Vì sao nhiều đô thị miền Trung chưa mưa đã ngập?

2025-01-17 20:39:38

Các đợt mưa vừa qua tại miền Trung không lớn. Thế nhưng hầu hết các đô thị ven biển miền Trung đều ngập sâu, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Thiệt hại dân sinh là vô cùng lớn khi đồ đạc, tiện nghi sinh hoạt ngâm nước dài ngày.

Nguyên nhân được chỉ ra là hàng loạt khu đô thị, khu dân cư mọc lên dày đặc, chặn dòng thoát lũ. Trong khi đó, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập. Nhiều khu dân cư quy hoạch không đồng bộ, không có cốt nền đô thị chung, chỗ thấp chỗ cao.

Bên cạnh đó, các khu dân cư tự phát ở vùng ven đô cũng bít hết đường thoát nước. Làm gì để xử lý bài toán ngập lụt ở các khu đô thị tại miền Trung là nỗi lo lâu nay của chính quyền và người dân.

Trận mưa lớn hồi đầu tháng 9 năm nay khiến người dân tổ dân phố Diêm Hải, phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phải lội nước mấy ngày trời để đi xét nghiệm SARS- CoV2. Năm nay, khu vực này không bị lũ gây ngập sâu như trận đại hồng thủy năm ngoái nhưng cứ mưa lớn là người dân sống gần khu đô thị Phú Hải lại lo chạy lụt. Nguyên nhân là khi làm khu đô thị Phú Hải, việc lấp đất san nền lên cao khiến cụm dân cư còn lại nằm lọt thỏm giữa 4 bề.

{keywords}
Đợt mưa lớn hồi cuối tháng 10 năm nay, hàng nghìn ngôi nhà ở TP. Tam Kỳ ngập sâu trong nước.

Một người dân ở phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới ngao ngán: “Trước đây, cốt nền dưới kia, bây giờ cố nền ngang nửa nhà tôi thì hỏi sao mà không khó khăn được. Đường mưa xuống ngập lụt lội. Cống ao lấp hết chắc chắn phải ngập lụt chứ sao khỏi được. Họ chỉ lo việc san nền bán đất đai thôi”.

Năm nay, các Khu đô thị mới An Vân Dương, An Cựu City, TP. Huế không ngập sâu dưới 3 mét nước như năm ngoái nhưng những trận mưa lớn hồi giữa tháng 11 vừa qua cũng khiến cư dân các khu đô thị này tất tả chạy lũ. Đây là những khu đô thị mới và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn lẫn giới kinh doanh bất động sản. Với địa thế, tiềm năng khi được chọn là nơi xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh, thành phố với những thiết chế, hạ tầng, tiện ích... nên từng mét đất ở Khu đô thị mới An Vân Dương được ví là “đất vàng”.

{keywords}
Hầu hết các xã, phường vùng Đông thành phố Tam Kỳ đều bị ngập sâu vào mùa mưa

Ông Hồ Thuận Hóa, người dân ở Đô thị An Vân Dương, thành phố Huế cho biết, những năm gần đây, tình trạng ngập lụt và nước lũ cô lập khu đô thị mới trở thành nỗi lo mùa mưa bão của người dân: “Ở khu đô thị mới An Vân Dương là một khu đô thị lớn và kiểu mẫu của Huế thì diễn ra hiện tượng nước ngập và ngâm lâu ngày. Nguyên nhân là do khu vực này ngày xưa là vùng đồng ruộng được quy hoạch thành một khu đô thị mới, bởi lẽ đây là vùng ruộng đồng và sát bên mép sông Như Ý, nhưng bây giờ, khu vực ruộng đồng đã được đổ đất và quy hoạch làm đô thị mới do đó sự thoát nước trong mùa lũ rất khó khăn và người dân phải sống chung với lũ rất dài ngày”.

Cũng như cư dân ở cố đô Huế, giữa tháng 10 vừa qua, những hộ dân tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam sống ở các phường Phước Hòa, Tân Thạnh… đều bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập gần 2 mét. Dù không nằm trong vùng “rốn lũ” như các địa phương ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn nhưng liên tiếp 3 năm trở lại đây, người dân thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ luôn “sống chung với lũ”.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết, năm 2015, thành phố mới hoàn thiện được quy hoạch tổng thể, trước đó, việc quản lý quy hoạch có nhiều bất cập. Dự án triển khai sau thường có cốt nền cao hơn dự án trước, tạo ra nhiều điểm nghẽn về thoát nước. Hiện nay, trên sông Bàn Thạch chảy qua địa phận Tam Kỳ có 5 cây cầu và tuyến đường bắc qua, nhiều vị trí đắp cao từ 2m đến 5m, vô tình tạo thành tuyến đê cản dòng thoát nước.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP. Tam kỳ thừa nhận một số công trình hạ tầng xây dựng những năm gần đây chưa tính toán kỹ lưỡng về khẩu độ và lưu vực thoát lũ.

“Trước đây khi chưa có các cây cầu này thì thoát lũ theo lưu vực, tức là nước chảy tràn tự do từ khu vực này đến khu vực khác. Khi xây dựng các cây cầu này thì dẫn đến việc cản trở dòng chảy, buộc nước lũ phải chảy vào các dòng sông. Quan điểm sắp đến của thành phố Tam Kỳ là sẽ tiếp tục đầu tư nhiều cây cầu để kết nối với vùng Đông, tuy nhiên chúng ta phải hướng đến những cây cầu dành cho thoát nước và những tuyến đường chấp nhận ngập lụt để có không gian thoát nước chứ đừng xây cao để nó như một tuyến đê”, ông Ảnh nói.

