Khóa học đã khai giảng sáng 4/3 với sự tham dự của GS. TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương – đơn vị đi đầu trong công tác triển khai kỹ thuật APLS tại Việt Nam và PGS. TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại lễ khai giảng khóa học. Ảnh: VCF.
Nâng cao năng lực cấp cứu nhi khoa
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thanh Hùng bày tỏ vinh hạnh khi được đón tiếp đoàn Giáo sư từ Úc đến giảng dạy khóa APLS này, được tổ chức tại BV Nhi Đồng 1. Từ năm 1956, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bệnh viện tuyến cuối tại miền Nam, hằng năm bệnh viện tổ chức rất nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các bác sĩ và điều dưỡng tại miền Nam.
Ông nhấn mạnh, APLS là chương trình rất quan trọng giúp nâng cao khả năng của các bác sĩ và điều dưỡng để cứu chữa trẻ em trong tình trạng hiểm nghèo. Một phần rất quan trọng của chương trình, cũng là chiến lược của của Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong 30 năm qua, là đào tạo ra các giảng viên để đưa các kiến thức hiện đại về chăm sóc nhi khoa đến với đội ngũ bác sĩ của toàn miền Nam.
Theo GS. TS Lê Thanh Hải, chương trình tập huấn Cấp Cứu Nhi Khoa Nâng Cao đã bắt đầu được xây dựng khoảng những năm 80 của thế kỷ trước và dần đưa vào giảng dạy ở các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc và hiện nay có hơn 70 nước đang giảng dạy APLS. Tại Việt Nam, năm 2002, Bệnh viện Nhi Trung Ương được trợ giúp bởi các chuyên gia và AP Foundation đã bắt đầu giảng dạy chương trình này. Sau khi dự án kết thúc, bệnh viện cũng đã có đội ngũ giảng viên quốc gia và hơn 3000 học viên hoàn tất khóa học.
Ông nói thêm, Bệnh viện Nhi Trung Ương có 60 giảng viên quốc gia, tuy nhiên từ đấy chương trình cũng mai một do vấn đề thiếu kinh phí và Bộ Y Tế và các trường đại học chưa đưa APLS vào chương trình giảng dạy chính thức. Mặc dù vậy, việc giảng dạy APLS vẫn được các bệnh viện lớn và một số đại học y dược duy trì, tuy chưa thể thống nhất trên phạm vi cả nước.
"Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi cố gắng duy trì APLS trong các chương trình thường quy và tôi cũng biết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các đồng nghiệp vẫn duy trì một số bài học trong chương trình APLS, hoặc một chương trình tương tự là PALS có nguồn gốc từ Viện Hàn Lâm Tim Mạch Hoa Kỳ. Nội dung hai chương trình về cơ bản là giống nhau, tuy nhiên APLS có lợi thế sẵn về đội ngũ giảng viên đã có tại Việt Nam, chương trình cô đọng và có cấu trúc tốt hơn, dễ áp dụng hơn cho toàn quốc. Chính vì vậy, chúng tôi đã đệ trình lên Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế như VinaCapital Foundation, tổ chức APLS tại Anh và Úc để tiếp tục mở rộng chương trình này.
Dự kiến không lâu nữa, Bộ Y Tế sẽ phê duyệt APLS như một môn giảng dạy bắt buộc tại các trường đại học y dược và các bệnh viên. Bởi APLS có tầm quan trọng lớn trong các năm qua giúp các bác sĩ thực hành, thao tác cứu chữa trẻ em tốt hơn, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em nhất là trong thời gian 24 giờ. Tôi thiết nghĩ đây là chương trình hết sức bổ ích và hiệu quả. Tôi hi vọng khóa học này sẽ giúp chúng ta làm mới chương trình với cập nhật kiến thức từ các chuyên gia quốc tế, để chăm sóc và nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam tốt hơn nữa."
Chuyên gia hàng đầu của Úc tập huấn cho bác sĩ Việt Nam. Ảnh: VCF.
Nhân rộng ra cả nước
Khóa học APLS được xây dựng từ những năm đầu thập niên 80 bởi Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ và Trường Cao Đẳng Bác Sĩ Cấp Cứu Hoa Kỳ, được thường xuyên cập nhật bởi các chuyên gia nhi khoa hàng đầu thế giới. Hiện nay, 70 quốc gia đang áp dụng APLS trong giảng dạy y dược, trong đó 20 quốc gia đang bắt buộc các bác sĩ và điều dưỡng nhi có chứng chỉ APLS, bởi các ưu điểm của nó trong hệ thống hóa các kiến thức và kỹ thuật cứu chữa trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, trong đó phần thực hành rất được chú trọng trong thời gian tập huấn. Nội dung của khóa APLS bao gồm các kỹ thuật cấp cứu (từ cấp độ cơ bản đến can thiệp sâu khi trẻ ngưng tim, ngưng phổi), chẩn đoán và quản lý bệnh trạng nặng (khó thở, trẻ bị sốc, nhịp tim bất thường, giảm mức độ ý thức, chẩn đoán và quản lý thương tích nghiêm trọng (ở ngực, bụng, cột sống, vùng đầu, bỏng nặng, điện giật và đuối nước) và một số chủ đề khác.
Khóa học APLS là nội dung quan trọng trong chương trình Nâng Cao Năng Lực Cấp Cứu Nhi Khoa (Critical Response) do VCF thực hiện từ năm 2009 đến nay với mục tiêu hỗ trợ chuyên môn và thiết bị cho cán bộ y tế tại Việt Nam để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe người dân và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. APLS được Bộ Y Tế khuyến khích nhân rộng trên phạm vi cả nước, do vậy cần có thêm thêm nhiều giảng viên APLS ngay tại Việt Nam để nhanh chóng phổ biến các kỹ thuật này đến các cán bộ y tế không chỉ tại các bệnh viện tuyến đầu mà còn ở các cơ sở y tế cấp huyện, xã. Đến nay, các khóa học do VCF tài trợ đã giúp nâng cao kỹ năng cấp cứu hồi sức nhi khoa cho hơn 1.300 bác sĩ và điều dưỡng trên cả nước.
Ông Don Lam, Chủ tịch VinaCapital Foundation chia sẻ: “Trong suốt 12 năm thực hiện các dự án hỗ trợ cho các cán bộ y tế cả nước, tôi tin rằng việc thuần thục các kỹ thuật tốt nhất được quốc tế công nhận như chương trình APLS sẽ giúp ích rất lớn để các bác sĩ cả nước chữa trị tốt hơn cho trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ sống ở những địa phương không may thường chịu thiên tai, bão lũ. Kế hoạch của chúng tôi cho đến năm 2020 là phổ biến APLS đến thêm nhiều tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam, rồi sau đó là trên cả nước để góp phần thiết thực vào sự phát triển của nền y tế Việt Nam.”