Không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa: Nên hay không?

2025-01-17 20:38:18

Băn khoăn quy định

Sau kỳ thi THPT quốc gia 2017 xảy ra tình trạng điểm chuẩn tăng mạnh ở một số ngành, trường, 9 điểm/môn vẫn trượt ĐH đặt ra yêu cầu phải nâng cao tính phân hóa ở đề thi để phân loại học sinh khá giỏi. Cùng với việc không công bố đề thi minh họa năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để các thầy cô giáo phải chủ động tìm tòi, sáng tạo hơn để tự thiết kế ra những câu hỏi, đề thi minh họa phù hợp, sát với đối tượng học sinh của mình.

Bởi việc giảng dạy cho các đối tượng khác nhau thì cách thức sẽ phải khác nhau, nếu chỉ trông chờ vào các dạng đề tương tự như đề thi minh họa sẽ không chỉ khiến việc học trở nên thụ động, thậm chí sẽ trở thành thiếu hiệu quả do đề thi chính thức và đề minh họa có thể có khoảng cách lớn.

Trước đó, các địa phương, các trường trung học phổ thông cũng đã tiến hành tập huấn, bồi dưỡng rất kỹ cho giáo viên về kỹ thuật, cách thức làm ma trận đề thi, cách ra các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nên sẽ không quá khó khăn để tự mình thiết kế các đề thi phù hợp với chương trình và mục tiêu dạy học.

Tuy nhiên, trong khi chờ hướng dẫn ôn tập của Bộ GD&ĐT, mới đây việc Bộ GD&ĐT ban hành văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường khiến nhiều người băn khoăn.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành; tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đồng thời, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục, bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay những thông tin cũ, lạc hậu.

Cũng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.

Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các trường lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung những bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Song song với việc tinh giản nội dung học tập, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Giáo viên dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình, sau đó giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Nhiều kênh thông tin khác ngoài sách giáo khoa

Mặc dù đây là văn bản chung áp dụng không chỉ riêng cấp THPT nhưng đối với những giáo viên học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 lại gây khá nhiều hoang mang. Bởi lẽ, việc bám sát nội dung chương trình SGK để ôn tập là hướng dẫn lâu nay của Bộ GD&ĐT, là việc không mới và được ủng hộ để giảm tải áp lực học tập cho học sinh các cấp.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những nội dung trong SGK liệu đã đủ? Điển hình như môn Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, xuất hiện rất nhiều kiến thức, khái niệm ngoài SGK, nếu giáo viên không cập nhật, bổ sung cho học sinh mà chỉ trông chờ vào mỗi SGK thì chắc chắn không đủ.

“Không chỉ những môn học xã hội có yêu cầu mở rộng kiến thức ngoài SGK, ngay cả những môn học như Toán, Lý, Hóa... cũng có những câu hỏi nâng cao, những câu dành cho đối tượng học sinh muốn đạt điểm 9-10 đòi hỏi không chỉ vận dụng kiến thức trong SGK là có thể giải được mà cần đến kiến thức nâng cao. Nếu giáo viên không dạy thì làm sao học sinh đi thi? Tôi cho rằng không nên quy định cứng nhắc việc giảng dạy phải tuyệt đối nằm trong chương trình SGK”- hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy, với những trường hợp thí sinh chỉ thi với mục đích đỗ tốt nghiệp THPT thì kiến thức nâng cao là không quá cần thiết. Việc ôn tập theo đúng SGK, phù hợp với năng lực tiếp nhận của học sinh là phù hợp.

Nhưng SGK không thể coi là chuẩn mực tuyệt đối, thầy cô nếu chỉ dạy chăm chăm theo SGK mà không sáng tạo, cập nhật những kiến thức hay và bổ ích bên ngoài, từ kinh nghiệm và hiểu biết của mình truyền đạt đến học sinh thì đâu còn là công việc sáng tạo, đáng trân trọng?

Cố PGS Văn Như Cương từng chia sẻ, biển học là mênh mông, SGK cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi. Sắp tới trong chương trình mới Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc một chương trình, nhiều bộ SGK là có thực. Các địa phương, nhà trường và thầy cô có thể chủ động lựa chọn bộ sách cũng như thiết kế riêng những nội dung để đưa vào chương trình giảng dạy, miễn là phù hợp với yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông đã được quy định.

Ngoài ra, như ý kiến GS Phạm Minh Hạc từng chia sẻ, hiện nay thông tin, kiến thức trên mạng internet là rất đa dạng. Nếu có thể chọn lựa những kiến thức phù hợp, hữu ích để bổ sung vào chương trình giảng dạy thì sẽ giúp ích rất nhiều cho việc dạy và học trong nhà trường.

Theo Đại đoàn kết

Nguồn bài viết : Video thể thao

Top