Thống kê tập trung

2025-01-15 19:24:10

Thứ tư, ngày 27/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 27 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội), có 449 đại biểu tán thành (bằng 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,20% tổng số đại biểu Quốc hội), có 443 đại biểu tán thành (bằng 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,04% tổng số đại biểu Quốc hội), có 8 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,67% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), có 430 đại biểu tán thành (bằng 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội), có 13 đại biểu không tán thành (bằng 2,71% tổng số đại biểu Quốc hội), có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,30% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu.

Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật, nghị quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về việc làm; những hành vi bị nghiêm cấm; tín dụng chính sách giải quyết việc làm; đối tượng, điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi; phát triển kỹ năng nghề; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề và Đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia; đăng ký và quản lý lao động; bảo hiểm thất nghiệp (đóng bảo hiểm thất nghiệp; trình tự, thủ tục, điều kiện, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp); điều kiện hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Trung tâm dịch vụ việc làm; hệ thống thông tin thị trường lao động. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

Từ 14-16 giờ 30: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tế.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội), có 446 đại biểu tán thành (bằng 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), có 6 đại biểu không tán thành (bằng 1,25% tổng số đại biểu Quốc hội), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,20% tổng số đại biểu Quốc hội), có 453 đại biểu tán thành (bằng 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu Quốc hội với thành viên ban soạn thảo Luật Phòng không nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận có 15 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận.

Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới và cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thẩm quyền quy định về đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế; căn cứ tính thuế; thời điểm xác định thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế suất; hoàn thuế, khấu trừ thuế; giá tính thuế; giảm thuế; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện. Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các nội dung:

(i) Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

(ii) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Từ 16 giờ 30: Quốc hội họp riêng, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 5: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các nội dung: (i) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Nội dung 6: Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026; sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Thứ năm, ngày 28/11/2024, buổi sáng: Từ 8-8 giờ 30: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Từ 8 giờ 30-11 giờ: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Từ 11 giờ: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Buổi chiều: Từ 14-16 giờ 15: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Từ 16 giờ 15-17 giờ 15: Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Từ 17 giờ 15: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)
Top