Ngắm hồn quê cũ khiến ai cũng muốn quay về |
Đình làng Việt: Giữ hồn quê xưa |
Bảo tồn không gian văn hóa truyền thống
Về xã Gia Lập, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) một ngày nắng tháng 6, con đường trục xã đã được thảm nhựa, hai bên là đủ các loại hoa đang đua nhau khoe sắc, những cánh đồng lúa trải dài, dần chuyển sắc chín vàng. Càng đi sâu vào bên trong làng, tôi càng cảm nhận rõ hơn không gian thanh bình, êm ả đến lạ thường của miền quê này.
Nằm trên địa bàn thôn Tân Ngọc, cây cầu ngói Thượng Gia soi bóng trên dòng kênh. Cầu có kết cấu kiểu 5 gian nhà ngói, hai bên lan can cầu được thiết kế như dãy ghế ngồi để người qua lại có thể dừng chân nghỉ ngơi, hóng mát. Kế bên là đình làng Sào Long cổ kính được lợp bằng ngói vảy. Tại đó, những cụ ông, cụ bà, miệng nhai trầu, tay cầm nón lá phe phẩy, ngồi lại bên nhau với vài ba câu chuyện xóm, chuyện làng.
Theo các cụ cao niên trong thôn, 2 di tích này đều có tuổi đời hàng trăm năm và được người dân vô cùng yêu quý, coi đây là những "báu vật" của làng, gìn giữ rất cẩn thận.
Ông Đinh Văn Biên, Trưởng thôn Tân Ngọc chia sẻ: Những năm gần đây, đời sống kinh tế của các hộ dân phát triển khấm khá hơn hẳn, song nếp sống mộc mạc, chân thành cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng vẫn luôn được duy trì. Không gian yên bình, xanh mát của hồ nước, bóng cây cổ thụ vẫn được người dân trân trọng, bảo vệ. Cách không xa trung tâm tỉnh, nằm trong vùng công nghiệp phát triển, chịu tác động không nhỏ của "cơn lốc" đô thị hóa nhưng vì sao Gia Lập vẫn gìn giữ được nhiều không gian văn hóa truyền thống như vậy?
Chợ quê (thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình). Ảnh: Ninh Mạnh Thắng |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi nhận thức, trong quá trình xây dựng NTM, cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng thì cũng phải giữ lại "linh hồn" cho làng quê. Do vậy, khi mở rộng hệ thống đường làng, ngõ xóm, xã cố gắng điều chỉnh sao cho giảm tối đa việc xâm hại đến hệ thống cây xanh trên địa bàn. Nếu phải chặt bỏ cây nào thì lập tức phải trồng bù lại cây đó.
Do vậy, đến nay nhiều khu dân cư trên địa bàn vẫn còn những hàng nhãn cổ thụ, những cây ăn quả nhiều năm tuổi. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa như đình, đền, chùa, lễ hội cũng được chúng tôi tu bổ, tôn tạo song hành cùng các công trình văn hóa mới. Rời Gia Lập, chúng tôi đến với Nộn Khê xã Yên Từ, huyện Yên Mô - ngôi làng mà gần trăm năm nay người dân ở đây vẫn luôn tự hào về một con đường làng lát gạch đỏ au với không gian sống xanh mát, trong lành, còn đậm nét văn hóa truyền thống. Không chỉ có con đường gạch, hiện nay, Làng còn duy trì được lễ hội Báo Bản hàng năm với hàng loạt các hoạt động sôi nổi như: "Dạ hội văn nghệ", rước kiệu, múa rồng, múa lân, đánh cờ, võ vật, tổ tôm ...
Cắt nghĩa về 2 từ "Báo Bản", ông Nguyễn Văn Thái, một người dân cho biết: Báo là báo công, báo những việc đã làm trong năm qua, bản là gốc gác, cội nguồn. Báo Bản là tổ chức một cuộc lễ hội để nhớ về nguồn gốc, nhớ về tổ tiên, những người đã có công lao xây dựng làng xóm ngày nay và báo công về sự đóng góp của lớp lớp con cháu sau này.
