Cửa hàng Burger King ở địa chỉ 539 Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) mới đây đã dán thông báo yêu cầu các tài xế Grab Food, Go Viet xếp ghế gọn gàng sau khi nhận đồ ăn (để mang đi ship), nếu không sẽ từ chối phục vụ.
Hành động này của Burger King ngay lập tức tạo nên một làn sóng phản ứng từ phía cộng đồng gọi xe công nghệ vốn rất đông đảo tại Việt Nam. Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên các hội nhóm xe ôm công nghệ, nhiều tài xế Grab và Go Viet đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng “vote 1 sao” để “dằn mặt” cửa hàng này.
Mẩu thông báo bị cho là kỳ thị giới tài xế công nghệ của một cửa hàng Burger King trên đường Nguyễn Tri Phương (Q10, TP.HCM). |
Theo họ, dù là gọi món để ship (giao đi) cho người khác, bản thân các tài xế Grab hay Go Viet cũng là một vị khách và giúp mang đến doanh thu cho cửa hàng. Do vậy, những lời lẽ mà cửa hàng Burger King tại Quận 10 (TP.HCM) đưa ra không khác gì một sự phân biệt đối xử dành cho các anh em tài xế.
Giới xe ôm công nghệ cũng không quên nhắc tới sự cố quảng cáo của Burger King cách đây không lâu. Trong bài đăng của mình, hãng này từng làm cộng đồng người Châu Á cảm thấy bất mãn khi sử dụng hình ảnh mô tả một người phương Tây đang cố gắng ăn một chiếc hamburger với đôi đũa màu đỏ.
Mẩu quảng cáo tưởng là hài hước này đã gây nên sự phẫn nộ lớn khi bị cho là mang tính "phân biệt chủng tộc". Theo nhiều người, hành động này như một sự chế nhạo cách ăn uống của người Châu Á. Burger King sau đó cũng đã buộc phải gỡ bỏ quảng cáo và đưa ra lời xin lỗi tới người dùng.
Mẩu quảng cáo thiếu tinh tế của Burger King từng gây ra một sự phẫn nộ lớn tại cộng đồng các nước Châu Á. |
Có thể thấy, cách phản ứng của giới tài xế Grab, Go Viet không quá xa lạ. Cách đây không lâu, vụ việc tại Aroma Beach Resort & Spa Mũi né (Bình Thuận) của một Youtuber có tên Nguyễn Anh Khoa (Khoa Pug) cũng đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng.
Khu resort Aroma sau đó đã bị cộng đồng fan của Khoa Pug “ném đá” tơi tả và bị đánh tụt điểm xếp hạng xuống còn 1 sao trên nhiều website đặt phòng trực tuyến như Booking, Agoda, Traveloka hay ngay trên chính công cụ tìm kiếm Google.
Trước phản ánh của cộng đồng và nguy cơ bị thiệt hại lớn tới hoạt động kinh doanh, phía Aroma sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi Khoa Pubg vì thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp của nhân viên resort.
Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy mạng xã hội đang trở thành một thứ quyền lực rất lớn và có khả năng tác động mạnh tới sự sống còn của các thương hiệu. Nếu không xử lý khéo léo sự cố nói trên, cửa hàng Burger King rất có thể sẽ trở thành một case study (ví dụ điển hình) tiếp theo về việc một thương hiệu bị hủy hoại bởi làm phật ý người dùng mạng xã hội.
Nguồn bài viết : Vegas Gaming Club