Giới khoa học kêu gọi cứu rạn san hô lớn nhất thế giới

2025-01-17 20:38:25

Great Barrier đang đối mặt nguy cơ biến mất do hiện tượng tẩy trắng san hô ngày càng nghiêm trọng. Năm ngoái, hiện tượng này xảy ra với mức độ và quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử.

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature, không nên nghiên cứu tẩy trắng san hô một cách riêng rẽ, mà phải xem xét toàn bộ những mối đe dọa đối với sự sống còn của Great Barrier. Các nhà khoa học cho rằng việc ngăn chặn tẩy trắng san hô là không đủ hiệu quả.

Tác giả nghiên cứu, chuyên gia Terry Hughes cảnh báo: những đợt tẩy trắng san hô ở Great Barrier đang xảy ra thường xuyên hơn. Tuần trước, ông cho biết khảo sát trên không phát hiện các dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên rạn san hô bị tẩy trắng trong 2 mùa hè liên tiếp.

San hô ở Great Barrier sau khi bị tẩy trắng. (Ảnh: BBC)

Trong khi đó, đồng tác giả, giáo sư Morgan Pratchett, nhận định: "Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với rạn san hô Great Barrier. Tất cả đã trở nên tồi tệ sau những gì mà chính phủ Australia và các nước khác trên thế giới thực hiện nhằm làm giảm tình trạng nhiệt độ tăng".

Giáo sư Pratchett vẫn lạc quan cho rằng rạn san hô có thể được phục hồi, nhưng "cánh cửa cơ hội" để thế giới hạn chế lượng khí thải đã không còn nữa. Theo ông Pratchett, đây mới chính là ưu tiên hàng đầu để cứu vãn Great Barrier, chứ không chỉ là cải thiện chất lượng nước hay giảm thiểu hoạt động đánh bắt cá.

Great Barrier bao gồm hàng nghìn cụm san hô nhỏ, trải dài từ cực Bắc bang Queensland (Australia) tới thành phố Bundaberg ở phía Nam bang này. Rạn san hô khổng lồ này được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981.

Liên Hợp Quốc cho rằng Great Barrier mang tính đa dạng sinh học cao nhất trong số tất cả các di sản trên thế giới và nó vô cùng quan trọng đối với khoa học và đời sống con người.

Hiện tượng tẩy trắng san hô

- Gây ra bởi nhiệt độ nước tăng cao, do 2 dòng hải lưu ấm tự nhiên.

- Tình trạng tẩy trắng san hô ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người, khi các đại dương phải hấp thụ khoảng 93% nhiệt lượng gia tăng của Trái đất.

- Tẩy trắng xảy ra khi các loài tảo sống trong san hô bị đẩy ra ngoài. Những loài tảo này được gọi chung là zooxanthelae, đóng vai trò tạo màu cho san hô.

- Nếu các điều kiện trở lại như bình thường, san hô có thể được phục hồi nhưng quá trình này có khi kéo dài tới hàng chục năm. Ngược lại, nếu tiếp tục bị tẩy trắng, san hô sẽ bị chết.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : Trò chơi

Top