Quê hương Thái Bình chỉ một!

2025-01-17 20:38:19

“Mơ màng trong tiếng ve
Giữa trưa hè đổ nắng
Nhớ về thời xa vắng
Áo trắng bay
Sân trường.
Rồi mỗi đứa một phương
Nhớ mực màu tím nhớ
Dấu yêu nhòa trang vở
Cho ta
Nhớ mình.
Bàn học là thư tình
Lưu bút mình trên đó
Cánh phượng hình tim nhỏ
Héo khô trên giấy này.
Xa bạn bè từ đây
Xa thầy
Xa trường lớp
Tiếng ve hè xanh mượt
Theo ta
Ru tình”

Người Thái Bình dù đi đâu, ở đâu nếu có dịp nghe bài hát “Nắng ấm quê hương” hẳn không thể quên giai điệu với lời ca “Thái Bình ơi, sao mà yêu đến thế”!

Trước đây, mỗi khi có dịp về quê, thường rất vội vàng, tôi chỉ đủ thời gian đi viếng mộ, hoặc thăm bà con họ hàng và các Thày Cô giáo. Đã rất lâu rồi, trong những giấc mơ hư hư, thực thực, tôi luôn khao khát có dịp nghỉ dài ngày được về với quê hương thị xã Thái Bình nhỏ nhắn, xinh xắn bên dòng sông Trà Lý thơ mộng để cùng với bạn bè ôn lại các kỷ niệm xưa thì lần này đã được toại nguyện. Số là trước khi ra Hà Nội tham dự cuộc họp của Hội đồng khoa học, bà xã phán rằng ra đi chỉ được phép trong 3 ngày, nếu mà về quê thì cứ ở ngoài đó không cần vào Nam nữa!

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thế là kế hoạch “vượt ngục” về với quê hương được hình thành trong sự đồng tình, động viên, chia sẻ của nhiều bạn hữu, người thân, đồng nghiệp. Những gì mình làm, không làm mình chết thì sẽ làm mình mạnh hơn (if the strong action that you take doesn't kill you will make you stronger). Có thể nói, tôi rất tâm đắc với câu nói của Nelson Mandela: “We must use time wisely and forever realise that the time is always ripe to do right” (Chúng ta phải thông thái sử dụng thời gian và mãi nhớ rằng thời điểm nào cũng là chín muồi khi làm việc phải).

Biết tôi từ trong Nam ra, anh bạn thân từ thuở phổ thông, 1 đại tá quân đội đã tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, từng đi du học và nghiên cứu sinh gần chục năm ở Liên Xô cũ, cùng chung những niềm đam mê pha chút lãng mạng quyết định cùng nhau về thăm quê hương. Ngày xưa, để đi từ Hà Nội về Thái Bình dù chỉ khoảng 100 km cũng phải mất trọn 1 ngày bởi vì gần nửa ngày xếp hàng mua vé và nửa ngày chen chúc trên chiếc xe ca cũ kỹ chật chội và mất 2 tiếng để chờ phà qua sông Tân Đệ.

Lần này, nhẽ ra cũng đi xe riêng của anh bạn nhưng cả 2 muốn hưởng cảm giác của xe ca ngày xưa nên quyết định đi xe khách. Tuy nhiên, bây giờ toàn xe khách chất lượng cao, đường khá êm, máy điều hòa mát rượi, nhạc du dương cảm giác ngày xưa không còn trọn vẹn lắm. Đó cũng là 1 sự thiệt thòi.

Để bù lại sự thiệt thòi, được sống lại cảm giác ngày xưa, hai đứa đã hứng lên đèo nhau bằng xe máy đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm của thị xã Thái Bình (Nay gọi là thành phố). Lớp trẻ ngày nay thích thú tự hào về thành phố Thái Bình nhưng chúng tôi vẫn thích gọi nó là thị xã, bởi vì từ thị xã gợi lên một cách sâu sắc và sống động nhất những kỷ niệm của thời thơ ấu đã qua. Thị xã Thái Bình đã từng nổi tiếng với cái Cầu Bo mà bạn bè tỉnh khác thường hay trêu trọc qua các vần thơ:

“Thái Bình có cái Cầu Bo
Có nhà máy cháo, có lò đúc môi
Thái Bình có chuyện nực cười
Có cô chủ nhiệm xẻo b. phó Ty
Phó ty ngồi khóc tỉ ti
Dái ơi dái ở dái đi đằng nào….”

