Quốc hội nhất trí đầu tư 271 nghìn tỷ đồng cho giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới |
Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm |
Hoàn thành 100% chỉ tiêu về giảm nghèo
"Gần cả một đời mò mẫm đánh rọ tôm ven bờ hồ Núi Cốc, nhưng đến bây giờ (70 tuổi) gia đình tôi mới được xóa tên trong danh sách hộ nghèo nhờ nguồn vốn vay 26 triệu đồng/hộ để mua trâu sinh sản, với lãi suất 2%/năm" - ông Trần Ngọc Phái (xóm 7, xã Phúc Tân, T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ với báo Dân Việt.
Ông Trần Ngọc Phái, xóm 7, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu sinh sản. (Ảnh: Dân Việt) |
Thị xã Phổ Yên hiện có số dân hơn 193.000 người, sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các khu vực, mức sống trung bình của các hộ dân có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Xác định việc hỗ trợ vì mục tiêu giảm nghèo cho những khu vực và các hộ dân khó khăn là nhiệm vụ quan trọng, trong giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Phổ Yên đã đưa ra những giải pháp phù hợp với từng gia đình, thôn xóm, từ đó đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,4% xuống hiện còn 2,4%. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về giảm nghèo mà tỉnh Thái Nguyên giao.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, Trưởng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của địa phương cho biết, dựa trên tình hình và nhu cầu thực tiễn, địa phương đã tập trung vào một số nội dung cơ bản như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ nhà ở, cho vay vốn phát triển mô hình nông - lâm - nghề truyền thống… Đáng chú ý, công tác khuyến nông khuyến lâm được Phổ Yên triển khai rất hiệu quả thông qua những cách làm linh hoạt, những mô hình phù hợp với điều kiện địa phương.
“Chúng tôi không chỉ triển khai bằng kinh phí của chương trình giảm nghèo, mà còn xin thêm kinh phí của thị xã Phổ Yên để hỗ trợ tốt hơn cho bà con. Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, gà an toàn sinh học, gà trứng thương phẩm… Bà con nhận hỗ trợ về vốn, giống, thức ăn, kĩ thuật, nhưng cũng phải đối ứng một tỉ lệ nhỏ. Có như vậy họ mới tăng thêm tính trách nhiệm và có động lực để vươn lên” - bà Ngô Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên chia sẻ.
Năm 2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên đã triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 07 xã, hỗ trợ cho 60 hộ, với tổng kinh phí hơn 955 triệu, trong đó ngân sách nhà nước là trên 644 triệu, người dân đối ứng trên 310 triệu. Kết quả, có 49 hộ trên tổng số 60 hộ tham gia dự án đã thoát nghèo, đạt tỉ lệ 81,66%.
Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Bên cạnh công tác xoá đói giảm nghèo, những năm qua, T.X Phổ Yên cũng rất chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, góp phần giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền trên địa bàn.
Theo báo Thái Nguyên, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) trước đây là xã đặc biệt khó khăn với cơ sở hạ tầng hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng nhờ sự đầu tư của Nhà nước và sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân, từ năm 2015 đến nay, xã Vạn Phái đã làm được trên 20km đường giao thông; xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt; trên 130 gia đình được hỗ trợ cây, con giống và gần 200 hộ được hỗ trợ mua nông cụ sản xuất; các hộ nghèo và cận nghèo cũng được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã được nâng lên, đến nay, Vạn Phái đã ra khỏi danh sách xã 135.
Với phương châm tạo sinh kế để phát triển bền vững, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách chung của cả nước, T.X Phổ Yên đã và đang ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Ngoài xã Vạn Phái, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dành cho vùng DTTS ở các địa phương khác trên địa bàn T.X Phổ Yên cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, xóm đặc biệt khó khăn (Chương trình 135). của thị xã là trên 32 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã đầu tư, hỗ trợ cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn xây dựng gần 50 công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trạm y tế, trạm điện, duy tu, bảo dưỡng nhiều công trình bị xuống cấp...
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án khác dành cho vùng DTTS cũng được triển khai như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo ở vùng khó khăn, chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, cấp một số ấn phẩm, hỗ trợ muối iốt; chính sách bảo hiểm y tế đối với người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn, người dân vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn... Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS được vay vốn sản xuất với tổng số tiền trên 8 nghìn tỷ đồng.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, các địa phương vùng DTTS trên địa bàn T.X Phổ Yên đã từng bước thay đổi diện mạo, đời sống người dân được nâng lên. Tỷ lệ xóm, xã đặc biệt khó khăn giảm mạnh theo từng năm. Đến nay, sau rà soát, 100% xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã đã hoàn thành Chương trình 135. Thị xã cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đã giảm đáng kể, đến nay còn 1,64%...
UNDP hoan nghênh Việt Nam đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều trong đại dịch COVID-19 |
Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục duy trì nguyên tắc "ưu tiên phụ nữ hưởng lợi" |