Thời sự - Chính trị

2025-01-15 19:41:27

Ngày 1/11, Quốc hội nghe trình bày về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Cụ thể, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đề xuất tăng thuế lĩnh vực văn hóa: Liệu có kìm hãm sự phát triển của ngành?

Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng các hoạt động văn hóa, nhiều đại biểu Quốc hội và những người thực hành văn hóa bày tỏ sự lo ngại rằng việc này sẽ đặt thêm rào cản cho công nghiệp văn hóa.

Trước đó, Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại Kỳ họp 8. Dự thảo Luật đã bổ sung 5 nhóm nội dung mới chưa được quy định trong Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành.

Thứ nhất bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm các tình huống như cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy; cứu nạn, cứu hộ trong tình huống tai nạn, sự cố, bao gồm có người đuối nước; sập, đổ nhà, công trình, cây cối; do phương tiện, thiết bị gây ra; sạt lở đất, đá; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các tai nạn, sự cố khác khi có yêu cầu; tìm kiếm nạn nhân.

Thứ 2, bổ sung quy định áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gồm hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm nạn nhân thì việc cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự.

Thứ 3, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng xác định cụ thể các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Thứ 4, bổ sung quy định kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; hộ gia đình; phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; công trình đang thi công xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.

Thứ 5, bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành.

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay khi Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành đang giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải được bổ sung bằng các quy định mới để tạo cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm tính khả thi.

Tiếp đến tại phiên chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

(Vietnam+)
Top