Mỏi mắt tìm thợ lặn

2025-01-17 20:38:19

Do độ rủi ro của nghề “chinh phục đáy biển” vô cùng cao nên thợ lặn ngày một khó tìm. Mỗi chuyến đi tìm thợ lặn của đội tàu cá lấy đáy biển làm nơi mưu sinh ở Quảng Ngãi không khác gì những cuộc “săn đầu người”.

Nghề nguy hiểm, ít người theo

Thợ lặn Nguyễn Văn Chung bị cụt một tay nhưng vẫn là thợ lặn chính mỗi lần ra Hoàng Sa hành nghề (Ảnh: Trần Mai)

Nghề lặn biển Hoàng Sa từng thu hút rất nhiều thợ lặn có nghề. Mỗi chuyến biển mỗi thợ lặn có thể kiếm được vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Lão ngư Võ Bông (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đã bước sang tuổi bát tuần, nhớ lại thời gian những con tàu lặn Quảng Ngãi chỉ vài chục mã lực vượt gió ra Hoàng Sa lặn bắt hải sản.

Cầm bộ áo lặn sờn cũ đã không còn được sử dụng từ 20 năm nay, ông Bông nói chắc nịch: “Bộ áo này theo tôi cả trăm phiên biển. Thời đó, chỉ cần nổ máy là vài chục thợ lặn xuống cảng Sa Kỳ xin đi, tàu không đủ chỗ chứa, chủ tàu phải tuyển lựa rất kỹ”.

Bốn người con ông Bông lớn lên cũng theo cha ra Hoàng Sa chinh phục từng mét nước đại dương. Nhưng thợ lặn ngày một khan hiếm bởi nghề quá nguy hiểm.

Chỉ tính riêng tại xã Bình Châu đã có hơn 50 người bị tai nạn lúc lặn phải sống cuộc đời còn lại trong cảnh tàn phế. Ngư dân Nguyễn Thanh Nam (52 tuổi) từng là một thợ lặn có tiếng. Thời đỉnh cao, có lúc ông chinh phục độ sâu 40m, thế mà ông đã giã từ biển khơi gần 20 năm.

Ngẫm nghĩ về đời lặn biển, ông Nam đầy ưu tư: “Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Như tôi tàn phế nhưng vẫn còn sống. Lứa của tôi khoảng chục người chết vì lực nước khi vừa bước lên sàn tàu”.

Ngư dân trẻ Nguyễn Tấn Hải chỉ mới 25 xuân xanh mà đã có 5 năm trở thành người tàn phế sau 1 lần lặn biển. Từ đó Hải kiên quyết không cho 2 em theo nghề lặn của mình.

Hải cho biết nghề lặn chỉ cần một bộ áo lặn, một đèn pin, một dây hơi và một cây chĩa để đâm hải sản, bu bám các rạn san hô dưới đáy biển hành nghề, khi vợt đầy hải sâm, tôm, ni, cá mú... thì ngoi lên bờ.

“Lần đó trong lúc tôi lặn gần đảo Đá Lồi, dù đã cẩn thận ngoi lên từ từ và dừng lại ở độ sâu 10m để làm quen áp suất, vậy mà lên đến sàn tàu vẫn bị ngợp, tôi nằm nghỉ rồi liệt chi luôn đến giờ” - Hải kể.

Xã Bình Châu là nơi sản sinh thợ lặn nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi, thế nhưng số thanh niên theo nghề ngày một giảm.

Theo thống kê của UBND xã Bình Châu, năm 2012 có khoảng 70 thợ lặn trẻ tiếp bước cha anh. Đến năm 2015, con số này chỉ còn 30 người. Ở Lý Sơn giờ mỗi năm cùng lắm cũng chỉ có 20 thợ lặn trẻ theo nghề.

Nhiều lão ngư ở Lý Sơn, Bình Châu đầu tóc bạc phơ, cả đời ngụp lặn dưới đáy đại dương như ông Bông, ông Hoa, ông Tích, ông Truyền... đều cho rằng để đào tạo một thợ lặn rất công phu: đầu tiên phải bơi thật giỏi.

Sau đó, sẽ cho mang những cục chì nhỏ xuống dưới nước khoảng 5m tập làm quen, người nào ù tai chịu không nổi thì coi như không thể thành thợ lặn, ai vượt qua sẽ ngâm mình ở độ sâu 10m.

Lần huấn luyện này nếu ai 1 ngày xuống 10 lần vẫn bình thường thì mới dám cho xuống đáy biển đánh bắt, những ai tháo chì ngoi lên bờ thì trở về đất liền làm nghề khác.

