Tự chủ kinh tế ở các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm

2025-01-17 20:39:32

ictnews Theo các chuyên gia, cần hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, trong đó chi hành chính cho bộ máy chính phủ được xem là khá “cồng kềnh” hiện nay bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh minh họa: Cổng thông tin Bộ Tài chính

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 vừa được tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Cành (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ về quan đểm cải cách chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia tài chính – ngân hàng. Theo đó, GS.TS Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh, muốn cải cách chính sách tài khóa cần phải cơ cấu lại một bước chi tiêu công.

Theo tin từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Cành cho biết, hiện nay, chi thường xuyên chúng ta đã được cơ cấu lại được một bước, giảm so với trước đây, tuy nhiên vẫn còn chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng chi ngân sách. Do đó, chi hành chính cho bộ máy cần phải giảm thông qua việc tinh giản biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ về tài chính, giảm gánh nặng chi sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách. Đây được coi là vấn đề cốt lõi để giải bài toán giảm chi thường xuyên. Cùng với đó, dự toán ngân sách các cấp phải gắn với kết quả thực hiện mục tiêu, tức là kết quả đầu ra. Các nước phát triển thường áp dụng các phương thức quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra và đây là một trong những biện pháp để thực hiện chi tiêu công có kiểm soát, tiết kiệm và hiệu quả.

Cải cách chính sách tài khóa, cải cách ngân sách nhà nước luôn được thực hiện ở các nước trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu thực hiện cải cách về quản lý tài chính công nhằm cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu suất và chất lượng các dịch vụ công. Cải cách ngân sách Nhà nước (NSNN) đều hướng đến mục tiêu là giảm thâm hụt ngân sách và tăng tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý NSNN, cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chính sách tài khóa được thực hiện tốt, nghĩa là thu - chi ngân sách được cân đối phù hợp với quy mô nền kinh tế. Những năm gần đây, việc cắt giảm thuế quan do hội nhập đã ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, cùng với việc mở rộng cơ sở thu, tăng thu nội địa, thì cần thiết phải cơ cấu lại chi tiêu công. Chi tiêu công của Việt Nam tập trung vào 5 mục chính, gồm: chi đầu tư phát triển; chi phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính; chi trả nợ và dự phòng, tuy nhiên, chủ yếu là chi cho đầu tư và chi thường xuyên. Do đó, giải bài toán chi ngân sách sao cho tiết kiệm, hiệu quả tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực này”. Chuyên gia Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Thị Cành cho rằng, vấn đề cân bằng ngân sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động thu, chi ngân sách. Chính sách tài khóa được thực hiện tốt sẽ tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế. 

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh minh họa: Cổng thông tin Bộ Tài chính

Để cải cách chính sách tài khóa, vị chuyên gia này cho rằng cần phải xem xét mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đầu tư vốn từ NSNN vào cơ sở hạ tầng và đầu tư cho giáo dục. Cung cấp hàng hóa công, cơ sở hạ tầng của nhà nước đóng vai trò quyết định cho phát triển bền vững. Vai trò của đầu tư công là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước. Trong khi tỷ trọng đầu tư phát triển ngày càng giảm, cần nguồn vốn ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần phải giữ một tỉ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản ổn định để phát triển hạ tầng, cải tạo môi trường đầu tư tốt để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư vốn ngân sách có hiệu quả, giải pháp không kém phần quan trọng là tăng cường thẩm định và quản lý các dự án đầu tư phải có lựa chọn, xếp thứ tự ưu tiên tránh đầu tư dàn trải như hiện nay. Đầu tư cho giáo dục cùng với khoa học công nghệ cũng đã có đóng góp quan trọng đến tăng trưởng trên cả phương diện số lượng và chất lượng. Đầu tư cho giáo dục đào tạo là tạo ra kiến thức mới, là nền tảng và động lực cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng hướng đến tính an toàn và bền vững. Cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật tài khóa, không để xảy ra tình trạng phá vỡ các kế hoạch ngân sách đã phê duyệt. Hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, trong đó chi hành chính cho bộ máy chính phủ được xem là khá “cồng kềnh” hiện nay bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi sự nghiệp từ ngân sách nhà nước.

Một vấn đề khác được đặt ra đó là, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ có thể phát triển hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, PPP tại Việt Nam mang lại hiệu quả chưa cao khi các dự án BOT đưa vào khai thác chưa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Vì vậy, Chính phủ cần xem lại các quy định pháp lý của các hình thức PPP và cần tăng cường giám sát có hiệu quả quản lý đầu tư công, các hình thứ đầu tư PPP và tạo môi trường thuận lợi để thu hút khu vực tư nhân tham gia các hình thức khác nhau của đầu tư PPP có hiệu quả. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư công và hệ thống theo dõi tập trung nhằm cải thiện chất lượng báo cáo đầu tư công, góp phần đưa ra những quyết định kịp thời để thực hiện các dự án hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hẹp bộ máy quản lý hành chính nhà nước nhằm giảm chi thường xuyên, đồng thời phải cải cách hoạt động doanh nghiệp nhà nước, vì đây là khu vực kém hiệu quả nhất trong đầu tư nhà nước. Cần tiếp tục tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng chỉ giữ một số ngành then chốt, giảm quy mô, đánh giá lại mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách doanh nghiệp để đảm bảo kinh doanh bình đẳng, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế.

Nguồn bài viết : ON Trực Tuyến

Top