Trung thu là ngày Tết truyền thống có từ lâu đời, là thời điểm để gia đình đoàn tụ, sum vầy ấm áp bên nhau tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy của hạnh phúc. Những ngày này, trẻ em cần được quan tâm và dạy dỗ nhiều hơn, để thêm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.
Giúp con vui vầy thực sự nhờ Trung thu cổ truyền
Cứ đến gần Trung thu là Trần Bảo An (6 tuổi, Q. Ba Đình, Hà Nội) lại háo hức hỏi mẹ: “Năm nay con có được đi chơi đồ chơi ở bảo tàng nữa không mẹ?”. Bởi trong ký ức của An, năm nào bố mẹ cũng đưa bé đến Bảo tàng Dân tộc học để được chơi đùa, làm đèn ông sao và phá cỗ cùng chúng bạn.
Chị Thu Hà – mẹ bé Bảo An thì luôn yên tâm khi con dành tình yêu cho những nét văn hóa truyền thống đáng trân quý. Chị cho biết: “Trung thu bây giờ nhà nào biết nhà nấy. Ai cũng bận nên đêm phá cỗ xong xuôi là tất cả lại về chứ không có cảnh trẻ con rồng rắn chơi các trò chơi. Mình cảm giác Trung thu đến với con năm nào cũng theo mô-típ, chóng vánh và chẳng đọng lại chút dư âm nào. Vì thế, năm nay, 2 vợ chồng sẽ tiếp tục cho bé đi chơi ở bảo tàng để tham gia nhiều hoạt động truyền thống. Mình tin là con sẽ có hứng thú tìm hiểu về Trung thu cổ truyền và luôn mong chờ ngày này hàng năm”.
Các bé được hướng dẫn làm đèn ông sao ở Bảo tàng Dân tộc học
Trong khi đó, cứ mỗi mùa trăng tròn tháng 8 đến, anh Trịnh Việt (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại hoài niệm về chiếc đèn ông sao năm xưa mà người cha phải đạp xe lên huyện hàng chục cây số mới có. Năm nay, anh quyết định đưa 2 con đến Bảo tàng Hà Nội, cho các bé học làm đèn ông sao.
Chăm chú dõi theo con đang mải miết dán hồ làm đèn, tô vẽ mặt nạ, anh tâm sự: “Các bé nhà tôi thích học làm đèn ông sao lắm! Bởi con hay nghe tôi kể về chiếc đèn ông sao ngày xưa là những hạt bưởi bóc vỏ, phơi khô rồi lấy dây thép nhỏ xâu từng hạt lại, châm lửa cháy lép bép. Cho con đi học làm đèn, làm mặt nạ thế này, nhìn chúng cười tươi thích thú, bản thân bố mẹ cũng vui theo”.
Nhiều trẻ em thành phố được chơi Trung thu truyền thống với đèn hạt bưởi. (Ảnh: aFamily)
Anh Việt cho rằng, trẻ em ngày nay hầu hết đều có chút thiệt thòi bởi bố mẹ bận rộn, các bé chỉ được phá cỗ tại trường. Cảm nhận về mùa trăng cổ tích của các bé chỉ là được mẹ mua sẵn một chiếc đèn ông sao và bánh Trung thu để phá cỗ cùng các bạn, niềm vui lúc này đã không còn được trọn vẹn. Nhìn 2 con tươi rói khi được cùng bạn tìm hiểu tục lệ phá cỗ trông trăng, anh Việt như tìm lại được tuổi thơ ngày “chân lấm tay bùn” mà tràn ngập tình yêu thương.
Tình yêu thương chân thành nhen trong các hoạt động thiện nguyện
Đến hẹn lại lên, năm nay chị Hường Lý (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cùng nhóm bạn lại lo sắp xếp, gói quà để dành tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trung thu năm nào, các chị cũng vận động gia đình, nhà hảo tâm đóng góp bánh kẹo, lồng đèn ông sao để gửi tới những mảnh đời bất hạnh trong thành phố và các địa phương lân cận.
Những hoạt động từ thiện sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương chân thành. (Ảnh minh họa)
Năm ngoái, cả nhóm dành hàng tuần làm những chiếc lồng đèn ông sao truyền thống. Chị Hường Lý chia sẻ: “Chị em trong nhóm huy động chồng con cùng đến phụ giúp để có được nhiều chiếc lồng đèn đẹp nhất. Khi đó, việc làm từ thiện cho trẻ em nghèo là niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình. Các con, các cháu rất thích cùng làm lồng đèn với ba, mẹ và mọi người”.
Các chị còn để dành khoảng trống trên lồng đèn để cho trẻ tự trang trí hoa, viền và màu sắc của lồng đèn theo ý thích, các con sẽ cùng đi tặng quà Trung thu cho các bạn. Theo chị Thảo Trang, một thành viên trong nhóm của chị Hường Lý thì đây cũng là cách các chị giáo dục con biết yêu thương, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn và tự tạo niềm vui cho chính mình.
“Các cháu nhà tôi lúc nào cũng ríu rít nhắc mẹ chuẩn bị quà để đi từ thiện từ khi bắt đầu bước vào tháng 8 âm lịch, nhìn các cháu hào hứng, tôi lại thấy yên tâm hơn bởi giữa cuộc sống hối hả, gấp gáp, bọn trẻ đã biết sống lắng đọng bằng niềm vui lan tỏa cho nhiều người”, chị Thảo Trang chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại với bao lo toan bộn bề, áp lực cơm áo gạo tiền làm cho không ít phụ huynh không có đủ thời gian để ngồi bên con hay cả gia đình ăn bữa cơm, đi chơi Trung thu đúng nghĩa. Tuy vậy, nhiều người vẫn hoài niệm về hương vị Trung thu năm xưa đậm đà, trọn vẹn tình thân. Những món quà từ thiện tuy giản đơn nhưng đã gửi trao bao nghĩa tình ấm áp, cất lên bài ca tình người lan tỏa, hòa quyện với tiếng cười vô tư con trẻ.
