 người được TS Võ Mai huấn luyện quy trình sàn xuất an toàn cách đây năm năm, thú thiệt. Hiện nay, còn chín người quyết tâm làm thành “tổ” VietGAP để thoát cảnh giá bèo, đang chờ chứng nhận. Trong đó có ông Sáu Nhẫn, trồng 2ha (1.400 gốc xoài). Ông Phả khẳng định: “Chín hộ này sẽ được chứng nhận VietGAP trong nay mai vì thời gian thực hiện cũng 4 – 5 năm rồi”.
Ông Sáu Nhẫn băn khoăn: bán cho Trung Quốc bữa vầy bữa khác, sao không nghĩ cách làm hàng an toàn xuất đi xứ khác để thoát cảnh giá bèo? HTX trồng xoài, một mặt đăng ký nhãn hiệu với cục Sở hữu trí tuệ, một mặt ứng dụng quy trình VietGAP.
Theo ông Sáu Nhẫn, người có 30 – 40 tấn xoài mỗi mùa, việc đăng ký nhãn hiệu cũng khá lâu rồi nhưng chưa thấy kết quả, thôi thì cứ lo trồng theo VietGAP để doanh nghiệp bán đi xứ khác.
Theo Thế Giới Tiếp Thị
Nguồn bài viết : Tin tức bóng đá mới nhất