7 giờ sáng, chiếc xe máy cũ kỹ đỗ xịch trước cổng Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh cơ sở 1 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Ngay lập tức, những đứa trẻ chân khập khễnh, đứa tay cong khòng, đứa thì miệng méo xệch, lon ton chạy ra cầm tay dắt người đàn ông ngoại quốc cao gầy, nước da trắng hồng nhăn nheo, với mái đầu hói bạc trắng, lưng ướt đẫm mồ hôi, vào trong.
Suốt 3 năm qua, ông Matt trở thành người bạn thân thiết của những nạn nhân da cam tại Đà Nẵng .
2 đứa nhỏ nhất, không chạy kịp nên ngồi bệt xuống nền nhà, ngọng nghịu gọi: "ông Matt, ông Matt". Thấy vậy, ông liền nhanh nhẩu tiến lại, ngồi sụp xuống, ôm 2 đứa bé vào lòng, vỗ về với nụ cười hiền hậu. Tụi trẻ người nhỏ thó, phụng phịu trong lòng ông chẳng chịu rời.
Hiểu rõ nỗi đau sau cuộc chiến, cựu binh Matt tìm đến với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng bằng tất cả sự sẻ chia của "người trong cuộc".
Ẵm 2 đứa trẻ 2 bên hông, ông Matt dạo một vòng quanh trung tâm để chào hỏi mọi người, mấy đứa nhỏ còn lại bu chân, níu áo ông rồi rồng rắn theo sau. Cứ thế, họ đi hết phòng này sang phòng khác để chào buổi sáng. Đến mỗi phòng, ông Matt đều dừng lại vài phút hỏi thăm mọi người. Với vốn tiếng Anh học lỏm được từ ông Matt, mấy đứa trẻ cũng lí nhí đáp bằng giọng trọ trẹ: "ok, ok", "good, good", "thanks, thanks", rồi nhìn nhau cười hì hì, tỏ vẻ thích thú lắm.
Suốt 3 năm qua, dù không chung ngôn ngữ nhưng tụi trẻ da cam ở đây dường như hiểu hết mọi lời nói, hành động của người đàn ông Mỹ này. Và ông Matt thì luôn mang lại tiếng cuời và những điều mới mẻ, tuyệt vời nhất trên trái đất này cho bọn nhỏ.
7h30, "te te", nghe tiếng còi được ông Matt thổi, 3 đứa trẻ cao to nhất hí hửng chạy chới với ra sân, khập khiễng xếp thành một hàng ngang để chơi bóng rổ. Cứ mỗi lần thấy ông Matt ném quả bóng trúng đích, lũ trẻ lại vỗ tay phấn khích. Rồi chúng lại giành nhau "trổ tài", nhưng hết đứa này đến đứa kia lóng ngóng mãi mà không ai đưa được trái bóng vào rổ cả… Thấy vậy, ông Matt cười khà khà, rồi lại ân cần bày từng động tác cho lũ trẻ.
Rời sân thể thao, ông Matt vào lớp học. Thấy ông, một cậu bé da cam liền đưa tay ra hiệu chào. Ông Matt kéo ghế ngồi cạnh, cậu bé choàng tay ôm ông, ra vẻ hạnh phúc lắm. Nở nụ cười hiền, ông Matt tỉ mẫn bày cậu bé chơi trò xếp hình, rồi vẽ tranh. Ông Matt chơi bóng cùng trẻ em ở trung tâm NNCĐDC
Với các trung tâm dành cho NNCĐDC ở Đà Nẵng, chẳng biết từ khi nào, ông Matt trở thành một thành viên không thể thiếu.
Vừa bày xong em này, nhóm trẻ khác lại chạy đến nũng nịu, níu tay đòi ông Matt dạy học. Ông Matt kiên nhẫn cầm tay từng em, tập viết chữ O, chữ A. Cứ mỗi lần hoàn thiện được một con chữ nghệch ngoạc, tụi nhỏ lại vỗ tay thích thú, ôm chầm lấy ông Matt, cười toe toét.
