Mô hình, cách làm mới thúc đẩy tình hữu nghị Việt - Trung |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam |
- Đề nghị ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua?
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 9/1945, Việt - Hoa thân hữu hội được thành lập. Đây là một trong các tổ chức hữu nghị với nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam và là tổ chức tiền thân của Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (18/1/1950). Chưa đầy một tháng sau, ngày 11/2/1950, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cũng được thành lập tại thủ đô kháng chiến Việt Bắc, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hữu nghị hai nước.
Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc có các hoạt động chính là: cung cấp thông tin, giới thiệu tới nhân dân Việt Nam về lịch sử, văn hóa, đời sống và những thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa của nhân dân Trung Quốc; giới thiệu tới nhân dân Trung Quốc về lịch sử, văn hóa, đời sống và những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là cầu nối trong hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước; khuyến khích và giúp đỡ các cơ quan đoàn thể, các tổ chức văn hóa, khoa học, thể dục thể thao và các doanh nghiệp của hai nước đặt quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau. Hội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi các đoàn đại biểu nhân dân hai nước, tổ chức các cuộc gặp gỡ, chiếu phim, hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật giới thiệu về Trung Quốc; kỷ niệm những ngày lễ lớn của nhân dân Trung Quốc…
Cụ thể, Hội đã tổ chức nhiều đoàn sang Trung Quốc, thăm Khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); bệnh viện Nam Khê Sơn ở Quế Lâm; khu học xá Trung ương của Việt Nam tại Trung Quốc…
Ấn tượng nhất là hành trình "Du lịch đỏ - theo dấu chân Bác Hồ" tại Quảng Tây năm 2015 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến đi do Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dânTrung Quốc phối hợp tổ chức. Hành trình đã nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn người dân hai nước.
Một hoạt động ý nghĩa khác là Diễn đàn nhân dân Việt - Trung. Đây là cơ chế giao lưu hiệu quả giữa Hội hữu nghị hai nước. Đến nay, Diễn đàn đã tổ chức được 11 lần. Hàng năm, một số nhân sĩ Việt Nam hiểu biết sâu về Trung Quốc và những nhân sĩ Trung Quốc hiểu biết sâu về Việt Nam gặp nhau để trao đổi về những vấn đề mà nhân dân hai nước quan tâm, góp phần giúp Đảng và Chính phủ mỗi bên có những quyết sách đúng đắn trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước.
- Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của quan hệ nhân dân hai nước trong thời gian tới?
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình có ý nghĩa đặc biệt sẽ nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Tôi kỳ vọng chuyến thăm này sẽ có những kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Những kết quả đó có thể được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng.
Tôi được biết trong chuyến thăm này, các nhân sĩ hữu nghị sẽ gặp gỡ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Đây là sự động viên, cổ vũ, góp phần định hướng cho quan hệ đối ngoại nhân dân của hai nước và hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ghi sổ lưu niệm tại Nhà kỷ niệm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: NVCC) |
- Ông có thể chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới?
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó có nhiều hoạt động đa dạng như: tiếp tục triển khai Diễn đàn nhân dân Việt – Trung; xây dựng nhóm chuyên gia, học giả trong Hội làm công tác nghiên cứu, tham mưu về công tác đối ngoại nhân dân với đối tác Trung Quốc; thành lập câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc; tổ chức giao lưu nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước; tổ chức, tham gia các sự kiện quan trọng của hai nước…
Bên cạnh đó, Hội chú trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, truyền thông, khoa học công nghệ, du lịch, y tế, thể thao… Đặc biệt kết nối gặp gỡ, tăng cường hiểu biết giữa thế hệ trẻ, hợp tác nhân văn.
Hội sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp của hai nước tăng cường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Hội cũng duy trì các cơ chế hợp tác với các đối tác truyền thống; nghiên cứu thiết lập quan hệ đối tác với các cá nhân, tổ chức, viện nghiên cứu, trường học, học giả, doanh nhân, nhà báo, văn nghệ sĩ… các cấp của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam.
Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đóng vai trò cốt lõi trong công tác đối ngoại nhân dân với Trung Quốc. Hội cần mở rộng vai trò, phát huy năng lực của mình, nhất là năng lực kết nối lòng dân, kết nối giao thương giữa người dân hai nước... Kết nối trong kênh nhân dân rất đa dạng, sáng tạo và điều quan trọng nhất là cho người dân hai nước chung sống hòa bình và phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Kỳ vọng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ đạt tầm mức mới |
Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc |