Những bức tranh giàu sức biểu cảm về em bé Syria xấu số

2025-01-17 20:38:25

Đau buồn thay, bé Aylan Kurdi không phải là người duy nhất thiệt mạng. Anh trai của bé, Ghalib (5 tuổi) và mẹ Rehan cũng bị chết đuối khi cố gắng thoát khỏi quê hương Syria đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Cả 3 mẹ con tưởng như sắp đến được “miền đất hứa” châu Âu khi băng qua biển Địa Trung Hải, thế nhưng sóng nước vô tình đã cuốn đi tất cả…

Những hình ảnh, bức vẽ dưới đây không thể thay đổi sự thật đau buồn rằng Aylan đã ra đi mãi mãi. Tuy vậy, chúng chứng tỏ một điều: em sẽ luôn sống mãi trong lòng mọi người với hình ảnh một cậu bé xinh xắn, và lẽ ra không bao giờ phải sớm rời xa cõi đời trong tình cảnh éo le như thế.

Đó cũng chính là thông điệp mà đông đảo người dân trên thế giới muốn truyền tải: hãy mang đến hạnh phúc cho người tị nạn, để những cái chết thương tâm như Aylan bé bỏng và anh trai Ghalib của em sẽ không bao giờ xuất hiện thêm một lần nào nữa!

Thi thể bé Aylan Kurdi khi được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện

Các người thấy gì chưa? (Tác giả: Valeria Botte Coca)

Trong bức hình này, thi thể bé Aylan được đặt giữa một hội nghị có mặt nhiều quan chức. Câu hỏi đặt ra cho chính những vị lãnh đạo đang ngồi đây: các ông đã nhìn thấy gì, và từ đó đã làm được gì để chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ này?

Câu chuyện đáng ra phải kết thúc như thế này… (Tác giả: Steve Dennis)

Vẫn là thi thể của Aylan, nhưng tác giả muốn nhấn mạnh rằng: đáng ra em phải được sống trong hạnh phúc, được ngủ say trong chăn ấm đệm êm giống như những đứa trẻ đồng trang lứa, chứ không phải vĩnh viễn ra đi nơi đất khách quê người.

Chúng ta đang đánh mất nhân tính, và còn nhiều người phải bỏ mạng. (Tác giả: Azzam Daaboul)

Người đàn ông đứng đó, run run cầm một cuốn sổ, ghi thêm cái tên Aylan Kurdi vào danh sách người tị nạn thiệt mạng. Các sinh vật sống dưới đại dương đứng ngay đó, lặng im khóc thương cho cậu bé kém may mắn.

Chúng ta đang sống trong một địa ngục thực sự. (Tác giả: Khaled Yeslam)

Vẫn là hình ảnh Aylan, nhưng tác giả đã thêm cho em đôi cánh, bờ biển cũng được thay bằng một màu nền sáng tươi hơn. Trên tay em là một nụ hồng đỏ thắm. Aylan như biến thành thiên sứ và được giải thoát khỏi thế giới khổ đau như “địa ngục” này.

Chúa trời sẽ luôn ở bên em, thiên thần bé nhỏ! (Tác giả: Gunduz Aghayev)

Dưới nét vẽ của Gunduz Aghayev, bé Aylan được hồi sinh trong hình hài cậu bé đang vui đùa trên bãi cát. Còn thi thể kia, vốn chỉ là một đụn cát nhỏ trên bãi cát mà thôi.

Hãy cứ ngủ ngoan em nhé. (Tác giả: Mahnaz Yanazdi)

Tác phẩm thật đặc biệt khi không hề có hình ảnh bé Aylan. Tuy nhiên, thay vào đó, rất nhiều em bé mỉm cười nằm ngủ ngon lành trên bờ cát, khi những con sóng dạt dào giờ đây lại biến thành tấm chăn che chở cho các em ngủ say. Có lẽ tác giả muốn Aylan ra đi thật thanh thản, giống như việc ngủ một giấc thật dài.

Hy vọng tìm kiếm giải pháp thị thực cho người tị nạn. (Tác giả: Khalid Albiah)

Tác phẩm chỉ gồm vài hình vẽ đơn giản, với những gam màu nhẹ nhàng tươi sáng. Trên trời, một biểu tượng thiên thần đang bế linh hồn của bé Aylan trên tay, ở dưới đất, người cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ lặng nhìn thi thể em. Câu nói của vị thần khiến người xem phải suy nghĩ: “Ta muốn con người tìm một giải pháp cho vấn đề visa (thị thực)”. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến những người tị nạn Syria phải vượt biển Địa Trung Hải khi tìm kiếm nơi định cư mới.

Các nhà lãnh đạo đứng nhìn. (Tác giả: Umm Talha)

Thi thể Aylan nằm đó, ngay trước mắt đám đông những nhà lãnh đạo Hồi giáo. Chính họ đã gây ra chiến tranh, xung đột khiến thường dân phải đi tìm vùng đất khác để sinh sống.

Sinh linh bé nhỏ bên bờ biển. (Tác giả: Murat Sayin)

Ánh trăng thơ mộng, sóng biển dạt dào, nhưng lại có một em bé nằm bất động trên bãi cát. Đằng xa, một con thuyền bằng giấy – tượng trưng cho phương tiện vận chuyển những người tị nạn như Aylan và gia đình – đang lênh đênh trên biển. Thuyền giấy gặp nước ắt sẽ chìm, cũng như chính con tàu gặp nạn khiến bé Aylan phải chết.

Ngủ ngon, em bé của ta. (Tác giả: Zezo Cartoon)

Bên trái bức vẽ là màu đỏ của máu, tượng trưng cho quê hương Syria đang chìm trong xung đột. Phía bên kia, màu xanh ngập tràn như minh họa cho “miền đất hứa” châu Âu mà người tị nạn đang hướng tới. Nước biển được nhân cách hóa như một bàn tay, nâng niu Aylan đang “ngủ say” sang bến bờ hạnh phúc.

Từ vòng tay ấm áp ở Syria tới cái chết trên biển Thổ Nhĩ Kỳ. (Tác giả: Khaled Karajah)

Đặt em bé Aylan làm nhân vật chính, nhưng khung cảnh đằng sau lại chia cắt thành 2 phần hoàn toàn đối lập. Phần lớn hơn là phòng ngủ nơi quê nhà, có đầy đủ tiện nghi, nơi em có thể ngoan giấc say nồng. Ngược lại, phần tranh bên kia thể hiện thực tế buồn đau là Aylan đã mãi mãi không còn được thấy ánh mặt trời.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : Tin xổ số

Top