Thống kê nước ngoài

Đến gần hơn với văn hóa của Nhật Bản thông qua triển lãm búp bê "NINGYŌ"

2024-12-20 19:29:05
Để trẻ em Việt Nhật 'hiểu' nhau qua Búp bê gỗ KOKESHI
Triển lãm "NINGYŌ: Nghệ thuật và vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản" tại TP. HCM

Với tiêu đề NINGYŌ, có nghĩa là “hình dáng con người” trong tiếng Nhật, nền văn hóa búp bê được nuôi dưỡng trong lịch sử lâu đời của Nhật Bản sẽ được giới thiệu thông qua tổng cộng 67 con búp bê được tuyển chọn kỹ lưỡng, được chia thành 4 loại: “Búp bê dùng để cầu nguyện cho trẻ em khôn lớn, “Búp bê với vai trò tác phẩm nghệ thuật”, “Búp bê với vai trò nghệ thuật dân gian,” và “Truyền bá văn hóa búp bê”.

1. Búp bê dùng để cầu nguyện cho trẻ em khôn lớn:

Nếu tìm hiểu sâu về lịch sử văn hóa búp bê ở Nhật Bản, sẽ thấy được những nghi thức nhằm xua đuổi đi những điều xui xẻo được truyền lại từ thời cổ đại. Ngay từ thế kỉ thứ VII, người ta đã thổi hồn vào những con búp bê đơn giản làm từ ván gỗ, trao cho chúng sứ mệnh bảo vệ họ khỏi những điều xui rủi trong năm tới, sau đó những con búp bê này sẽ được thả trôi trên sông.

Búp bê Gonin-bayashi (năm nhạc công) trong hình dạng trẻ em dễ thương để trang trí cho lễ hội Hina Matsuri. (Ảnh: Mai Hương)

Văn hóa búp bê ở Nhật Bản phát triển bắt nguồn từ nghi thức bảo vệ trẻ em chống lại những điều bất hạnh và cầu nguyện mang đến hạnh phúc cho các em. Theo thời gian, những con búp bê đơn giản được sử dụng trong các nghi lễ đó dần được trang trí công phu hơn, tạo nên một phong cách búp bê Nhật Bản điển hình được thấy ngày nay như búp bê Hina của lễ hội Búp bê Hina Matsuri – Lễ hội dành cho những bé gái (tổ chức vào ngày 3/3 hằng năm).

Búp bê Tachi-bina (cặp đôi đứng) và Dairi-bina (cặp đôi hoàng gia) được trung bày ở triển lãm. (Ảnh: Mai Hương)

2. Búp bê với vai trò tác phẩm nghệ thuật:

Tầng lớp thượng lưu và đặc biệt là triều đình Nhật Bản rất ưa chuộng những con búp bê được làm thủ công đặc biệt tinh xảo. Người ta thường mặc cho chúng những trang phục của các bé trai bụ bẫm, dùng làm quà tặng trong các lễ kỷ niệm ở triều đình. Những con búp bê này thể hiện sức khỏe hình mẫu và tràn đầy điềm lành trong trang phục và phụ kiện đi kèm.

Khi kỹ thuật sản xuất búp bê phát triển, búp bê bắt đầu được yêu thích như tác phẩm nghệ thuật để trưng bày từ khoảng thế kỷ XVII. Những con búp bê này thường được tạo hình bằng gỗ hoặc mùn cưa và sau đó được hoàn thiện bằng lớp sơn trắng dày làm từ bột vỏ sò, tạo cho chúng vẻ sáng trắng và sang trọng đáng chú ý.

Búp bê Isho: Fuji Musume (thiếu nữ hoa tử đằng). (Ảnh: Mai Hương)

3. Búp bê với vai trò nghệ thuật dân gian:

Những con búp bê dân gian chủ yếu được làm từ những vật liệu giá rẻ như đất sét, giấy và gỗ. Nghề làm búp bê còn được xem như một nghề đơn giản để có thể kiếm thêm thu nhập phụ sau thời gian làm đồng áng. Trong số đó, người ta thường làm những loại búp bê bằng gốm không tráng men từ đất sét thông thường nhất vì đã có khuôn từ những con búp bê đã có sẵn.

Búp bê Takasaki Daruma (trái) và búp bê Miharu Daruma (phải) được làm từ giấy washi. (Ảnh: Mai Hương)

Ngay cả khi không sử dụng những vật liệu đắt tiền, những con búp bê này vẫn tràn đầy màu sắc và có chung một chủ đề là “nụ cười nhân ái”.

Nguồn gốc búp bê từ các vùng miền ở Nhật Bản. (Ảnh: Mai Hương)

4. Truyền bá văn hóa búp bê:

Văn hóa búp bê cũng đã mở rộng sang thế giới của các nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Các kỹ năng và kỹ thuật sản xuất búp bê được trau chuốt để đưa vào sử dụng hiệu quả trong thế giới nghệ thuật biểu diễn truyền thống và cả đồ chơi. Biểu cảm táo bạo của chúng được thiết kế dành cho sân khấu, và giá trị thực sự của những con búp bê này có thể được nhìn thấy qua những chuyển động tinh tế và nhạy cảm của chúng.

Những con búp bê được làm theo rất tinh xảo và tỉ mỉ. (Ảnh: Mai Hương)

Việc đánh giá lại búp bê trong vai trò nghệ thuật đã thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều nhà sáng tạo búp bê tài năng làm ra tác phẩm nghệ thuật, và văn hóa búp bê của Nhật Bản ngày càng thúc đẩy sự phát triển các nhân vật búp bê đồ chơi tỷ lệ được các nhà sưu tập ưa chuộng trên khắp thế giới ngày nay.

Những con búp bê nhân vật của nhà sưu tập. (Ảnh: Mai Hương)

Việc búp bê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta không chỉ giới hạn ở Nhật Bản, nhưng sự đa dạng và khéo léo tinh tế trong việc chế tác cùng với tình yêu vô hạn đối với búp bê có thể nói là nét đặc trưng của văn hóa búp bê Nhật Bản.

Tại triển lãm, bà Sugisaki Ai – trợ lý Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam có nhắc đến: “ Nhật Bản có rất là nhiều loại búp bê, tuy nhiên những con búp bê này có sự gắn kết rất là gần gũi đối với đời sống Nhật Bản. Búp bê có thể mang ý nghĩa cầu chúc cho sức khỏe của trẻ con, giúp cho các em hay ăn chóng lớn hay đôi khi có thể sử dụng làm đồ chơi, đôi khi có những con búp bê có giá trị rất là cao được dùng để triển lãm.”

Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản Doi Katsuma và trợ lý Giám đốc Sugisaki Ai. Ảnh: Mai Hương

Bà Ai cũng chia sẻ thêm: “Ở mỗi địa phương lại có các phong tục tập quán khác nhau cho nên là các mẫu búp bê rất đa dạng. Đặc biệt trong khu vực triển lãm “Truyền bá văn hóa búp bê” chúng tôi có trưng bày những mẫu búp bê hiện đại để làm sao tiếp cận được với những bạn trẻ. Thông qua triển lãm này muốn người xem sẽ hiểu được sự đa dạng của các mẫu búp bê trong đời sống như thế nào.”

Triển lãm lưu động “NINGYŌ: Nghệ thuật và Vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản” từ ngày 10 - 26/6/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Nữ nghệ sỹ Nhật Bản biến bìa carton thành tác phẩm tuyệt đẹp
Hà Nội quảng bá vẻ đẹp ẩm thực và du lịch làng nghề tới bạn bè quốc tế
Top