Nhắc đến FAPtv, người ta lập tức nhớ đến những diễn viên duyên dáng và tài năng đã làm nên thành công của nhóm: Thái Vũ, Vinh Râu, Huỳnh Phương, Ribi Sachi. Nhưng có một cái tên khác khiến chúng tôi không khỏi tò mò là người đạo diễn đứng đằng sau những khung hình - Trần Đức Viễn. Liệu người sáng lập kênh Youtube đạt nút kim cương đầu tiên của Việt Nam có gì đặc biệt?
Trần Đức Viễn (sinh năm 1990) tự nhận mình là đứa "học sinh ngu" thời còn đi học. Không hứng thú gì với toán, lý, hoá, không tìm ra động lực để học tập, Viễn từng phải ở lại lớp năm lớp 10. Năm lớp 12, Viễn thi đại học chỉ được 0,5 điểm toán, nhưng nhờ điểm lý và hoá ổn (một phần do thi trắc nghiệm hên) nên Viễn vào học ngành Công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Sài Gòn. Rồi cũng vì không thích học, Viễn nợ chừng 10 môn sau một năm rưỡi.
Năm 2011, Viễn tham gia khoá học thử về làm phim, thấy có hứng thú, anh nghỉ đại học và quyết đăng ký học làm phim.
Khoá học kéo dài 2 năm rưỡi với học phí hơn 60 triệu đồng là một gánh nặng với chàng trai lớn lên trong xóm lao động ở Sài Gòn, từng làm đủ nghề: phụ hồ, phục vụ quán cơm, bán điện thoại..., để kiếm sống. "Lúc đó không có nhiều tiền. Hồi học đại học thì tôi đi làm thêm, tiền bạc ở mức đủ sống, nhưng khi đi học làm phim khó khăn hơn. Mẹ tôi, thay vì mỗi tháng cho 1 triệu, 1 triệu rưỡi để tiêu xài thì mẹ giúp lên cỡ 2, 3 triệu. Nhưng 2, 3 triệu đó để đóng tiền học làm phim, còn tiền ăn, tiền xài thì tôi tự đi làm để kiếm thêm", Viễn nhớ lại.
"Lúc đầu là làm pha chế, sau đó làm công nhân ở nhà máy - giống như khu công nghiệp - tôi đóng gói thuốc trừ sâu thực vật", Viễn kể. Anh chọn khoá học buổi tối để ban ngày đi làm. Trong hơn 1 năm làm công nhân, mỗi ngày Viễn chạy xe 60 cây số từ nhà ở quận 2 sang Bình Tân để làm việc. Anh nhớ lại quyết tâm khi ấy: "Lúc đó, tôi nghĩ mình buộc phải thành công, buộc phải cố gắng hết sức".
May mắn, dù lúc học phổ thông không học nổi 3 môn toán, lý, hoá, cũng không tìm ra động lực để học, nhưng khi học làm phim thì mọi thứ suôn sẻ hơn. Dù ban ngày đi làm, buổi tối đi học và thiếu thốn nhiều điều kiện thực hành nhưng Viễn vẫn đạt thủ khoa của khoá học đó. "Bữa tốt nghiệp, tôi có việc không lên nhận được bằng, mẹ tôi mới lên nhận giùm. Mẹ trực tiếp đứng lên bục giữa hội trường mấy trăm người. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất của mẹ. Mẹ tự hào, tại tôi trước giờ học "ngu" mà nay được thủ khoa", đạo diễn FAPtv bồi hồi nhớ lại.
Sau khi học xong, Viễn tham gia một đơn vị chuyên quay MV ca nhạc. Anh chấp nhận làm đủ các vị trí nhỏ trong đoàn phim để học. "Trong trường không dạy về ánh sáng. Nên khi đi làm tôi xin làm phụ đèn. Làm được mấy tiếng thì bên camera thiếu người, tôi chuyển qua quay phim. Trong lúc quay phim, tôi nói chuyện với tất cả mọi người trong ekip, phụ giúp ngày nọ rồi tôi làm tất cả luôn, nhờ vậy mà biết được công việc của người ta, như set dolly, làm ánh sáng... thế nào. Làm được một thời gian thì tôi chuyển qua làm dựng phim, chỉnh màu. Có khi sếp bận thì tôi làm thay luôn", anh kể. Nhờ đó, Viễn nắm được công việc của toàn bộ một ekip làm phim, là nền tảng quan trọng cho việc thành lập FAPtv sau này.
Năm 2014, khi thấy thị trường làm phim viral trên Youtube nhiều tiềm năng và bản thân Viễn tự thấy có thể làm nên những sản phẩm tốt hơn những gì đang có, anh rủ vài người bạn thành lập nhóm hài.
Trong 1 năm sau đó, các thành viên vẫn có công việc riêng và việc làm phim Youtube dừng lại ở mức "không lương". Viễn lúc đó vẫn làm dựng phim full-time, Ribi làm người mẫu ảnh, Thái Vũ làm việc ở một kho hàng, Vinh Râu là dân phòng với mức lương 1 - 1,5 triệu/tháng. Đầu năm 2015, Thái Vũ mất việc, liền rủ Viễn... nghỉ chung luôn. Họ gặp thêm Huỳnh Phương - lúc đó còn là sinh viên. Nhóm bạn quyết định nghỉ việc để toàn tâm toàn ý với FAPtv, bắt đầu sản xuất series Cơm Nguội.
