PGS. Văn Như Cương – người thầy luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục

2025-01-17 20:38:19

Thầy Văn Như Cương yêu nghề sư phạm từ nhỏ. Lúc ông mới ra trường, giáo dục nước ta đang gặp nhiều khó khăn, giáo viên thường xuyên bị nợ lương nên phải bỏ nghề, còn học sinh thì nghỉ học. Nhiều đêm ông trăn trở về nghề và thấy rằng, nguyên nhân bắt đầu từ cách quản lý trong giáo dục chứ không phải do điều kiện vật chất.

Thầy Văn Như Cương đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp "trồng người"

Vì vậy, thầy Cương mới nghĩ ra giải pháp mở trường tư thục, đó là trường Lương Thế Vinh bây giờ. Ngay từ lúc mới thành lập, trường đã nhận được sự tín nhiệm của đông đảo phụ huynh, học sinh. Cho đến nay, dù tuổi cao nhưng ông vẫn dìu dắt nó ngày càng phát triển. Chúng ta đều thấy được ở PGS. Văn Như Cương tấm lòng tận tụy với nghề. Trước những vấn đề giáo dục mà dư luận xã hội quan tâm, người thầy ấy luôn trăn trở, thẳng thắn góp ý để ngành khắc phục yếu kém và đổi mới toàn diện một cách hiệu quả.

Giáo dục cần quay lại giá trị cốt lõi: Học thật, dạy thật, học đi đôi với hành

PGS. Văn Như Cương đánh giá, giáo dục Việt Nam đang không theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội. Ông chỉ ra một lọat những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của nền giáo dục hiện nay. Nước ta đào tạo học không đi đôi với hành, giáo dục có đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Chúng ta sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Thực tế hiện nay cho thấy, có khoảng 160.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ thất nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần hành động triệt để hơn nữa để đổi mới toàn diện.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động trong ngành giáo dục, điều PGS. Văn Như Cương trăn trở không chỉ đào tạo tri thức cho các trò mà còn rèn luyện về cả nhân cách, đạo đức. Là người thầy từng gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, ông cho rằng, giáo dục của ta đang đi lệch khỏi quỹ đạo, chúng ta chỉ dạy chữ, kiến thức mà không chú trọng dạy làm người. Học sinh bây giờ học ngày học đêm nhưng thái độ sống lại không được uốn nắn. Cho nên tình trạng đánh nhau, hỗn láo với cha mẹ, thầy cô, cách xử lý tình huống thiếu hiểu biết... ngày càng gia tăng.

Thầy Cương dù tuổi cao nhưng vẫn lên lớp dạy trò

“Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ như công dân với giáo dục, ý thức tư duy, biện chứng, vật chất nhưng nhiều em không biết làm gì, kể cả việc nấu cơm, rửa bát, lau cửa kính. Vì tất cả đều đã có ôsin, gia sư”, PGS. Cương bày tỏ.

Theo ông, giáo dục bây giờ đang chạy theo thành tích, bằng cấp là sai lầm. Người đi học chỉ cần bằng, chứ không phải lấy kiến thức, biết nghề để làm việc. Vì vậy, mới có tiêu cực trong thi cử. Chúng ta cần quay lại giá trị cốt lõi đó là học thật, dạy thật.

Hiện nay, giáo dục – đào tạo ở nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện. Theo PGS. Văn Như Cương, để làm được điều đó cần hành động cụ thể, thiết thực và hợp lòng dân. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có người làm quản lý, điều hành giáo dục tâm huyết, có kiến thức sâu rộng.

Trăn trở về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Năm học vừa qua, giáo dục nước ta thực hiện đổi mới khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu làm cho học sinh bớt căng thẳng, giảm nhẹ kinh phí của nhà nước, phụ huynh, giảm tải việc học thêm, dạy thêm... Tuy nhiên, năm đầu tiên thử nghiệm việc gộp thi tốt nghiệp và tuyển sinh gặp phải nhiều vướng mắc khiến học sinh cùng các trường lao đao.

Kỳ thi "2 trong 1" khiến học sinh lao đao

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định đến khi kỳ thi “2 trong 1” kết thúc, PGS. Văn Như Cương vẫn luôn dõi theo nó. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó là do Bộ “ôm” lấy công việc, thay vì giao việc cho các cấp làm. Ngoài ra, PGS. Cương còn cho rằng, việc gộp thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học không có cùng mục tiêu đã tạo ra những khó khăn trong việc đánh giá học sinh.

PGS. Cương phân tích cụ thể khi nhận xét về kỳ thi “2 trong 1”: “Chúng ta thử so sánh hai thí sinh cùng đạt 6 điểm nhưng một người đạt 6 điểm đại trà và một người đạt 4 điểm nâng cao + 2 điểm đại trà có khác nhau? Tại sao thí sinh thi vào các trường như Bách khoa, Ngân hàng, Sư phạm lại chỉ thi một môn Toán giống nhau. Trong khi đó bản chất ngành học (ứng dụng Toán, giảng dạy Toán) hoàn toàn khác nhau. Thêm nữa, đề Toán của chúng ta 10 năm nay không thay đổi, vẫn là các dạng khảo sát hàm số, giải phương trình, bất phương trình, hình học không gian...”

PGS. Văn Như Cương thẳng thắn nêu quan điểm về kỳ thi THPT Quốc gia

PGS. Văn Như Cương băn khoăn về tính hiệu quả của kỳ thi THPT Quốc gia vì nó không đánh giá được năng lực người học. Trên cơ sở đó, ông đề xuất tổ chức thi tách biệt. Cụ thể, việc xét tốt nghiệp nên giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng. Còn thi tuyển sinh đại học nên giao quyền tự chủ cho các trường theo mô hình riêng. Bài thi có thể áp dụng theo hình thức đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là một bài tổng hợp duy nhất bao gồm tất cả các môn.

M.Châu

Nguồn bài viết : Thống Kê Loto

Top