Đê sông Trà Lý

Ngày nay, tuy Cầu Bo đã bị máy bay giặc Mỹ phá hỏng nhưng Thái Bình không phải là 1 mà là 3 chiếc cầu đúc bê tông hoành tráng bắc ngang qua đoạn sông Trà Lý chảy qua thị xã. Anh bạn tôi cũng là tay lái lụa nên cả 2 đều được hưởng cảm giác vi vu có đôi chút mạo hiểm khi chiếc xe máy nhảy chồm chồm chạy suốt 2 bên bờ đê và vòng đi, vòng lại 6 lượt đủ qua 3 chiếc cầu. Chỉ có sinh ra và lớn lên trong thời gian khó, có dịp được đứng bên dòng sông quê hương, thả hồn theo dòng nước chảy, mới thấy được ý nghĩa và cảm giác ngẩn ngơ nhớ về kỷ niệm tuổi thơ.

Cả 2 chúng tôi đều đã được đi nhiều nước trên thế giới nhưng khi về quê đều có chung tâm trạng hoài cổ. Chúng tôi bần thần đứng trước ngôi Nhà thờ Chính tòa Thái Bình mới xây, rất đẹp, sặc sỡ nhưng đầu óc lại tưởng tượng ngôi Nhà thờ cổ kính, rêu phong xưa kia nếu còn giữ được cũng trên nền đất đó, thì nay đã trên trăm tuổi. Tiếc rằng, họ đã phá đi để xây Nhà thờ mới cho phù hợp hơn với giới trẻ. Chúng tôi đi qua những địa danh xưa kia, nổi tiếng với các ngôi chùa cổ đẹp như Chùa Chung, Chùa Tiền, Đền Mẫu, Đền Hai Bà Trưng. Những di tích ấy, phần do chiến tranh tàn phá, phần do sự vô tình của con người nên đã hầu như biến mất hoặc thay bằng những kiến trúc mới.

Đến thăm nhà thờ Xa Cát cách thị xã khoảng 5 km, tuy đã sửa, nâng cấp nhưng vẫn còn giữ được vẻ phong trần của kiến trúc thời xưa. Ngắm nhìn các bức tượng lại nhớ đến tâm sự của người bạn về hình tượng trong nghệ thuật tạo hình có rất nhiều trong cuộc sống, điển hình là tượng thần Vệ nữ Willendorf. Hình dạng của bức tượng là người phụ nữ to béo, với bộ ngực và hông lớn, có thể đó là một sự phổ biến chung trong cách làm đẹp của người xưa. Phải chăng đây chính là bức tượng của đấng linh thiêng Mẹ Trái đất quyền năng mà khuôn mặt không được phép nhìn thấy.

Qua hình ảnh người phụ nữ to béo, thể hiện sự trù phú, no đủ và cũng có thể đó còn là quan điểm về cái đẹp giới tính đã được hình thành từ những chi tiết đường cong ở đùi, ngực, hông được phóng đại và tạc khá kỹ lưỡng. Không chỉ có tượng Willendorf mà thời kỳ này người ta còn tìm thấy tượng thần vệ nữ Gargarino, cũng theo mô-típ trên. Đến thời kỳ Phục Hưng, hình tượng người phụ nữ lại khác hẳn, không còn vẻ tròn trịa, mập mạp như tượng thần vệ nữ Willendorf nữa mà thay vào đó là dáng người thon thả, các tỷ lệ cân đối, mang biểu tượng của thần thánh, khuôn mặt được toát lên vẻ đẹp thánh thiện đến từng chi tiết.

