Trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017.
Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 4,7% nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật làm căn cứ pháp lý để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ: Số lượng đơn thư vẫn gia tăng, có địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Quan tâm đến chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ: Một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức đặc biệt là cấp huyện, cấp xã chưa làm đúng trách nhiệm, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc. Thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên xảy ra khiếu kiện vượt cấp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo sâu thêm về tình trạng này.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình có lý ngay từ cơ sở thì người dân sẽ đồng tình chấp thuận. Ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý như hiện này, nhiều chính sách sẽ “động chạm” đến lợi ích của người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Quá trình chuyển đổi kinh tế, đô thị hóa dẫn tới thu hồi đất sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích và sinh kế của người dân. Cùng với đó là sự suy thoái của một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đây là nguyên nhân dẫn đến đến nhiều khiếu kiện của người dân. Từ thực tế này, đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị cần coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là khiếu nại về đất đai.
Thảo luận về dự án Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu băn khoăn về tình trạng dự án kiến trúc còn nặng về giá trị kiến trúc và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hóa, nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa bị xâm phạm. Các đại biểu cho rằng, các hiểm họa về môi trường sống hiện tỷ lệ thuận với đầu tư xây dựng kiến trúc và phát triển đô thị.
Nhiều ý kiến đề nghị dự án luật quan tâm đến giá trị văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc. Những điều khoản liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, môi trường, lịch sử, phát triển bền vững trong dự án Luật còn mang nặng yếu tố kêu gọi, khẩu hiệu, cần định lượng cụ thể với tiêu chí, tiêu chuẩn, chế tài thì mới khả thi.
Đề cập đến hành lang pháp lý cho việc cải tạo, sửa chữa phố cổ, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu thực trạng nhiều trường hợp người dân phố cổ tiến thoái lưỡng nan khi nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn song việc sửa chữa lại chưa được cho phép. Do đó, một trong những việc của luật là phải bảo tồn kiến trúc truyền thống, song phải tạo điều kiện để tôn tạo, tu sửa những công trình ở phố cổ đã xuống cấp.
Theo quy định của dự thảo Luật, đối với những công trình đã được xếp hạng di tích, di sản, thực hiện theo quy định của Luật Di sản. Đối với các công trình trong khu phố cổ chưa được công nhận là di sản theo quy chế quản lý kiến trúc thì việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vấn đề phố cổ, quy định của dự thảo Luật còn rất chung chung, dễ dẫn đến lạm quyền, dễ phát sinh cơ chế xin cho.
Tại phiên làm việc chiều 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 với 90,31% đại biểu tán thành. Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách Trung ương năm 2019 là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2025