“Khổ lắm, không dễ gì có được thợ lặn đâu. Đó là chưa kể thợ trẻ phải học cách xử lý khi có sự cố, ai hoảng loạn thì khó tránh khỏi tai nạn” - ông Truyền nói.

Mỗi chuyến đi biển, 1 tàu hành nghề lặn ở Hoàng Sa cần ít nhất 11 ngư dân, nhưng hiện nay người làm nghề này ngày càng hiếm (Ảnh: Trần Mai)

Vào Phú Quốc, 
ra Quảng Ninh

Tàu hành nghề lặn nhiều mà thợ lặn ngày một khan hiếm, mỗi phiên biển chủ tàu phải lang thang khắp vùng biển tìm kiếm thợ lặn.

Tuy nhiên giống thợ lặn Quảng Ngãi, ở các vùng biển nổi tiếng sản sinh thợ lặn giỏi như Ninh Hòa (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hoài Nhơn (Bình Định)... người đi lặn càng ít. Ở các nơi này, thợ lặn trở thành của hiếm.

Thuyền trưởng Võ Văn Lựu, chủ tàu cá QNg 95479, vừa mất nửa tháng vào tận Vạn Ninh, Khánh Hòa tìm thợ lặn. Chuyến đi không mang lại nhiều kết quả. Biết trước sẽ khó khăn để tiếp cận và thuyết phục thợ lặn, ông Lựu đã mang theo 50 triệu đồng cùng vài thợ lặn địa phương vào Khánh Hòa.

“Tôi đến làng lặn Ninh Vân gặp hơn chục thợ lặn quen có, lạ có. Tôi mời họ ra Quảng Ngãi đi lặn cùng mình. Tôi ứng trước mỗi người 5 triệu đồng để họ nhận lời. Cuối cùng có 7 người đồng ý đi nhưng rồi chỉ 3 người lên xe đi cùng. Vừa mất tiền vừa không đủ quân đi biển” - ông Lựu nói.

Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh (xã An Hải, huyện Lý Sơn) cũng đang lâm vào thế bí. Tàu vốn dĩ đã có 7 thợ lặn cùng góp vốn đóng tàu, chỉ cần tìm thêm 4 người là đủ ra khơi, vậy mà mất nửa tháng ra tận Hà Tĩnh rồi Quảng Ninh tìm không ra.

Anh Thạnh đành trở về gọi mấy thiếu niên 15 - 16 tuổi cùng xóm ra khơi với mình để dạy nghề.

“Mấy năm trở lại đây, mỗi lần kiếm được một thợ lặn làm cho mình thì phải tạo điều kiện tốt nhất để giữ chân họ, nếu không muốn phải tốn công tìm kiếm người thay thế. Mấy ông giờ giống như vua” - anh Thạnh cười chua chát.

Mùa này đã hết gió nam, biển êm là điều kiện thuận lợi cho các thợ lặn chinh phục đáy biển Hoàng Sa, vậy mà hơn chục chiếc tàu cá hành nghề lặn của ngư dân Bình Châu (huyện Bình Sơn) vẫn đang “an phận” ở cảng Sa Kỳ.

Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi) vừa từ đảo Phú Quốc trở về, ông thậm chí còn không kiếm được lấy 1 thợ lặn, dù đã tiêu hết số tiền 40 triệu đồng và ăn dầm nằm dề hơn nửa tháng ở Phú Quốc.

Neo thuyền gần 2 tháng vì thiếu thợ, ông Tiến phải lên cảng Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) tưới nước 2 lần mỗi tuần để nắng mưa không làm hỏng con tàu ông vừa bỏ hơn trăm triệu đồng làm máy. Cả tháng qua, ngày nào ông cũng điện thoại cho các “cò” thợ lặn ở các tỉnh nhờ họ tìm kiếm giúp.

Ông nói: “Dù tàu tôi đi lặn ít khi lỗ vốn nhưng cũng rất khó khăn tìm người. Mấy năm trước, chỉ cần mình điện thoại là họ đi ngay. Nay mình phải vào tận nhà mời họ đi cùng nhưng chẳng ai chịu. Ai cũng nói làm gì đó kiếm sống chứ không dám đi lặn”.

Tàu nằm bờ vì thiếu thợ lặn

Bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết chủ tàu hành nghề lặn biển Hoàng Sa không chỉ khó khăn trong bám đảo mưu sinh trước sự đe dọa của Trung Quốc, mà còn phải vất vả tìm những người có nghề lặn giỏi đi cùng mình.

“Những năm gần đây, việc tìm thợ lặn rất khó khăn. Không ít chủ tàu đã phải neo bờ vì vấn đề này. Hiện tại đảo Lý Sơn có khoảng 20 tàu cá trong cảnh thiếu thợ lặn” - bà Hương nói.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn bài viết : SBO Thể Thao

Top