Lan tỏa niềm vui Tết đoàn viên bằng xu thế "hand-made"
Có về với những khu vực ngoại thành mới thấy nhiều gia đình ở đây vẫn là “cái nôi” ru trẻ vào miền Trung thu cổ tích. Facebook của em Phạm Thái Hà (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) những ngày này tràn ngập hình ảnh bánh Trung thu hand-made vàng ruộm. Mọi người không khỏi ấn tượng trước bức ảnh cả nhà Hà quây quần nặn bánh.
“Gia đình em vẫn giữ thói quen làm bánh Trung thu hand-made, trẻ con và người lớn đều bắt tay vào làm. Tiếng cười rộn vang khi mọi người quây quần, mỗi người một công đoạn nhưng luôn gắn kết với nhau và làm ra sản phẩm ngon tuyệt”, Hà tự hào kể lại.
Cô bé cho biết: “Dù có bận rộn đến mấy gia đình em vẫn duy trì hoạt động phá cỗ Trung thu. Con cái lớn rồi nhưng bố em vẫn tự tay làm đèn ông sao cho các con chơi. Tối hôm Trung thu, cả nhà thường thắp hương từ sớm rồi cùng nhau phá cỗ. Mọi người mang đèn ông sao lên sân thượng giăng đèn nhấp nháy, trải chiếu chơi cá ngựa, vừa chơi vừa nhâm nhi bánh trái và đón trăng lên”
Bởi vậy mới nói hương vị Trung thu luôn ngọt ngào, ấm áp khi có sự đồng lòng, gắn kết của các thành viên gia đình.
Trẻ được tự tay nặn những chiếc bánh Trung thu cho bản thân và gia đình
Chị Tuyết Ngân, 28 tuổi (ở đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, Bình Định) thì lại có niềm vui giản đơn và kỷ niệm khó quên khi cùng chồng sáng tạo lồng đèn bằng lon bia: “Trong lần 2 vợ chồng dọn nhà, tôi nói muốn nhìn thấy chiếc lồng đèn bằng lon bia có cây đẩy ngày xưa. Chồng nghe xong hì hục cả buổi chiều làm hơn 10 chiếc lồng đèn, rồi vót thêm mấy cái cây dài đẩy đèn nữa. Con trai 5 tuổi vừa nhìn thấy đã reo lên sung sướng, trẻ em ở trong xóm cũng xúm lại xin lồng đèn”.
Lồng đèn bằng lon bia trong ký ức của nhiều người
Những mùa Trung thu sau, vợ chồng chị đảm nhận làm lồng đèn bằng vỏ lon bia, giấy, còn bọn trẻ trong xóm được ba mẹ mua bánh kẹo, bày biện ở sân chung, cả xóm cùng nhau rước đèn, phá cỗ đầy ắp tiếng cười. Nhìn lũ trẻ vô tư cười đùa, ai cũng nhớ về đêm trăng tròn tuổi thơ vô lo vô nghĩ của mình.
Có không ít ý kiến cho rằng Trung thu ngày xưa vui hơn nhiều vì thời ấy các dịch vụ vui chơi giải trí không quá "công nghiệp hóa – thương mại hóa" như bây giờ. Người lớn và trẻ con tự làm lồng đèn, tổ chức các hoạt động chung vui cùng nhau. Vất vả nhưng đáng nhớ và nhiều kỷ niệm! Song, trong cuộc sống hiện nay, nếu chịu khó và biết cách tập hợp, lôi cuốn các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng tham gia, chúng ta vẫn có thể tạo nên một mùa Tết ý nghĩa, đong đầy dư vị truyền thống và thắm đượm tình yêu thương bên người thân, làng xóm...
TRUNG THU NƯỚC VIỆT – TẾT ẤM TÌNH THÂN Bên cạnh tính chất lễ hội ăn mừng mùa vụ của người xưa, Tết Trung thu Việt Nam truyền thống còn là phong tục nhắc nhủ chúng ta coi trọng giá trị tốt đẹp của tình yêu thương, thân hữu, là dịp để cha mẹ, gia đình thể hiện tình cảm nâng niu, quan tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ. “Hương xưa nếp cũ” ở cách thưởng – cách chơi hồn nhiên mà tài hoa, tinh tế của cha ông. Sức cuốn hút từ làng nghề thủ công đương đại và những món đồ chơi Trung thu truyền thống đã thổi hồn vào đêm rằm lung linh. Biết bao suy tư, trăn trở về Trung thu xưa – nay. Cách dạy dỗ, gieo mầm nhân ái – hiếu học cho trẻ thơ. Các địa chỉ xem – ăn – chơi... lý thú nhân dịp Tết Trông trăng. Sự sẻ chia đáng quý được nhân rộng trong cộng đồng. Không khí tưng bừng chào đón một trong những ngày lễ lớn nhất năm đậm đà bản sắc, ngọt ngào thời khắc đoàn viên của người Việt… Qua đó, chuyên đề “Trung thu nước Việt – Tết ấm tình thân” của Thời Đại Online hy vọng sẽ đem lại cho độc giả một lát cắt toàn cảnh sắc nét và đong đầy niềm tự hào dân tộc xung quanh đêm hội trăng rằm từ quá khứ cho tới hiện tại! |
Nguyễn Thảo
Nguồn bài viết : Bắt sòng bài