{keywords}
Nhiều tuyến đường và đường dẫn của các cây cầu đắp cao từ 2m đến 5m, tạo thành tuyến đê cản dòng nước chảy

Từ ngày Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi hình thành, các khu dân cư xung quanh năm nào cũng bị ngập nước cục bộ. Trước đây, chưa bao giờ 300 hộ dân sống ở khu vực hẻm 320, hẻm 420 đường Lê Lợi, thành phố Quảng Ngãi bị ngập, bởi chỉ trong thời gian ngắn nước mưa sẽ được rút ra cánh đồng. Nay cánh đồng này nhường chỗ cho khu đô thị Ngọc Bảo Viên. Mặt bằng của dự án đô thị này cao hơn khu dân cư nơi bà con đang sống nên thường bị ngập nước cục bộ mỗi khi có mưa.

Ông Huỳnh Văn Minh ở Tổ 8, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi than thở: “Lượng nước nó thoát từ trên kia nó thoát xuống chứ không phải lượng nước nội trong khu vực này đâu. Lượng nước trên Bệnh viện chảy xuống vô cùng lớn, nhưng Ngọc Bảo Viên xây cao quá, thoát nước nhỏ nên thoát nước không hết”.

Còn tại TP. Quy Nhơn, đợt mưa lớn vừa qua cũng khiến nhiều khu đô thị ngập sâu trong nước. Đỉnh điểm là ngày 14/11, trời mưa lớn, nhiều khu vực ở phường Ghềnh Ráng có nơi ngập hơn 1m. Khác với các đô thị ở miền Trung, việc ngập lụt ở phường Gềnh Ráng do một doanh nghiệp trên địa bàn là Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh thay thế tuyến mương trước khách sạn Resot Hoàng Gia làm sập một đoạn ống cống dài 20m làm tắc nghẽn dòng chảy ra biển dẫn tới tình trạng phường Ghềnh Ráng bị ngập sâu.

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết: “Đoạn trong Resort Hoàng Gia trước đây chỉ có thành mương hai bên, tránh mùi hôi thì người ta đổ bê tông lên bên trên. Kết cấu của họ làm nó cũng không kiên cố, quá trình sử dụng bị gãy bên giữa. Do nó sập cục bộ và bên trong dự án của họ đề nghị thay 5 cái cống. Các ngành không đồng ý thì UBND thành phố Quy Nhơn có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh dừng ngay, nhưng công ty đã làm và không dừng kịp”.

Có thể thấy, các đô thị ven biển miền Trung từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho đến Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; Quy Nhơn, tỉnh Bình Định… bây giờ cứ mưa là ngập. Đỉnh điểm của ngập lụt đô thị năm nay phải kể đến là vùng ngoại thành Nha Trang.

Trận mưa cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua gây lụt là điều bất ngờ đối với người dân phía Tây TP. phố Nha Trang. Khu vực bị ngập sâu ở thành phố Nha Trang nằm ven sông Cái, rất gần với cửa sông đổ ra vịnh Nha Trang. Khu này trước đây là vùng trũng, người dân làm ruộng, canh tác rau màu. Khi nước dâng, tạo thành các dòng chảy tự nhiên đổ ra biển thông qua 2 cửa sông Cái và sông Tắc- sông Quán Trường.

{keywords}
 

Mấy năm gần đây, quá trình đô thị hóa, nhiều người đổ đất, mở đường, phân lô bán nền, hàng trăm căn nhà mọc lên trên những khu đất có đường giao thông tự làm chỉ 3m - 4m nhưng không có hệ thống thoát nước. Tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng và khó xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Quyền Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang cho biết, toàn xã có khoảng 400 nhà dân bị ngập lụt vì mực nước dâng nhanh, hệ thống thoát nước quá chậm, thậm chí không có: “Có nhiều yếu tố cộng hưởng lại gây ngập lụt cục bộ trong thời gian vừa qua. Ngăn dòng, san lấp đất, sai lệch dòng so với trước đây cũng như việc thoát so với tự nhiên. Đối với tất cả kịch bản trong công tác phòng chống rất chi tiết nhưng nó vỡ trận. Khó khăn nhất là đối với các nhà trọ tương đối là đông, bà con kêu cứu, nước cao đến 1,6-1,7m. Tối cúp điện đi không được. Nếu ghe đi thì sập nhà, sập cửa người ta, phải lội bộ thôi để cứu các hộ dân”

{keywords}
Ngoại ô Nha Trang nhìn từ trên cao trong đợt mưa lớn vừa qua

Mấy năm gần đây tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cộng với quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ dẫn tới tình trạng ngập lụt đô thị ngày thêm trầm trọng. Nhiều công trình đầu mối như Trạm bơm, hồ điều hòa, hệ thống đê, kè dọc sông cũng như trục tiêu thoát nước chính của đô thị chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh làm tình trạng ngập lụt thêm tồi tệ.

Đáng lo hơn là cao độ san nền các dự án cao hơn cao độ hiện trạng trung bình từ nửa mét đến 1 mét cũng góp phần gây ngập úng diện rộng.

Làm gì để hạn chế tình trạng ngập lụt đô thị mỗi khi có mưa là bài toán khó với chính quyền các địa phương!

Theo VOV

Tái diễn mưa lũ lịch sử, nhiều người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu

Tái diễn mưa lũ lịch sử, nhiều người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu

Những ngày qua, người dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên lâm cảnh "màn trời chiếu đất" khi hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử khiến nhiều người thiệt mạng, gây ngập lụt, sạt lở khủng khiếp.

Nguồn bài viết : XSMN hôm qua

Top