Bố mẹ ở mỗi nơi trên thế giới có phương pháp rèn con không giống nhau do đặc điểm văn hóa, truyền thống ở mỗi nơi:
Người Nhật dạy con đề cao giá trị cộng đồng
Trẻ Nhật chăm chỉ học tập, gắn bó với gia đình, có nề nếp quy củ. Cha mẹ Nhật không quá nghiêm khắc với con, họ đề cao việc thể hiện tình yêu thương nhưng không đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Bố mẹ Nhật muốn xây dựng lòng tự tin cho trẻ bằng cách khen ngợi những hành vi cụ thể, nhìn ra và giúp trẻ phát triển các thế mạnh của mình.
Ở Nhật, trẻ được bố mẹ để tự đi bộ (dưới 7 tuổi) hay đi xe đạp, tàu điện ngầm tới trường. Họ để con tự làm những việc trong khả năng nhưng luôn phân chia trách nhiệm của người lớn tại địa phương để đảm bảo cho trẻ được an toàn.
Trẻ ở các lớp mầm non của Nhật được học qua các hoạt động vui chơi và tìm hiểu thiên nhiên ngoài trời. (Ảnh: Cupofjo)
Cộng đồng là điều quan trọng ở Nhật. Người lớn tại địa phương thường rất vui vẻ khi giúp đỡ và chào hỏi trẻ. Các bố mẹ cũng phải đảm bảo con cái mình luôn nói lời chào thật to với mọi người gặp trên đường. Nếu bạn không làm vậy thì sẽ bị coi là quá thô lỗ. Trẻ em sẽ học cách tôn trọng người lớn, tuân theo các luật lệ và đề cao tính cộng đồng từ chính cách bố mẹ chúng sống và đối xử với mọi người xung quanh.
Người Do Thái dạy con bằng cả tình yêu thương và sự nghiêm khắc
Chỉ có hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới và bí quyết là họ dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi… từ nhỏ.
Các bà mẹ Do Thái dành cho con "tình yêu đống lửa" - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc. Họ cho rằng, yêu con là phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành người bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời. Tại Israel - đất nước của người Do Thái - có những trường quý tộc nhưng lại đào tạo và rèn luyện cho học sinh biết vượt qua khó khăn, thử thách. Một chỉ số được các vị phụ huynh đánh giá cao ở trẻ là AQ - chỉ số vượt khó. Càng con nhà khá giả càng cần rèn luyện chỉ số này.
Người Do Thái coi trọng việc rèn con làm việc nhà và coi đó là cách để trẻ học kỹ năng sinh tồn cơ bản. Câu nói nổi tiếng về cách dạy con của dân tộc này là: "Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con". Họ cũng giáo dục con biết quản lý tài chính từ sớm: 3 tuổi nhận biết được tiền và 5 tuổi biết kiếm tiền.
Người Mỹ dạy con: Tự lập và sáng tạo
Ngay từ khi con còn nhỏ, người Mỹ đã có ý thức rèn cho trẻ thói quen tự lập từ việc ăn tới cách ngủ. Các bố mẹ Mỹ rèn con tự ngủ từ lúc mới chào đời bằng cách cho con ngủ riêng, để bé ngủ vào giờ nhất định, thực hiện các thói quen trước khi đi ngủ như tắm, đọc sách... và để bé tự dỗ mình nín khi khóc (nếu biết chắc trẻ an toàn, không đói, ốm).
Đại gia đình ông bố Mỹ Francis L. Thompson. (Ảnh: Qz.com)
Trẻ em Mỹ cũng được bố mẹ tạo điều kiện phát triển khả năng sáng tạo: Có thể tự làm đồ chơi, đồ hỏng thì tự sửa... Bố mẹ cũng chú trọng tới sự phát triển thể chất và các mặt văn hóa - xã hội của trẻ nên luôn khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường tôn trọng sở thích và lựa chọn của con.
Người Mỹ vốn thực dụng và họ luôn muốn dạy con những điều thực tế: biết giá trị đồng tiền, biết tiết kiệm và tự lo được cuộc sống của mình. Một ông bố Mỹ tên Francis L. Thompson có 12 con và tất cả đều có bằng đại học (hoặc đang ngồi trên giảng đường) nhưng bố mẹ không phải tốn chi phí gì nhờ cách dạy con biết tự lập từ bé: tự làm việc nhà, phục vụ bản thân, sửa chữa các vật dụng hỏng.
Người Pháp muốn trẻ học cách sống cuộc đời của mình
Người Pháp thường không hay thể hiện sự cưng nựng, chiều chuộng con cái. Bạn sẽ không thấy các bà mẹ Pháp theo sát con cái họ trong khu vui chơi và bình luận về mọi việc trẻ làm. Họ luôn rất tôn trọng con nhưng theo cách “hãy để bé sống cuộc đời của nó”. Cha mẹ thiết lập những giới hạn nhưng để chúng có quyền tự do quyết định, như việc chọn bạn, thời gian đi chơi. Tuy nhiên, họ cũng khá nghiêm khắc và yêu cầu con cái phải biết kính trọng, kiên nhẫn.
Riêng về cách cho ăn, các bố mẹ Pháp khiến nhiều phụ huynh ở khắp nơi trên thế giới ngưỡng mộ vì trẻ Pháp nổi tiếng là không kén ăn và có thói quen ăn uống lành mạnh. Cho con ăn đúng bữa, ăn mọi thứ cùng người lớn, ưu tiên ăn rau trước, luôn tạo không khí thoải mái, ấm áp nhưng cũng trang trọng cho bữa ăn gia đình, không cho trẻ ăn vặt giữa các bữa... là những cách người Pháp rèn con ăn.
Mẹ Hổ Trung Quốc dạy con bằng sự khắc nghiệt
Không xem TV hay chơi điện tử, không được đạt điểm số trung bình, không chơi nhạc cụ nào khác ngoài violin hay piano... là cách Amy Chua - "hổ mẹ", giảng viên người Mỹ gốc Hoa dạy con. Mẹ Hổ đã "đào tạo" cô con gái lớn trở thành một thần đồng piano, còn cô em gái thành một nghệ sĩ violin tài năng.
Amy Chua - người được nhiều người biết đến với biệt danh “mẹ hổ” cùng hai cô con gái. (Ảnh: Careworklive)
Cả hai vợ chồng chị Amy Chua đều thống nhất với nhau rằng con cái của họ sẽ được nuôi dậy theo cách của người Trung Quốc chứ không phải của người phương Tây. Điều đó đồng nghĩa với việc có những hình phạt nặng nề, và trẻ phải xuất sắc trong mọi lĩnh vực.
Thực tế, rất nhiều người Trung Quốc tỏ ra đồng tình với cách dạy của Chua. Họ nghĩ rằng để giỏi một việc gì đó thì phải làm việc, trẻ con muốn giỏi thì phải học.
Zeng Xiaodong, giảng viên tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh thì khuyến cáo rằng cách dạy con nghiêm khắc có thể phản tác dụng, nhất là khi cha mẹ đặt ra những yêu cầu khắc nghiệt với trẻ nhưng bản thân họ lại không nêu gương.
Theo VnExpress
Nguồn bài viết : xổ số miền nam