Thông tin nêu trên vừa được ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT chia sẻ tại hội thảo VietNam FIBERTalk 2019 chủ đề “Internet cáp quang là nhân tố hiện thực hóa 5G, Smart City & IoT” được Hội đồng FTTH châu Á – Thái Bình Dương (FTTH Council Asia-Pacific) tổ chức tại Hà Nội hôm nay, ngày 17/10/2019, với sự đồng hành của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) trong vai trò là đối tác địa phương.
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT phát biểu tại Vietnam FIBERTalk 20.19 ngày 17/10 |
Việt Nam hiện có hơn 14 triệu thuê bao băng rộng cố định
Trong phát biểu tại hội thảo Vietnam FIBERTalk 2019, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phan Thảo Nguyên cho biết, các dịch vụ liên quan đến mảng băng rộng cố định là một trong những hạ tầng quan trọng trong phát triển viễn thông. Báo cáo của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) cũng như của một số tổ chức nghiên cứu cho thấy, khi một quốc gia phát triển, nâng mật độ sử dụng mạng băng rộng cố định tăng lên 10%/năm có thể đóng góp tăng 0,38% GDP.
“Hạ tầng băng rộng di động (3G, 4G, 5G) rất quan trọng, nhưng mảng hạ tầng liên quan nhiều hơn đến người sử dụng, mảng hạ tầng để phục vụ sản xuất nhiều hơn chính là hạ tầng cáp quang. Hạ tầng băng rộng cố định giống như là “đường siêu tốc, cao tốc” để truyền tải dữ liệu. ITU đã đã ra thống kê với những số liệu khẳng định thêm vai trò của việc phát triển hạ tầng cáp quang cũng như các hạ tầng băng rộng cố định đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyên, Việt Nam có hơn 14 triệu thuê bao băng rộng cố định trên tổng số hơn 96 triệu dân. Mật độ băng rộng cố định của Việt Nam hiện mới chỉ xấp xỉ 16%, cho thấy nhu cầu phát triển hạ tầng băng rộng cố định ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế duy trì tốc độ phát triển 6-7%/năm trong khoảng gần 10 năm nay; tức là nhu cầu kinh doanh của các hộ kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp rất lớn và vì thế nhu cầu cần có hạ tầng kết nối cáp quang, băng rộng cố định cũng phát triển rất nhiều.
“Có thể thấy rằng, tiềm năng để Việt Nam phát triển thị trường băng rộng cố định trong tương lai là rất lớn”, ông Nguyên nhận định.
Vị đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết thêm, Việt Nam có tốc độ phát triển di động tăng rất nhanh. Hiện nay, Việt Nam có 132 triệu thuê bao di động, bao gồm cả thuê bao 2G, 3G và 4G. Trong đó, theo thống kê, thuê bao di động băng rộng 3G và 4G hiện chiếm khoảng 50%; và 50% còn lại là công nghệ 2G. Bộ TT&TT sẽ có chính sách, sớm công bố lộ trình để tắt sóng công nghệ 2G, chuyển sang công nghệ băng rộng 3G, 4G.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch, sẽ triển khai công nghệ 5G trong thời gian tới. Cụ thể, vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Bộ TT&TT sẽ cố gắng để phân bổ được băng tần cho người dùng thiết bị 5G. “Việt Nam xác định sẽ không đi chậm trong quá trình phát triển 5G so với các nước trên thế giới”, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế nói.
Hiện Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thử nghiệm cho các nhà mạng lớn tại Việt Nam để bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G tại một số thành phố lớn.
Đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cũng chia sẻ: “Bộ TT&TT nhìn cả góc độ phát triển băng rộng cố định cũng như băng rộng di động trên cơ sở chính sách đồng nhất và song song nhau, đều rất quan trọng. Trong đó, xác định sẽ phát triển hạ tầng cố định băng rộng trên cơ sở cáp quang cũng là yếu tố hạ tầng rất quan trọng để phát triển toàn bộ hạ tầng CNTT của Việt Nam trong tương lai”.
Thông tin cụ thể hơn về tình hình thử nghiệm 5G tại Việt Nam, ông Lương Phạm Nam Hoàng, Phó phòng Cấp phép và Thị trường, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, hiện Viettel là nhà mạng duy nhất đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam và đã đạt được những kết quả bước đầu. Với 2 nhà mạng còn lại, MobiFone dự kiến sẽ phát sóng thử nghiệm 5G trong tháng 10/2019, với VNPT/VinaPhone là tháng 11/2019.
Đề cập đến mối quan hệ giữa mạng cáp quang và 5G, ông Hoàng ví, hệ thống cáp quang giống như mạch máu trong cơ thể, trong khi đó 5G là các mao mạch nhỏ hơn giúp lấy máu từ mạch chính để truyền đi các bộ phận. Nôm na, so với 4G, 5G là một phương mới, sử dụng các công nghệ mới để truyền tải toàn bộ năng lực của mạng truyền dẫn đến các người dùng di động. 5G hướng đến việc thu rất ít nhưng thu với khối lượng rất lớn, từ nhu cầu kết nối của hệ thống các thiết bị IoT ở tất cả mọi nơi.
“Với quan điểm như vậy, năng lực của mạng cáp quang là một trong những yêu cầu cơ bản nhất để hiện thực hóa được việc triển khai các dịch vụ 5G. Tương lai của mạng cáp quang đầy hứa hẹn, vẫn sẽ phát triển và cần phải được đầu tư rất nhiều, nhất là khi Chính phủ Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang hướng tới các chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, khi 5G được thương mại hóa thì vai trò của hệ thống cáp quang lại ngày càng quan trọng”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Là một hội thảo hẹp với sự tham gia chủ yếu của cộng đồng người làm viễn thông trong nước và một số đơn vị nước ngoài, Vietnam FIBERTalk 2019 được coi là bước chuẩn bị cho sự kiện thường niên lần thứ 15 “FTTH Asia Pacific Conference” dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2020. |
Ở góc độ của doanh nghiệp cung cấp các giải pháp truy cập mạng, Giám đốc Giải pháp của DZS Việt Nam Nguyễn Đình Quang nhận định, công nghệ 5G, IoT hay Smart City đều là những xu hướng tất yếu thay đổi toàn diện cách thức con người sống và làm việc với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, những công nghệ này chỉ có thể triển khai thành công khi cơ sở hạ tầng mạng được chuyển đổi. Đó là điều kiện tiên quyết mà các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thực hiện.
Từ kinh nghiệm triển khai hạ tầng mạng cáp quang cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức chính phủ tại Việt Nam, ông Quang cũng cho hay: "Dù đã nhận thức được những lợi ích của mạng cáp quang, nhưng khi đứng trước quyết định tiếp tục đầu tư hạ tầng cáp đồng theo giải pháp truyền thống hay chuyển đổi toàn bộ hạ tầng sang mạng cáp quang, nhiều tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn do dự vì cho rằng đây là công nghệ mới, họ chưa có đội ngũ kỹ sư chuyên trách và cơ sở hạ tầng của tổ chức hiện tại chưa sẵn sàng".
Nguồn bài viết : Diamond Bay Gaming Club