Mang lại sự sống cho trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

2024-12-20 20:14:41
Hỗ trợ các hộ gia đình và trường học tại Cà Mau ứng phó với hạn hán năm 2024
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ người dân Yên Bái tái thiết cuộc sống sau bão số 3

Những con số “biết nói”

Chồng đi làm xa, dù đang mang song thai nhưng My (25 tuổi, người dân tộc H'Mông, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) phải ở nhà chăm 2 con và làm những công việc đồng áng vất vả. Vì hoàn cảnh khó khăn, My vẫn muốn sinh con tại nhà, bất chấp những nguy hiểm đang chờ đợi phía trước.

Ngày 20/2/2023, My gặp phải tình huống nguy hiểm. Cô bị đau bụng dữ dội. Rất may, người hàng xóm đã phát hiện sự việc và nhanh chóng báo cho ông Giàng A Giáo, cán bộ y tế bản để đưa đi cấp cứu.

Khi đến trung tâm y tế huyện, My đã được các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Nhờ đội ngũ y tế, My đã được mổ lấy thai thành công, hai bé gái, nặng lần lượt là 3.000 gam và 3.100 gam chào đời.

Sau ca phẫu thuật thành công, My và các con bắt đầu quá trình hồi phục, nhận được sự chăm sóc và quan tâm cần thiết tại trung tâm y tế huyện. Sau khi sức khỏe ổn định, ba mẹ con đã được xuất viện vào ngày 25/2/2023.

“Trong khoảnh khắc vô cùng đau đớn và bấp bênh đó, tôi đã nghĩ có thể mình sẽ không bao giờ được gặp những đứa con quý giá của mình. Nhưng nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ và đội ngũ, các con tôi đã được cứu sống. Tôi không thể diễn tả hết lòng biết ơn sâu sắc của mình. Cảm ơn các bác sĩ, y tá và đội ngũ giới thiệu đã cho tôi cơ hội được bế con trên tay”, My chia sẻ.

Câu chuyện của My là một trong những nỗ lực của dự án “Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tại Sơn La và Đắk Lắk do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện.

Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 4 huyện dự án thuộc hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk.

Bác sĩ Vũ Quỳnh Hoa, Bác sĩ điều trị khoa nhi Bệnh viện đa khoa Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, sau khi được tập huấn về phương pháp Kangaroo cũng như các bước chăm sóc thiết yếu cơ bản dành cho trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân, thì chúng tôi đã điều trị được các ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân từ 1,6kg. Chúng tôi cảm thấy tự tin hơn khi điều trị và có nhiều ca thành công ra viện nhiều hơn. Lúc tập huấn chúng tôi được cầm tay chỉ việc, lĩnh hội kiến thức của các thầy cô sau khi về cơ sở chúng tôi sẽ chia sẻ kiến thức cho các đồng nghiệp của mình. Sau đó cùng nhau góp ý thảo luận để đi đến các xã vùng sâu vùng xa để truyền đạt cho các cán bộ y tế, bà mẹ, người dân.

Với nguồn tài trợ hơn 2 tỷ won Hàn Quốc (tương đương hơn 37 tỉ đồng) trong vòng 3.5 năm (từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2024), dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh tại 4 huyện dự án thuộc hai tỉnh Sơn La và Đắk Lắk.

Đánh giá cuối kỳ cho thấy những nỗ lực của dự án trong thời gian qua đã đạt được những kết quả vô cùng ý nghĩa, cụ thể, tỷ lệ tử vong mẹ ở địa bàn dự án giảm từ 57,6/100.000 xuống còn 0/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm từ 11,5/1.000 xuống 1,6/1.000 trẻ đẻ sống. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được thăm khám 24 giờ sau sinh tăng từ 33% lên 61,4%; tỷ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế có kỹ năng đỡ đẻ tăng từ 78,3% lên 85,1%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế tăng từ 73,5% lên 81%.

Dự án cũng hỗ trợ Vụ SKBMTE cùng các chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa và sơ sinh cập nhật và ban hành 2 tài liệu quan trọng là “Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo”; và “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, điều trị sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Các tài liệu chuyên môn này sẽ được áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Nhân rộng dự án ra các tỉnh, thành

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thùy Dương – Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh, thông qua việc nâng cao nhận thức cho bà mẹ, gia đình và cộng đồng, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế và tham vấn chính sách, dự án đã tạo được những tác động tích cực góp phần cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh không chỉ tại Sơn La và Đắk Lắk mà còn trên phạm vi cả nước.

Quang cảnh hội thảo tổng kết.

Tại hội thảo, các mô hình thành công của Dự án cũng đã được chia sẻ như: Mô hình chăm sóc trẻ sinh non và nhẹ cân (KMC), Mô hình đào tạo và giám sát hỗ trợ, Mô hình đội chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh lưu động, Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng và Mô hình truyền thông trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các đại biểu cũng trao đổi những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, đồng thời thảo luận về kế hoạch mở rộng và duy trì tính bền vững của dự án trong thời gian tới.

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Ông TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đánh giá cao hiệu quả của dự án trong việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Ông mong kết qủa dự án duy trì và nhân rộng trong địa bàn các tỉnh thành trong cả nước.

Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng cho người dân vùng bão lũ Lào Cai

Top