Liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng: Gia tài cho con là cuốn hồi ký
Anh Nguyễn Thành Dũng sinh năm 1970, nguyên là cảnh sát hình sự Công an quận 11, TP. HCM. Trong khi thi hành nhiệm vụ, anh bị tội phạm có HIV tấn công. Sau đó, anh Dũng nhiễm HIV/AIDS và lây bệnh cho vợ. Vợ anh mất tháng 12/2005. Đến ngày 13/6/2006, anh Dũng cũng hy sinh. Vợ chồng anh để lại con trai Nguyễn Duy Minh, khi ấy mới 10 tuổi. Đây là trường hợp công an hy sinh do bị nhiễm HIV khi đang thi hành nhiệm vụ được công nhận liệt sĩ đầu tiên trên cả nước.
Gia tài liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng để lại cho con là cuốn hồi ký.
Đầu năm 2006, trong bệnh viện, khi đã rất yếu, anh Dũng vẫn gắng gượng viết hồi ký để lại cho con trai. Duy Minh còn quá nhỏ, những lời dặn dò của anh bây giờ, anh sợ bé sẽ mau quên. Anh muốn ghi lại một phần đời ngăn ngủi của mình, để đến một ngày nào đó con sẽ đọc và hiểu về bố mẹ của mình.
Cuốn “Hồi ký cho con” trở thành một biểu tượng lung linh cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sỹ công an nhân dân.
“Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe…Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà…”. Đó là những lời hết sức giản dị, chân tình của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng gửi cho con trai trong cuốn hồi ký.
Cuốn hồi ký trở thành một biểu tượng cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sỹ công an nhân dân.
Ai đã từng một lần đọc cuốn hồi ký của anh đều không thể cầm lòng. Ở đó, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha yêu thương con hết mực, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy với công việc. Gần 20 trang hồi ký mộc mạc, giản dị, chân tình và ấm áp của người cha viết cho con trai gồm các phần: phần I mang tên “Thuở hàn vi của ba”, phần II mang tên “Thuở mẹ gặp ba và có con” và phần III “Ba mẹ gặp tai nạn”. Ngoài những dòng viết cho con trai, phần cuối cuốn sổ nhỏ có ghi chép lại một bài có tên “Cung đàn mới” (Lưu thủy hành vân) thể hiện sự lạc quan và niềm tin tưởng vào cuộc đời, vào con người trước lúc Thượng úy Nguyễn Thành Dũng ra đi mãi mãi…
2 phi công máy bay Su-22 gặp nạn khi đang huấn luyện bay chiến đấu
Trưa ngày 16/4, 2 chiếc máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đang bay huấn luyện trên vùng biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì mất liên lạc với Sở Chỉ huy lúc 11g30' cùng ngày.
2 phi công gặp nạn là Trung tá Lê Văn Nghĩa, lái máy bay Su-22 số hiệu 5857, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và phi công Nguyễn Anh Tú, điều khiển máy bay Su-22 số hiệu 5863, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Con trai liệt sỹ Nguyễn Anh Tú còn quá nhỏ để hiểu về sự hy sinh của bố.
Là sĩ quan chỉ huy, đóng quân ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận nên anh Nghĩa ít có dịp về thăm nhà. Vợ anh là giáo viên, anh có hai cô con gái sống tại phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM. Việc chăm sóc con gái đành phó thác hết cho người vợ trẻ. Đơn vị đóng quân ở xa đô thị, anh có thú vui là sáng dậy thật sớm, đi bộ một mình. Thời gian rảnh, anh cũng cà phê với anh em.
Đại úy phi công Nguyễn Anh Tú sinh năm 1981, là một phi công có năng lực của trung đoàn. Anh là phi công cấp 3 với khoảng 600 giờ bay. Anh vừa mới được bổ nhiệm cương vị Phi đội phó (tiểu đoàn phó) Phi đội 1 trước khi hy sinh 2 tháng. Anh Tú là phi công nhiệt huyết với công việc. Anh Tú lập gia đình được 3 năm. Anh chị có một con trai mới hơn 2 tuổi.
Đồng đội tiễn anh về với đất mẹ.
Ông Nguyễn Văn Thi, cha của anh Tú tâm sự khi đón nhận di hài của con: “Gia đình đau đớn lắm nhưng cũng cảm thấy được an ủi vì Tú đã làm tròn bổn phận một người lính, vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Ơn trời, nhờ đồng đội nên thi thể của Tú được tìm thấy, vậy là ấm lòng...”.
Nguyễn Tuấn Ngãi - liệt sỹ hết lòng vì đồng bào dân tộc thiểu số
Liệt sỹ Nguyễn Tuấn Ngãi sinh năm 1972, quê ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Năm 1991, anh Nghĩa học xong THPT thì có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự. Nhớ lại lời kể của cha về những năm tháng 1968 – 1972 chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên nên anh đã không thi đại học mà vào quân đội.
Sau 4 tháng trong quân ngũ, anh Ngãi được về thăm nhà trong dịp đơn vị phân công xuống chợ Si (Diễn Châu) mua đồ về sửa lán cho doanh trại. Lúc đó, anh Ngãi vui mừng thông báo với bố mẹ, mình được đơn vị cử đi học sĩ quan ở Nam Đàn.
Lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Tuấn Ngãi.
Do học giỏi, huấn luyện tốt, Ngãi được cử đi học cảm tình Đảng và 6 tháng sau được kết nạp đảng. Khi đó anh hỏi ý kiến cha về nguyện vọng sau khi ra trường nên đi đâu, ông Đức đã nói với con: “Cha cũng là bộ đội. Mà bộ đội, thì ở đâu Tổ quốc cần thì đến. Con cứ nói với tổ chức, tổ chức điều đi mô, thì con đi đó, đừng ngại việc chi cả”.
Nghe lời khuyên của cha, theo sự phân công của tổ chức vào Thừa Thiên Huế, tại đây anh xung phong đến huyện Nam Đông, ngày đó mới được chia tách ra từ huyện Phú Lộc, là vùng rừng núi hoang sơ. Anh Ngãi lại tình nguyện đi xuống các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Lộ là những xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Nam Đông để giúp đỡ các đồng bào dân tộc ít người.
Cha mẹ liệt sỹ Ngãi nghẹn nghèo khi nhắc về con trai.
Ông Đức kể: “Có lần hai vợ chồng tui vô thăm con trong đó, thấy năm mô con cũng được giấy khen. Ra đường, gặp dân bản họ cứ vỗ vai tôi nói, ông có người con đúng là lính cụ Hồ, người Nghệ An quê Bác tốt quá, giúp dân chúng tôi nhiều lắm…”.
Ngày 22/4/2013, khu vực con đèo La Hy thuộc xã Hương Phú, huyện Nam Đông xảy ra vụ cháy 3ha rừng keo. Đám cháy bốc lửa dữ dội và tạo ra sức nóng khủng khiếp, anh cùng đồng đội lao vào khu vực trung tâm của đám cháy dập lửa. Khi đám cháy đang dần được khống chế thì một cơn gió mạnh đột ngột chuyển hướng, bốc theo lớp khói bụi và tàn lửa khổng lồ tấp lên khu vực anh Ngãi và một số đồng đội đang dập lửa. Anh chỉ kịp dùng tay đẩy các đồng đội về phía sau để giúp họ tránh nguy hiểm còn mình bị vùi lấp trong đống khói tro tàn lửa.
Tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định công nhận liệt sĩ nhằm ghi nhận công lao, sự hy sinh anh dũng của Trung tá Nguyễn Tuấn Ngãi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mạnh Phúc
Tổng hợp
Nguồn bài viết : mketqua1.net