Đặc sản của vùng nước trong xanh
Sở dĩ, đảo có tên Bình Ba là vì nằm ở vị trí trọng yếu trong vịnh Cam Ranh, ngăn cản sóng gió từ ngoài khơi thổi vào đất liền. Người dân nơi đây tự hào là nơi đầu sóng ngọn gió, che chắn phong ba, bão táp cho vùng vịnh Cam Ranh, giang rộng vòng tay bảo vệ tàu thuyền về trú ngụ khi gặp bão ngoài khơi.
Hải sản đặc trưng của Bình Ba là tôm hùm
Bình Ba cuốn hút người ta bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, các bãi tắm còn nguyên sơ trong trẻo, những con đường đồi ngoằn ngoèo xanh ngát mây trời, người dân chân chất hiếu khách, dễ mến... Bên cạnh đó, hải sản nơi đây vô cùng tươi ngon và phong phú, khiến ai một lần đến đều không khỏi tấm tắc. Trong đó, loại đặc sản hàng đầu phải kể đến của xứ đảo này chính là tôm hùm.
Tôm hùm Bình Ba được bà con đánh bắt về nuôi theo truyền thống lồng, bè, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cá, cua, sò, ốc, hến, cầu gai, mực... Quy trình nuôi kéo dài từ 18 đến 20 tháng mới cho xuất thịt.
Du khách chắc hẳn sẽ bị hấp dẫn bởi độ thơm ngọt của tôm hùm nơi đây
Vì Bình Ba là vùng đảo có đặt tính nước trong xanh quanh năm nên con tôm hùm nơi đây có màu sắc khá đẹp. Chẳng những vậy, thịt tôm hùm Bình Ba cũng được các nhà hàng hải sản khó tính ưa dùng vì độ thơm ngọt. Thường thì tôm hùm sống được chế biến theo kiểu nguyên chất để khỏi mất vị và mùi thơm đặc trưng, như món tiết canh tôm hùm, hấp, nướng...
Tôm hùm Bình Ba ngọt vị trong câu ca dao: “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Duyên Khánh, cá trầu Vỏ Cạnh, sò huyết Thủy Triều/ Đời anh cay đắng đã nhiều/ Từ đây ngọt sớm ngon chiều cùng em!”.
Có thể chế biến tiết canh, món nướng, cháo... từ tôm hùm
Cũng nhờ tôm hùm mà người dân nơi đây có sinh kế ổn định, gắn bó với mảnh đất quê hương.
Thành tỷ phú nhờ tôm
Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy (thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây – một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.
“Tuổi thơ của tôi ắp đầy nỗi cơ cực đi biển chia sớt cùng cha, bởi có làm mới có ăn, còn không làm thì đói! Nhất là vào các tháng biển động, sóng to gió lớn thì phải tạm gác nghề này lại. Lúc đó, 10 miệng ăn trong nhà phải chạy vạy từng bữa. Để rồi sau đó, khi biển êm, cha con lại cùng nhau đi “cày” để trả nợ…”, anh Huy tâm sự.
Sau nhiều hành trình, anh Huy quay về Bình Ba kiếm kế sinh nhai từ biển
Thế nhưng, sau một thời gian dài làm nghề biển, cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng cùng gia đình. Nhiều lúc, anh Huy thấy nản lòng và nghĩ đến ước mơ thoát ly cuộc sống cơ cực của vùng biển mặn bằng cách đi học nghề nào đó có thể dễ kiếm tiền hơn. Năm 1997, anh rời bỏ đảo lên đất liền học sửa chữa điện tử. 5 năm theo đuổi nghề nhưng cũng không khiến cuộc sống của anh khấm khá hơn.
Đến năm 2003, anh trở lại đảo Bình Ba để kiếm kế sinh nhai từ biển. Thời điểm đó, cuộc sống ở đây vẫn còn khó khăn, nhà nước có chính sách ưu tiên cho người dân vùng biển vay vốn để phát triển kinh tế. Thế là anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng cùng với số vốn của gia đình tích cóp, đầu tư nuôi thử nghiệm 100 con tôm hùm. Không ngờ, vụ nuôi đầu tiên anh thắng lớn, lãi gần 100 triệu đồng.
Thấy nuôi tôm hùm có hiệu quả, anh Huy tiếp tục đầu tư hết số tiền lãi, mở rộng mô hình tăng dần theo từng năm và năm nào cũng có lãi. Anh Huy kể: “Những năm đầu trên vịnh Cam Ranh ít người nuôi nên môi trường nước sạch, tôm lớn rất nhanh. Những năm sau, thấy nuôi tôm hùm mang lại lợi nhuận cao nên nhà nhà ở Bình Ba đều làm.
Gia đình anh Huy trở nên khấm khá nhờ nuôi tôm hùm
Cũng từ đó môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm do nguồn thức ăn dư thừa của tôm gây ra và hậu quả ập xuống đầu người nuôi tôm vào năm 2007. Đó là trận đại dịch bệnh sữa trên tôm hùm bùng phát, cướp đi gần hết sản lượng thả nuôi khoảng 1.000 con với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng, khiến cuộc sống của tôi một lần nữa trở về con số không. Tôm mắc bệnh cứ lăn đùng ra chết, tôi bị “sốc” nặng về tinh thần. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm của gia đình từng năm nuôi tôm thả hết xuống biển, giờ trắng tay. Lúc đó rất nhiều người nuôi tôm trên đảo cùng cảnh ngộ, nợ nần chồng chất, thậm chí bỏ nhà ra đi” – anh Huy kể
Nghỉ nuôi một thời gian ngắn, anh nhận ra quy trình nuôi của mình quả có trục trặc. Thả nuôi với mật độ dày. Cho tôm thức ăn không tươi. Sắp xếp các lồng nuôi theo độ sâu thả lồng, khoảng cách các lồng chưa được bài bản... Hệ quả là dòng nước bị cản, không lưu thông được nên bệnh dễ phát sinh, không thể xử lý kịp.
Tự nhủ “thất bại là mẹ thành công”, 1 năm sau, trong lúc người nuôi tôm ngao ngán vì dịch bệnh anh Huy lại xoay sở vốn rồi thả nuôi 1.000 con tôm hùm bông và áp dụng quy trình bản thân tự đúc kết. Kết quả, sau 16 tháng thả nuôi, anh thu hoạch, đem bán với giá cao lãi hàng tỷ đồng. Từ đó cho đến nay, vụ tôm năm nào anh Huy cũng thắng lớn và trở thành người nuôi tôm hùm nhiều nhất ở Bình Ba với 100 lồng.
Tôm hùm hiện mang đến nguồn lợi lớn cho người dân Bình Ba, giúp họ gắn bó với mảnh đất quê hương
Anh chia sẻ về kế hoạch sắp tới: "Trong những vụ nuôi tiếp theo, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm nhiều hơn nữa. Làm giàu cho bản thân, cho gia đình, giúp người khác ổn định cuộc sống cũng là cách để gắn bó với hòn đảo quê hương".
Trên mảnh đất Bình Ba, có một điều khá độc đáo là người dân dù đi đâu cũng quay về với đảo. Nhiều cô gái đi lấy chồng xa nhưng được vài năm lại dẫn cả chồng con trở về quê sinh sống. Những tấm gương bám đảo như anh Huy sẽ là động lực để người dân nơi đây càng gắn bó với mảnh đất Bình Ba, vững vàng trước đầu sóng ngọn gió.
An Vinh
Nguồn bài viết : Bóng đá TBN