9h15, tại một căn phòng khác, thấy mọi nguời đang chăm chỉ làm hương, ông Matt cũng luộm thuộm đến giúp xếp từng bó hương, mang ra phơi nắng. Ông từ tốn, nhẹ nhàng như cách mình tiếp xúc, gần gũi với các nạn nhân chất độc da cam nơi đây vậy.
Cạnh đó, thấy một số em đang làm đồ lưu niệm, ông Matt tiến lại, tỉ mẩn giúp một bé gái đang lóng ngóng xâu các hạt cườm lấp lánh vào sợi dây kẽm, để kết thành bông hoa. Nhìn thành quả vừa hoàn thành, cả 2 "thầy trò" nhìn nhau trìu mến, dù nụ cười của cô bé không mấy tròn trịa vì đôi môi dị dạng.
"Tôi với những đứa trẻ ở đây không nói chung ngôn ngữ. Nhưng tôi tin các em hiểu được sự quan tâm, chăm sóc của tôi. Bởi, có những yêu thương không cần diễn đạt bằng lời nói, mà từ những trái tim. Thật tâm, tôi xem các em như là con đẻ của mình vậy!", ông Matt, tâm sự.
Là cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam năm 1970. Năm 2013, ông Matthew Keenan (68 tuổi, người được những đứa trẻ da cam gọi là ông Matt), được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi do nhiễm chất độc da cam.
"Từ ngày biết mình bị bệnh, tôi lên mạng tìm hiểu và thật sự sốc khi biết rằng ở Việt Nam, 45 năm sau khi chiến tranh, vẫn tiếp tục có những thế hệ bị nhiễm chất độc hóa học. Chứng kiến cuộc sống khốn khổ của những đứa trẻ da cam, khiến tôi thấy day dứt và xót xa. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ những mất mát, thiệt thòi mà các em đang phải chịu. Chính điều đó thôi thúc tôi trở lại đất nước này", ông Matt, chia sẻ.
Nghĩ là làm, một năm sau, Matt quay lại Việt Nam lần đầu kể từ sau chiến tranh và làm tình nguyện viên ở làng Hữu nghị (Hà Nội). Tại đây, Matt lần đầu tiên được tiếp xúc với những trẻ em da cam, những cựu chiến binh Việt bị nhiễm chất độc hóa học của quân đội Mỹ.
Anh Nguyễn Ngọc Phương (ở giữa), là thầy giáo, đồng thời là nạn nhân da cam chia sẻ: “Đều đặn mỗi ngày, Matt đến trung tâm giúp các em học tập, vui chơi... Ông ấy là người có tâm và yêu thương những đứa trẻ da cam nên mới kiên nhẫn làm được những điều như vậy”.
Lần thứ 2 trở lại Việt Nam đúng dịp 30/4, Matt được một người bạn là cựu binh Mỹ đang sống ở Đà Nẵng kết nối ông với Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Kể từ đó, đều đặn mỗi ngày, cứ sáng sớm, Matt lại tìm đến với các em bị chất độc da cam ở cơ sở 1, rồi chiều lại chạy xe khoảng 20km đến với trẻ ở cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).
Gắn bó với Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng suốt 3 năm nay, ông Matt cùng những cô giáo, nhân viên nơi đây đã chăm sóc và yêu thương những đứa trẻ bất hạnh như con ruột của mình.
Không chỉ chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam ở Trung tâm, Matt còn kêu gọi, vận động nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế như Úc, Nhật Bản, Mỹ, Canada... để hỗ trợ nạn nhân da cam tại Đà Nẵng.
"48 năm trước, tôi đến Việt Nam tham chiến và đếm từng ngày để được quay về Mỹ. Bây giờ, tôi quay trở lại đây với mong muốn ở lại, giúp đỡ và hàn gắn...", Matt bộc bạch.
Ông Tô Năm - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng, cho biết: "Ông Matt rất nhiệt huyết với những đứa trẻ bị chất độc da cam. Ngoài việc giúp đỡ chăm sóc các em, ông Matt còn kết nối những mạnh thường quân với Trung tâm. Ông ấy cũng bỏ tiền ra làm sân bóng rổ, đồ chơi cho trẻ và hiện cũng đang kêu gọi nguồn tài trợ để hỗ trợ mua xe bus đưa đón các em trong các hoạt động".