Thông báo của Bộ Y tế Congo nêu rõ: tính đến ngày 3/5, có 21 trường hợp sốt "có dấu hiệu xuất huyết" và 17 trường hợp tử vong được ghi nhận tại tỉnh Equateur, Tây Bắc Congo. Bộ Y tế Congo cũng ban hành cảnh báo khẩn cấp do lo ngại dịch bệnh Ebola có thể tái bùng phát, ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận: 2 trong số 5 mẫu xét nghiệm bệnh phẩm tới từ Congo đã cho thấy sự hiện diện của virus Ebola ở các bệnh nhân.
"WHO đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Cộng hòa Congo để nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động của mình và huy động các đối tác y tế, sử dụng mô hình đã từng thành công đối với đợt bùng phát dịch tương tự vào năm 2017" - tuyên bố của tổ chức này cho hay.
Mặt khác, WHO cũng cho biết họ đã rút 1 triệu USD từ quỹ dự phòng khẩn cấp, thiết lập một nhóm điều phối và triển khai hơn 50 chuyên gia tới làm việc với chính phủ cũng như các cơ quan y tế Congo.
Về phần mình, Chính phủ Congo khẳng định kế hoạch hành động do Bộ Y tế nước này chuẩn bị đã được thông qua. Đồng thời, kể từ ngày 3/5, chưa có trường hợp tử vong nào do Ebola được ghi nhận - chính phủ Congo khẳng định.
Ảnh phóng to của virus Ebola. (Ảnh: AP)
Theo WHO, dịch bệnh bùng phát tại khu vực Bikoro, gần hồ Tumba ở tỉnh Equateur. Tất cả các ca nhiễm bệnh đều được ghi nhận bởi một phòng khám ở Ilkoko Iponge. Phòng khám này nằm cách Bikoro khoảng 30km và chỉ có khả năng điều trị tạm thời.
Hôm 8/5, một nhóm chuyên gia thuộc WHO, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và tỉnh Equateur đã đến khu vực ổ dịch để tăng cường phối hợp và triển khai công tác phòng chống dịch.
Ebola là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất thế giới, vừa dễ lây nhiệm lại cực kỳ dễ gây chết người. Virus gây bệnh có trong loài dơi ăn trái, thường lây truyền sang người khi họ tìm bắt dơi nhiễm bệnh.
Virus này lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc với các loại chất dịch trong cơ thể: máu, nước bọt, chất nhầy, mồ hôi và dịch nôn. Chính vì thế, trực tiếp tiếp xúc với người bị bệnh hoặc thi thể bệnh nhân là một trong những nguyên nhân gây nhiễm bệnh hàng đầu.
Sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài 2 - 21 ngày, bệnh phát triển với các triệu chứng sốt cao, suy nhược, đau khớp, căng nhức cơ bắp, nhức đầu và đau họng. Tiếp đó, người bệnh thường bị nôn mửa và tiêu chảy, phát ban ở da, suy gan - thận kèm theo xuất huyết cả trong lẫn ngoài.
Khám bệnh cho người nghi nghiễm Ebola ở Congo. (Ảnh: AP)
Đợt bùng phát mạnh nhất của dịch Ebola từ trước đến nay bắt đầu hồi tháng 12/2013 tại phía Nam Guinea. Sau đó, nó lây lan sang 2 nước láng giềng ở Tây Phi là Liberia và Sierra Leone.
Theo ước tính của WHO, đợt bùng phát dịch trên đã giết chết hơn 11.300 người trong tổng số gần 29.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Tuy nhiên, con số tử vong trên thực tế thậm chí còn được cho là cao hơn rất nhiều.
Hơn 99% nạn nhân là người dân thuộc 3 quốc gia Tây Phi nói trên, dù vẫn có nhiều ca bệnh ở những nơi khác trên thế giới.
Hiện chưa có bất cứ loại vaccine để ngăn ngừa hay điều trị Ebola nào được cấp phép, dù hàng loạt các loại thuốc thử nghiệm đang được phát triển. Để tăng cơ hội sống sót, nên chăm sóc người bệnh càng sớm càng tốt kèm theo bù nước cho cơ thể.
Do chưa có thuốc chống lại Ebola, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp truyền thống để kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch: sử dụng quần áo toàn thân dùng 1 lần, đeo mặt nạ, đeo kính bảo hộ và găng tay, xịt thuốc khử trùng...
Trọng Sang
Nguồn bài viết : Club V E-Gaming