Tục lệ Báo Bản hình thành từ xa xưa và được gìn giữ, phát huy cho đến ngày nay. Nó thể hiện tinh thần Uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Dù đi đâu, ở đâu, cứ đến ngày 13, 14 tháng Giêng Âm lịch, ngày hội làng, là con cháu của làng đều cố gắng về dự hội.
Cần sự chung tay gìn giữ của mọi thành phần xã hội
Dễ dàng nhận thấy là hiện nay, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh ở các vùng nông thôn của Ninh Bình đã được đầu tư nhiều và đồng bộ hơn.
Người dân nông thôn ngoài cấy lúa, chăn nuôi, giờ đây cũng có thêm những lựa chọn mới về sinh kế như đi làm công nhân hay tham gia vào các ngành dịch vụ, du lịch khác. Do vậy, đời sống vật chất của số đông người dân nông thôn đã được cải thiện, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, hộ giàu có, khá giả ngày càng nhiều.
Đặc biệt, qua 12 năm được tập trung đầu tư bài bản theo các tiêu chí, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang lại sức sống mới cho nhiều làng quê. Tuy nhiên, đi liền với những chuyển động này là không ít hệ lụy. Trong số 119 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh, không phải xã nào cũng giữ được những nét văn hóa truyền thống như ở Gia Lập hay Yên Từ. Không ít làng quê, ao hồ đã bị san lấp; nhiều diện tích ruộng vườn được sử dụng vào mục đích khác.
Cầu ngói Thượng Gia (Gia Lập) lưu giữ nhiều nét văn hóa của người dân địa phương. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhà ngói ba gian, vườn cây, ao cá được thay thế bằng nhà ống, bám mặt đường, chẳng khác gì ngoài phố. Những lũy tre xanh - biểu tượng gắn kết cộng đồng cũng ngày càng vắng bóng, thay vào đó là những khối bê-tông, đường bê - tông, ao bê - tông, kênh mương cũng bê - tông... Trông qua thì có vẻ như làng, xã đã được hiện đại hóa nhưng nhìn kỹ mới thấy toàn bộ nét quê xưa đã bị biến dạng.
Nhiều nhà kín cổng cao tường, "ra đóng vào khép" nên tối đến, thay vì tham gia những sinh hoạt cộng đồng, mọi người thu mình quanh chiếc ti-vi, dán mắt vào màn hình điện thoại. Đâu đó, chính quyền cơ sở dường như mới chỉ chăm lo cho "cái vỏ" NTM mà quên đi "cái lõi" là xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Nông thôn có giá trị riêng của nó, đó là sự yên bình, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là tính gắn kết cộng đồng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nhân văn, hồn cốt của dân tộc. Nhưng trong bối cảnh "Cơn lốc" đô thị hóa cùng những mặt trái của kinh tế thị trường, nếu chúng ta không kịp thời quan tâm, bảo vệ, lưu giữ được những giá trị này thì "hồn quê" sẽ phai nhạt, khôi phục lại sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Lê Quang Lực, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho rằng: Bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng NTM giai đoạn tới đây. Để làm tốt công tác này, không thể chỉ từ một quyết định hành chính mà cần phải có một chủ trương tổng hòa, có định hướng đúng đắn, phù hợp.
Trên hết cần sự chung tay gìn giữ của mọi thành phần xã hội. Bên cạnh tăng cường xây dựng công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, làng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, luyện tập của nhân dân cần quan tâm thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích... Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng để cùng tham gia giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp ở mỗi làng quê là rất quan trọng.
Tới đây, chúng tôi đang tính toán xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Lưu giữ "hồn Việt" qua gốm phù điêu |
Khoai chà - một góc hồn quê |