Video: Hướng dẫn gói bánh chưng ngày Tết bằng tay chuẩn, ngon và đẹp mắt |
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết cho chuẩn |
3 món ngon chống ngán ngày Tết nhất định phải có. |
Trong ẩm thực ngày Tết đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, gà luộc, xôi gấc, canh bóng, thì các món ngon chống ngán ngày Tết cũng được ưa chuộng không kém các món chính. Những món ăn này có nhiều tác dụng, vừa giải ngán, vừa mang lại cảm giác ngon miệng và cũng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nhắc đến những món ăn chống ngấy, không thể không nói đến 3 món kim chi hành lá, hành củ muối và món dưa chuột ngâm xì dầu. Trong đó, người Việt quen thuộc hơn cả với món hành củ muối. Ba món này có đặc điểm chung là đơn giản, dễ làm, nhưng cũng cần tuân theo một số lưu ý để món ăn để được dài ngày mà không bị hỏng.
Kim chi hành lá có cách làm gần giống với món kim chi truyền thống của người Hàn Quốc. Nếu bạn muốn làm món này vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, có thể biến tấu một chút đề phù hợp với khẩu vị người Việt. Công thức làm kim chi hành lá như sau.
Kim chi hành lá có công thức gần giống món kim chi truyền thống của Hàn Quốc. |
Nguyên liệu làm kim chi hành lá
- Hành lá: 500gr
- Ớt bột Hàn Quốc: 1/2 bát ăn cơm
- Gừng: 1 thìa cà phê băm nhỏ
- Đường: 2 thìa canh ăn phở
- Tỏi băm: 2 thìa canh ăn phở
- Nước mắm: 100ml
- Vừng rang: 1 thìa canh ăn phở
- Bột nếp: 10gr (hoặc bột gạo, bột mỳ. Nếu không có bột, bạn nấu cơm, lấy 1/2 bát nước cơm hoặc nước nấu cháo loãng)
- Hành tây: 1/2 củ
- Nước trắng: 200ml
- Tôm khô: 5gr
- Cá cơm khô: 5gr
Kim chi hành lá là món ngon lạ miệng ngày Tết. (Ảnh: 10000recipe) |
Cách làm kim chi hành lá
- Hành lá mua về rửa nhẹ nhàng cho sạch, cắt bỏ phần rễ, để ráo nước.
- Cho hành vào chậu hoặc tô lớn, rưới 50ml nước mắm vào phần đầu hành trước. Ngâm trong khoảng 20 phút, thỉnh thoảng đảo cho đầu hành ngấm đều nước mắm. Cho nước mắm vào đầu hành trước khiến phần đầu hành cứng hơn phần lá, nên sẽ lâu ngấm nước mắm hơn.
- Sau 20 phút, đổ nốt phần nước mắm vào phần lá hành, cũng ngâm 20 phút, thỉnh thoảng đảo đều. Chú ý trong quá trình đảo đều phải nhẹ nhàng tránh làm cho hành bị dập nát.
- Sau 40 phút ngâm nước mắm, cọng hành sẽ mềm và xẹp hơn.
Làm nước sốt trộn:
- Cho 200ml nước trắng vào nồi, đun sôi.
- Thả phần tôm khô và cá cơm khô, hành tây cắt nhỏ vào đun liu riu trong 15 phút.
- Dùng rây gạn bỏ phần bã lấy phần nước cốt. Có thể bỏ qua công đoạn đun nước cốt cá cơm với tôm khô và hành tây để rút bớt công đoạn, nhưng nếu nấu được thì phần sốt sẽ thơm và ngon ngọt hơn. Nếu không có thời gian, chỉ cần nấu nước trắng với bột nếp hoặc bột gạo, bột mỳ là được.
- Cho phần nước cốt cá cơm, tôm khô và hành tây vào nồi. Hoà tan phần bột nếp với chút nước cho tan. Bắc nồi nước cốt lên bếp, từ từ đổ bột nếp vào khuấy đều, hạ nhỏ lửa đến khi bột chín trong là được thì bắc xuống.
- Chắt phần nước mắm ngâm hành vào nồi bột nếp vừa khuấy xong. Thêm gừng, tỏi, ớt bột Hàn Quốc, đường, khuấy đều thành hỗn hợp sền sệt.
- Đi bao tay vào, nhẹ nhàng phết phần sốt đó lên từng cọng hành. Cần làm nhẹ tay kẻo hành bị nát.
- Lấy từng cọng hành cuốn nhẹ thắt nút lại xếp vào hộp. Rắc vừng rang lên trên.
