Cần Thơ: Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khai mạc triển lãm chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” |
Việt Nam và LHQ ký văn kiện Khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 |
Nhưng vượt qua mất mát, đau thương, người dân Mỹ giờ đây đã có thể vượt lên hoàn cảnh tồi tệ để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ, bị tấn công ngày 11/9/2001 (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN). |
Ký ức 11/9/2001
21 năm về trước, ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi nghe tin: 19 đối tượng khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố New York. Chiếc máy bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia, làm sập một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.976 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD về tài sản và cơ sở hạ tầng, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất đối với lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng. Thảm kịch 11/9/2001 cũng đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Vụ tấn công trên đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ, từ an ninh sân bay cho tới những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày như: đi lại, ra vào các tòa nhà, cách thức nuôi dạy con cái…. Gần như khó có thể xác định được thứ gì đó vẫn còn nguyên vẹn và không bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh hoàng đó.
Khu vực Đài tưởng niệm Empty Sky đang được lau dọn, bảo trì (Ảnh tư liệu: Getty Images). |
Cũng kể từ thảm kịch 11/9/2001, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Tổng thống Mỹ George Walker Bush phát động. Nước Mỹ đã giành được một số thắng lợi như: tiêu diệt được thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden (tháng 5/2011), ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải phóng được khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố, tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr al-Baghdadi (tháng 10/2019)… Suốt 21 năm qua, Mỹ đi đầu và giữ vai trò dẫn dắt liên minh chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, trong đó đặc biệt phải kể tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Với chiến dịch chống khủng bố không ngừng được gia tăng về mức độ và quy mô, Mỹ đã góp phần tích cực nhằm ngăn chặn đà lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới.
Nhưng ở một khía cạnh khác, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cũng đã khiến cường quốc số 1 thế giới này tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.
Trong đó, riêng tại chiến trường Afghanistan, Mỹ đã bị “sa lầy” đến 20 năm. Trải qua đến 4 đời tổng thống, nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden mới có thể kết thúc cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Ngày 31/8/2021, Tổng thống Mỹ Biden trong bài phát biểu sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, đã tuyên bố khép lại kỷ nguyên sa lầy của Mỹ trong “cuộc chiến không có hồi kết”; tiến hành xoay trục chính sách để tập trung nguồn lực cho những vấn đề nổi cộm hơn với nước Mỹ như củng cố quan hệ đồng minh, ứng phó cạnh tranh chiến lược và thách thức phi truyền thống, hay kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông Biden cũng cam kết sẽ duy trì cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và bất cứ nơi nào khác, cũng như hỗ trợ người dân Afghanistan xây dựng cuộc sống mới.
Hành trình xây dựng lại hy vọng
Hơn 13 năm sau thảm họa khủng bố 11/9 (năm 2014), toà nhà chính của Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) ở New York, Mỹ đã chính thức mở cửa trở lại (Ảnh: Getty Image). |
Sự kiện Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8/2021 đã làm vơi bớt phần nào nỗi lo lắng và ám ảnh của người dân Mỹ về những ký ức của 21 năm về trước mặc dù những hệ luỵ dai dẳng của nó thì vẫn sẽ còn kéo dài mãi.
Sau hơn 2 thập kỷ, những vết sẹo tâm lý dường như đã dần lành lại với người dân Mỹ.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng nay, tại chính nơi Tòa tháp đôi từng tọa lạc là hai hồ nước vuông vắn với chiều sâu tương đương một tòa nhà 6 tầng trên diện tích mặt sàn của hai tòa tháp trước đây. Khi đứng trước hai hố sâu thăm thẳm không thể thấy đáy với dòng thác nước xối xả không ngừng, mỗi du khách ghé thăm dường như có thể cảm nhận được nỗi đau mà hàng nghìn người vô tội và người thân của họ phải hứng chịu bất chấp dòng chảy thời gian.
Thế nhưng, cùng lúc, du khách cũng sẽ cảm nhận được dòng chảy năng lượng mạnh mẽ của thành phố New York vẫn lan tỏa trong không gian.
Quảng trường tưởng niệm 11/9 giờ đây đã trở thành một khu phức hợp hoành tráng thu hút khách du lịch đến thành phố New York với Bảo tàng 11/9, Trung tâm Thương mại Thế giới và điểm nhấn kiến trúc mang tên Oculus, nơi người dân New York và du khách có thể thỏa thích mua sắm và tận hưởng những món ăn đặc sắc mang nhiều phong cách đa dạng. Không khí đã sầm uất trở lại và người Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được sự hồi sinh của những nơi này.
Cũng trong 21 năm qua, một thế hệ mới với hơn 70 triệu người Mỹ đã được sinh ra, trong đó có nhiều đứa trẻ chào đời sau khi cha chúng - những người lính cứu hỏa hay quân nhân của Lầu Năm Góc đã hy sinh trong vụ tấn công ngày 11/9. Bởi vậy, hàng năm, dịp tưởng niệm sự kiện ngày 11/9 đều là cơ hội để nhắc nhở người Mỹ về những hy sinh, mất mát mà họ đã trải qua, cũng như về tinh thần đoàn kết mà người Mỹ đã có được từ sự kiện này, thay vì chia rẽ.
Người dân đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm 11/9 ở New York (Ảnh tư liệu: EPA). |
Còn nhớ, trong lễ tưởng niệm nhân kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001-11/9/2021, Tổng thống Joe Biden cũng đã kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết, điều mà ông cho là "sức mạnh lớn nhất" của nước Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Đối với tôi, đó là bài học trọng tâm của ngày 11/9... đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của chúng ta... Đoàn kết không có nghĩa là chúng ta phải tin vào điều giống nhau, nhưng chúng ta phải có một sự tôn trọng và niềm tin cơ bản vào nhau và vào đất nước".
Như thông điệp của bộ phim “Xây dựng lại hy vọng - Những đứa trẻ ngày 11/9 (Rebuilding Hope: The Children of 9/11), nước Mỹ đang nỗ lực vượt lên tất cả khó khăn và đau thương của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để “xây dựng lại hy vọng”, khi mà cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu hay cuộc chiến với đại dịch COVID-19, vẫn còn tiếp diễn.
Tỉnh Phú Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư Hoa Kỳ Ngày 4/7, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa có buổi tiếp Ngài Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến chào xã giao nhân dịp đến Phú Yên tham dự các hoạt động của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương - PP22. |
Nhiều sự kiện kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam (18/07/1977 - 18/07/2022) và 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (05/09/1962-05/09/2022), hai nước Việt Nam và Lào đã tổ chức nhiều sự kiện hữu nghị trong tuần vừa qua. |
Nguồn bài viết : mketqua1.net