Trong 3 tháng đầu, tiền lương mỗi tháng nhận được từ Youtube chỉ tầm 1,2 triệu mỗi người nên rất "khủng hoảng". Cả nhóm hay họp bàn kịch bản và quay phim tại những quán cà phê, cứ ăn cơm nhà rồi mới đi họp. "Tụi tôi, lâu lâu có đồ ăn ở nhà ăn dư thì mang lên cho mấy đứa, vừa làm kịch bản vừa ăn", Viễn nhớ lại. Có một chi tiết mà anh nhớ mãi: Nhóm thường chỉ kêu cà phê đen, cà phê sữa hay nước ngọt - là những món rẻ nhất để tiết kiệm. Khi một bạn khách mời không biết "lỡ" kêu ly sinh tố, buổi tối đó cả nhóm phải họp lại để... kiểm điểm, nhờ người nhắc nhở bạn kia lần sau không được kêu sinh tố nữa.
Khó khăn là vậy, nhưng vì bắt đầu từ con số 0 nên giai đoạn đó cả nhóm cố gắng 200% sức lực. "Chúng tôi đi lên, đúng nghĩa là từ con số 0. Từ việc không biết gì hết, tài chính cũng không luôn nên phải cố gắng rất nhiều. Nó khác với những ai từ gia đình có điều kiện - đi quay không được thôi năm sau làm lại cái khác. Còn chúng tôi thì không có chuyện đó".
3 tháng sau khi nghỉ việc, FAPtv nhận được gói quảng cáo đầu tiên. "Tôi nhớ tháng đó Thái Vũ có 8 triệu tiền lương, gần như là một cái thở phào, phá bỏ mọi áp lực", Viễn nói, "Thở phào rằng kể từ bây giờ, mình có thể làm việc an tâm với đam mê của mình. Từ trước tới giờ, lúc còn nghèo khó, tôi tưởng tượng tương lai chỉ cần lương trên 8 triệu là đủ sống rồi. Lúc đạt mốc lương 8 triệu tôi biết con đường mình đi bắt đầu có cái gì nó đúng đúng, có ánh sáng".
Từ đó đến nay, chàng trai "học ngu" những năm phổ thông chưa bao giờ ngừng tự học về làm phim. "Trong lúc làm FAP, mình may mắn gặp được những người thầy, cũng làm những phim điện ảnh chuyên nghiệp. Mình hiểu được phim của mình đang dở ở chỗ nào. Trước đó rất hên xui, mình nghĩ ra kịch bản xong, mình làm phim xong, có thành phẩm xong mình biết nó hay nó dở, nhưng không biết tại sao phim dở, phim hay. Nhưng sau này mình học thì mình kiểm soát từ làm kịch bản, kiểm soát được chất lượng phim", Viễn kể lại.
Bên cạnh đó, nhờ đi học, đầu tư vào nhân vật, phim cũng "thật" hơn chứ không còn "giả" như những ngày đầu. Cấu trúc kịch bản, nhịp phim cũng tốt hơn. Và nhờ việc tự trau dồi, Viễn nhận ra cần phải thêm các bài học ý nghĩa, yếu tố giáo dục trong những clip của mình, thay chỉ là "hài cho vui" như ban đầu.
Đặc biệt, có lẽ việc có tuổi trẻ bươn chải nhiều nghề, gần gũi với người bình dân đã trở thành một may mắn của Viễn khi làm phim. Viễn nói: "Tôi nghĩ lúc còn trẻ cần phải va chạm càng nhiều càng tốt, nhờ vậy mà có nhiều góc nhìn hơn. Lúc đó tôi làm từ thấp, tiếp xúc được nhiều người, từ những người bình thường, người lao động. Nhất là những giai đoạn đi làm thợ hồ, làm phục vụ. Với lại, hồi nhỏ tôi cũng ở trong xóm lao động, rất hiểu cuộc sống và tâm lý của những người dân lao động". Phim của FAPtv vì thế mà gần gũi, thật như đời, thu hút được nhiều người xem.
Khi được hỏi một kỷ niệm vui với FAPtv, Viễn kể về những ngày đầu mới thành lập, lúc cả nhóm vẫn hay ra cà phê bệt ở Nhà thờ Đức Bà ngồi làm kịch bản những sáng chủ nhật. "Ngồi thấy đoàn mô tô người ta chạy ngang qua lại, bảo nhau, "Ê, FAPtv tương lai kìa mày". Hồi đó ao ước mỗi thằng có một chiếc mô tô, chạy vòng vòng Sài Gòn cho hãnh diện. Bây giờ nghĩ lại, hồi đó ước mô tô, giờ mỗi đứa có một chiếc xe hơi rồi. Nhìn lại thì đó là một thành quả gì đó cho những người anh em đi với mình từ thời kỳ đầu".
"Mỗi người có một cuộc đời riêng. Nếu tất cả ai cũng lấy mốc 22 tuổi phải lấy bằng đại học, 25 tuổi phải có sự nghiệp trong tay, 30 tuổi phải có vợ con hết... chắc xã hội sẽ tẻ nhạt lắm. Và nếu vậy chắc cũng không có thương hiệu KFC như bây giờ tại ông chủ KFC gần 70 tuổi mới thành công. Cho nên hãy sống cuộc đời bạn theo đuổi, đừng lấy bất cứ ai ra làm mốc hay thước đo cả", đạo diễn Trần Đức Viễn.
Nguồn bài viết : Livescore