Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Buổi tọa đàm và triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” được tổ chức từ sáng nay, 30/3. Sự kiện do Bộ GD&ĐT; Bộ TT&TT đồng tổ chức.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng đại diện từ hơn 100 trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT.
Tọa đàm phát triển nguôn nhân lực ICT trình độ cao được tổ chức với mục tiêu thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số lấy CNTT và TT làm nền tảng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Tại sự kiện, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Chủ trương này đã được nêu rõ trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 11, 12 và tới đây sẽ phải tiếp tục, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển".
"Nền kinh tế chuyển sang số hóa, chúng ta thấy rất nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ICT ngày càng có vai trò quan trọng nhưng cũng có thách thức rất lớn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay: "Vấn đề kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp không phải là vấn đề mới và các nước phát triển trên thế giới đã làm rất tốt, trở thành việc thường xuyên, thành nhu cầu tự thân. Các trường đại học như những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, luôn ý thức về thị trường, tư duy thị trường trong cung cấp nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp như là những bạn hàng của các cơ sở giáo dục đại học".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Truyền thống đào tạo của chúng ta là học trước thì làm sau, không biết thì hỏi thầy, học sách giáo khoa là chính, thầy dạy trò nghe, nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, đào tạo dài hạn là chính".
"Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, tự học để biết đến 70 – 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn. Tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới. Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, mô trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói
"Hôm nay chúng ta sẽ bàn về những đổi mới đào tạo đại học và nhân lực Việt Nam, đáp ứng tốt nhất cuộc cách mạng số, cuộc CMCN 40. Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa?", Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt câu hỏi.
Tọa đàm tập trung thảo luận 4 nội dung chính, trong đó nhấn mạnh vào thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong ngành ICT và thực trạng về sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2020, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030 trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Từ thực trạng này đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên trong nghiên cứu, đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên chuyên ngành ICT.
Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT đồng thời nâng cao nhận thức của các bên về gắn kết cung - cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học với đối tác doanh nghiệp ICT được tổ chức. Đồng thời, Triển lãm với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp lớn sử dụng nguồn nhân lực ICT sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Đồng thời, cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.
Nguồn bài viết : đấu bóng đá