Tượng Milo là một điển hình trong giai đoạn này. Hình tượng đóng vai trò miêu tả cái đẹp, điển hình là trong bức tranh “ Mùa xuân’’ của hoạ sĩ người Ý –Danh hoạ Botticelli. Toàn bộ bức tranh là một khung cảnh rất nên thơ, và trung tâm là Nàng Xuân bước ra từ trong vỏ ngọc trai, thân hình thon thả, chiếc váy trắng tinh khiết, tất cả đều toát lên sự tươi mới , tràn trề nhiệt sống của mùa xuân. Và dường như khi nàng được sinh ra, tất cả mọi vật trên đời cũng cảm được cái tươi trẻ đó, hồi sinh, nhiệt huyết, hạnh phúc.

Các mỹ nữ, thần (Graces) đang luân vũ, một nữ thần thượng ngàn (Nymph) đang reo rắc muôn hoa. Đây là thời điểm của những cuộc phiêu lưu tình ái, biểu tượng là nữ thần Venus và con trai của nàng là thần ái tình Eros bịt mắt đang bay lượn và nhắm bắn bằng mũi tên cháy bỏng. Thần gió Zephyrus đang đuổi bắt nữ chúa hoa Chloris. Còn thần Mercury đang cầm trượng xua tan những áng mây ra khỏi khu vườn hôn phối để đem tới ánh nắng mùa xuân.

Chúng tôi đã được đi thăm khá nhiều nhà thờ, đền chùa, nhà bảo tàng nghệ thuật trên thế giới nhưng lạ thay chỉ khi ở quê hương Thái Bình mới cảm nhận được nghệ thuật tạo hình trong tranh “ Chúa John treo trên thánh giá” của Savardo Dali thực hiện vào năm 1951. Tác giả miêu tả Chúa Gie-su Kito trên thập tự giá trong một bầu trời tối, thực tế là hình ảnh Chúa bị đóng đinh. Thường khi miêu tả hay nghĩ về Chúa, người ta thường nhìn dưới góc độ hướng lên trên ( Chúa trên trời) nhưng ở đây, tác giả Dali lại để hình tượng Chúa nhìn từ trên xuống. Bức tranh thay đổi cả một hệ thống tư tưởng mà con người đã định, bởi vì lúc này, Chúa trở nên gần gũi và thực hơn, không còn cảm giác Chúa là đấng tối cao, chỉ có thể mơ ước…

Sông Trà Lý

Về quê, thú nhất là buổi sáng 5 giờ đi bộ ra bờ sông Trà Lý lộng gió, hít thở khí trời trong lành và tha hồ ngắm nhìn các bà, các cô tập thể dục, dưỡng sinh với những động tác đến kỳ lạ như vỗ hông, vỗ chân, vỗ tay đến vỗ bụng kèm theo là các làn điệu chèo mượt mà, chữ tình chỉ có ở Thái Bình.

Trong lúc trầm tư, mặc tưởng, tôi biết chắc mình sẽ tăng tuổi thọ vì các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát 200 người đàn ông trong thời gian 5 năm, đã phát hiện ra rằng so với những người đàn ông khác, thì những người đàn ông mà ánh mắt hàng ngày đều có thể "gặp gỡ" (tao ngộ) những người phụ nữ xinh đẹp (NHẤT LÀ ĐƯỢC NGẮM CẶP NHŨ HOA) , huyết áp tương đối thấp, bị bệnh tim cũng ít hơn.

Kết quả nghiên cứu chứng minh, ngắm nhìn mỹ nữ trong 40 phút, tương đương với tập thái cực quyền trong 25 phút, tương đương với đi bộ trong 43 phút, tương đương với leo núi cao 540 mét. Nếu như hàng ngày kiên trì ngắm nhìn mỹ nữ trong 40 phút, và duy trì thường xuyên mãi mãi, thì có thể kéo dài tuổi thọ thêm từ 6 đến 8 năm!?.