- Để kim chi hành khoảng 1 ngày ở nhiệt độ thường bên ngoài cho lên men. Sau đó cất ngăn mát tủ lạnh. Sau 4-5 ngày hoặc một tuần, hành bớt vị hăng là ăn được.
Hành củ muối là món ngon truyền thống của người Việt. |
Nguyên liệu
- Hành 1kg
- Nước vo gạo
- Dấm; đường; ớt; muối; gừng
Cách làm
- Hành mua về, bóc vỏ, ngâm nước vo gạo để qua đêm lần 1 (nước phải ngập hành).
- Sáng hôm sau vớt hành, để ráo, rắc 5 thìa ăn cơm muối trộn đều để hành ráo, sạch nước. Mẹo ủ muối sẽ hành tự chảy nước hăng ra. Đến chiều tối, ngâm tiếp nước vo gạo mới lần 2 (nước phải ngập hành) qua đêm.
- Ngày hôm sau vớt hành ra, lúc này hành đã chua và vị bớt hăng. Rửa lại bằng nước đun sôi để nguội cho sạch rồi để ráo.
- Pha nước, dấm, đường, muối với tỉ lệ 2 nước + 1 dấm + 1 đường + 2 thìa cafe muối. Có thể gia giảm tùy khẩu vị gia đình. Ngoài ra thêm 20 lát gừng thái mỏng (có thể cho thêm muối nếu muốn để lâu). Nếu ăn được cay, bạn cho thêm ớt.
- Lưu ý nước ngâm ngập hành, dùng vỉ và vật nặng nén hành.
- Đậy kín tầm 3-5 ngày, lúc này hành ăn được nhưng hơi hăng. Để 5-7 ngày sẽ chua ăn rất giòn và ngon.Sau đó bảo quản ngăn mát ăn dần.
Nguyên liệu
1 kg dưa chuột, 150ml xì dầu, 200ml nước, 20ml dấm ăn, 60gr đường. Tỏi: 1 củ to, ớt: 4-5 quả tuỳ độ cay.
Cách làm dưa chuột ngâm xì dầu không quá khó. (Ảnh: Tô Hưng Giang) |
Cách làm
- Dưa chuột rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 20p. Vớt ra rửa sạch lại để ráo nước. Dưa chuột đem bổ làm đôi, dùng thìa nhỏ nạo sạch ruột.
- Cắt chéo dưa chuột cho dài ra khoảng 0,5cm, nếu cắt mỏng quá khi vắt dưa sẽ bị teo lại không còn độ giòn nữa.
- Sau khi cắt chéo dưa chuột xong cho khoảng 100gr đường vào (mục đích cho đường công đoạn này để dưa tiết ra bớt nước khi ngâm sẽ giòn ngon hơn, cho muối cũng tiết ra nước nhưng không nên vì dưa chuột mềm rất dễ ngấm mặn sẽ làm cho dưa sau khi ngâm bị mặn quá nên công đoạn này sẽ dùng đường).
- Trộn đều để 40 phút, dưa sẽ mềm và tiết nước ra. Dùng một miếng vải xô to và sạch, cho phần dưa chuột vào vắt sạch nước.
- Hỗn hợp ngâm dưa chuột: 150ml xì dầu, 200ml nước trắng, 60gr đường, 20ml dấm ăn. Đun sôi hỗn hợp và để nguội.
- Tỏi ớt một nửa đem băm nhỏ, một nửa đem cắt lát mỏng (ớt có thể để cả quả hoặc cát lát ra cũng được). Phần nước ngâm để thật nguội.
- Xếp dưa chuột vào lọ, một lớp dưa một lớp tỏi ớt, đổ phần nước ngâm vào là xong, cất ngăn mát tủ lạnh sau 5 tiếng là ăn được.
Xem thêm:
Kinh nghiệm du lịch Tết 2020 chi tiết nhất cho cả gia đình Dịp Tết là khoảng thời gian cả gia đình quây quần, tận hưởng những ngày lễ được nghỉ ngơi bên nhau sau cả một năm ... |
Đào Tết mini, bưởi cảnh "khủng" giá mềm đua nhau xuống phố phục vụ Tết Đào Tết mini với giá từ 60.000 đến 80.000/cành, bưởi cảnh "khủng" đã bày bán dày đặc trên Lạc Long Quân, Âu Cơ, Võ Chí ... |
Các món ăn ngày Tết độc đáo của ba miền Ẩm thực ngày Tết là nét văn hóa vừa mang tinh thần truyền thống của dân tộc, vừa mang tính đa dạng và độc đáo ... |