Vụ giang hồ “vây” xe công an: Tạm đình chỉ 2 trung tá công an
Theo Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ngoài việc bắt khẩn cấp 4 nghi can, hiện cơ quan công an đã xác định danh tính 6 đối tượng trực tiếp vây xe chở công an và gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 12/6 tại thành phố Biên Hòa.
Tối 19/6, Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) bắt khẩn cấp Nguyễn Tấn Lương (36 tuổi) để điều tra hành vi Gây rối trật tự công cộng. Đối tượng này là chủ doanh nghiệp xây dựng được xác định có vai trò tích cực, huy động giang hồ đến chặn xe chở nhiều cán bộ công an hồi tuần trước. Theo cơ quan công an, ngày 12/6, trong vụ va chạm xảy ra ở nhà hàng Lam Viên với Phạm Văn Hiền (ngồi ăn uống ở phòng VIP 2 với 3 sĩ quan công an cấp tá), Nguyễn Tấn Lương khai đã gọi "Giang 36" đến. Đối tượng này đã gọi thêm nhiều đối tượng xăm trổ đến gây rối trật tự công cộng khi yêu cầu 4 người ngồi trong xe ra nói chuyện. Yêu cầu bốn người trong ôtô ra ngoài "nói chuyện" không được, Giang chỉ đạo đàn em bao vây, đâm thủng bánh xe. Sự việc gây ách tắc giao thông hơn 2 giờ.
Việc bắt giữ và khám xét nhà riêng của nghi can Nguyễn Tấn Lương tại phường Thống Nhất (Biên Hoà), có sự chứng kiến của đại diện Viện Kiểm sát và cán bộ Bộ Công an.
Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với cục nghiệp vụ Bộ Công an để truy bắt thêm các đối tượng có liên quan khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về việc giang hồ bao vây nhóm công an trong xe ô tô ở Đồng Nai.
Công an Đồng Nai cũng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trung tá Đinh Tú Anh và trung tá Nguyễn Quang Trường (Cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Đồng Nai).
Sẽ công khai kết luận thanh tra ở Vĩnh Phúc
Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng mới lập đang tiến hành tiếp cận hồ sơ thanh tra tại Vĩnh Phúc. Đoàn tiếp tục thanh tra những nội dung đoàn thanh tra trước đó đã thực hiện.
Cụ thể, đoàn thanh tra mới của Bộ Xây dựng tiếp tục: Thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường; Tập trung thanh tra 4 nội dung công tác quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt và quản lý sau cấp phép, quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án, công trình do các UBND xã làm chủ đầu tư; Tổ chức bộ máy quản lý đô thị, xây dựng, địa chính và bằng cấp chuyên môn; Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia dự án, công trình do UBND xã làm chủ đầu tư giai đoạn 2013 - 2018.
Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Chu Hồng Uy, Phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ thanh tra trong 25 ngày tại huyện Vĩnh Tường, không tính ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra tại Vĩnh Phúc sẽ được công khai cho báo chí.
Trước đó, ngày 17/6, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Đảng ủy Công an Trung ương được giao chỉ đạo khẩn trương làm rõ vụ “vòi tiền” của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình làm việc tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) để xử lý nghiêm theo quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. "Bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ", Thủ tướng nêu rõ.
Ngày 12/6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi "vòi tiền" của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng khi làm việc tại huyện Vĩnh Tường.
Vietjet chậm, hủy chuyến hàng loạt do phi công bay quá giờ
Liên quan đến việc thời gian qua hàng loạt chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air hoãn, hủy, gây bức xúc cho hành khách, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã phát hiện và chỉ ra nguyên nhân ban đầu là do phi công đã bay quá giờ.
Theo đó, nhiều trường hợp người lái tàu bay của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định như đã vượt quá quy định về thời gian tối đa người lái tàu bay được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.
Trước đó, trong hai ngày 14-15/6, các chuyến bay của hãng hàng không Vietjet từ các sân bay Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất đến các chuyến bay quốc tế như Đài Bắc, Bangkok... đồng loạt bị huỷ đã khiến nhiều hành khách thở dài ngao ngán, bức xúc với cảnh vật vờ chờ đợi tại sân bay.
Điều khiến nhiều hành khách bức xúc nhất là cách hành xử của hãng khi sự cố xảy ra, thay vì thông báo sớm hơn để hành khách chủ động thì Vietjet lại thông báo quá gấp. Hay, khi chuẩn bị đến giờ tàu bay khởi hành sau khi chậm chuyến, hãng này tiếp tục cho đổi giờ bay tới cả chục tiếng đồng hồ đã khiến nhiều người trở tay không kịp.
Vietjet đã lên tiếng giải thích nguyên nhân của việc phải điều chỉnh thời gian khởi hành hàng loạt các chuyến bay là do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của hãng. Tuy nhiên, Hãng đã không thể xoa dịu được sự phẫn nộ từ những “thượng đế” hay đại lý vé máy bay khi liên tục nhận được những phản ứng gay gắt từ phía người mua.
“Để giữ kỷ cương thì cả tòa nhà Lê Trực cũng phải đập”
Trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm mới đây về xử lý công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ cương quyết cưỡng chế phần vi phạm của công trình. Thành phố đã giao thanh tra chỉ ra những vi phạm đồng thời xử lý cán bộ các cấp liên quan.
"Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè. Thành phố đã cưỡng chế xong tầng 19. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng nếu cắt tầng 17, 18 sẽ không an toàn nên thành phố đang chỉ đạo đơn vị liên quan trưng cầu giám định. Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng, còn chủ đầu tư rất cùn", ông Nguyễn Đức Chung nói.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định trách nhiệm phá dỡ, khắc phục sai phạm tại nhà 8B Lê Trực thuộc về Hà Nội. Bộ đã chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ thành phố và đã có văn bản hướng dẫn.
Giải trình thêm sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội xử lý triệt để, trong đó bảo đảm an toàn cho người dân sống trong toà nhà.
Nguồn bài viết : slot machine