Nhớ lại năm 1965-1966, khi còn học phổ thông, tôi là cây vợt bóng bàn vô địch thị xã, rồi vô địch cả tỉnh Thái Bình. Sau hơn 40 năm, nay mới có dịp “hàn huyên” bên bàn bóng với các thế hệ cầu thủ, nhiều người vẫn nhớ, vẫn nhắc về quả lắc “múc trăng đáy biển” của Tô Văn Trường , đồng thời cũng là người đầu tiên đem quả giật líp bóng bàn về Thái Bình. Có anh bạn vui tính làm thành bài thơ:

“Trận đấu đôi bên đã sẵn sàng
Thăm dò gò đảy, líp công sang
Anh cong lưng giật xung bên dọc
Chị doãng chân chèo lắc xoáy ngang
Hừng hực tấn công hòng dứt điểm
Kiên cường phòng thủ chí bền gan
Ôm bàn bạt xé không khoan nhượng
Hiệp cuối cuồng phong cuối trận tan…”

Nơi dừng chân cuối cùng của chúng tôi là ngôi trường xưa. Ngày ấy, thị xã Thái Bình chỉ có 1 trường Trung học đến bây giờ chúng tôi vẫn gọi Trường cấp 3 thị xã (Nay là trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Trước cổng trường ngày ấy, có cây phượng vĩ, mỗi mùa hoa nở đỏ rực là chứng nhân của nhiều kỷ niệm thuở học trò. Mỗi lần bom Mỹ dội xuống, cây phượng vĩ lại rùng mình trút hoa đỏ xuống sân trường. Mỗi đứa nhặt 1 nhánh hoa ép vào quyển sổ nhỏ, cùng với những dòng bút lưu niệm của tuổi học trò một thời ngây ngô, trong trắng.

Nhiều cánh hoa đó đi xa theo bạn bè ở mọi miền đất nước, kể cả ở nơi đất khách, quê người. Cây phượng vĩ không còn nữa nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn cuồn cuộn trở về. Nhiều bạn học đã ra mặt trận, trong số đó, có bạn cùng với cánh hoa phượng vĩ không quay trở về để lại trong lòng chúng tôi những niềm nhớ tiếc, xót thương.

Đến bây giờ, đất nước yên bình hơn bao giờ hết, tuổi cũng đã cao để lại sau lưng biết bao bận rộn công việc của đời thường, chỉ tập trung vào các công việc mình ưa thích ở trong và ngoài nước, tôi lại muốn trở về thăm quê hương để tìm lại những cánh hoa phượng vĩ ngày nào.

Có thể nói so với nhiều bạn bè trang lứa, tôi là một trong số những người may mắn hơn là được tiếp tục đi học và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, được học đúng nghề mình yêu thích, bởi vì nó giúp cho tôi luôn gắn bó với quê hương đó là ngành tài nguyên đất-nước và môi trường.

Ngay cả những năm tháng học tập ở AIT, Bangkok, đại học nông nghiệp Thụy Điển, làm chuyên gia ở Ban thư ký Mê Công, nhiều lần được đi "năm châu, bốn bể", rồi về làm việc ở Viện quy hoạch thủy lợi miền nam không lúc nào tôi ngừng nhớ về mảnh đất quê hương Thái Bình của mình và nhớ về những cánh hoa phượng vĩ rơi xuống sân trường trong bom đạn của một thời khói lửa.

Một số bạn bè hỏi tôi khi đã "rửa tay, gác kiếm" anh có lời khuyên gì với lớp trẻ? Tôi chỉ có 1 lời khuyên "đừng bao giờ quên những kỷ niệm của một thời gian khó"!

Đến bây giờ, đất nước yên bình hơn bao giờ hết, tuổi cũng đã cao để lại sau lưng biết bao bận rộn công việc của đời thường, chỉ tập trung vào các công việc mình ưa thích ở trong và ngoài nước, tôi lại muốn trở về thăm quê hương để tìm lại những cánh hoa phượng vĩ ngày nào.

Tiếc rằng, cây phượng vĩ ngày xưa không còn nữa, bất chợt chúng tôi cùng cất lên tiếng hát về bài hát khá nổi tiếng “Thời Hoa Đỏ”:

"Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
Như nuối tiếc một thời trai trẻ
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi…”

TS Tô Văn Trường, viết sau một lần về thăm quê

Nguồn bài viết : Cặp loto cùng về

Top