Hà Tĩnh giảm 46 xã, dôi dư 1.589 người sau sáp nhập, đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm được 138 tỷ đồng tiền lương mỗi năm.
“Ai về ai ở?”
Hà Tĩnh đã sắp xếp lại 80 xã, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Sau sáp nhập có 1.589 người dôi dư phải nghỉ việc, và 300 cán bộ dôi dư chưa nghỉ, đang giải quyết dần theo giải pháp điều chuyển, tuyển dụng lên tỉnh, huyện và thay thế hưu trí…
Trụ sở xã Thạch Hương sau sáp nhập |
Ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) cho biết, với số lượng cán bộ dôi dư nhiều, Hà Tĩnh đặt ra câu hỏi “ai về ai ở”?.
“Bài toán khó được đặt ra. Ba xã cứ nhập thành một xã, có 3 ông bí thư, 3 ông chủ tịch, 3 chủ tịch hội phụ nữ, 3 bí thư đoàn thành niên… Vậy ai sẽ về, ai sẽ ở lại? Chúng tôi đã từng rất đau đầu trong việc sắp xếp cán bộ. Sau khi hoàn tất, bộ máy cấp xã ở Hà Tĩnh đang chạy êm ru, không có khúc mắc”, ông Cù Huy Cẩm nói.
Sau nửa năm đi vào hoạt động, bộ máy mới vừa kiện toàn nhưng đã cho thấy sự hiệu quả, đúng đắn từ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ông Võ Công Hàm, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, huyện có số xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh, đồng nghĩa với việc số lượng cán bộ dôi dư ra nhiều, nhưng thành công trong sáp nhật là nhờ chủ trương đúng, sự đồng thuận của nhân dân.
Ông Võ Công Hàm, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ |
“Nhiều cán bộ dôi dư ra, mỗi người cũng tâm tư nhiều lắm, nhưng có những chính sách hỗ trợ tốt nên họ chấp nhận nghỉ nhận hỗ trợ và tìm công việc mới, tạo điều kiện cho huyện sáp nhập xã thành công”, ông Hàm nói.
Theo Sở Nội vụ Hà Tĩnh, ngoài việc sáp nhập xã, theo chủ trương của Bộ Chính trị đưa công an chính quy về xã, giảm bớt đội ngũ công an xã. Điều này khiến cán bộ dôi dư ngày càng nhiều.
Sau khi nghiên cứu, các ban ngành tiến hành thống kê. Kết quả cho thấy có khoảng 80% những người nghỉ việc đa số là những người chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ tuổi để nghỉ hưu trước tuổi..
“Phần đa những người dôi dư là những người đang còn trẻ tuổi, gánh nặng trên vai họ còn có vợ, con, gia đình… Chúng tôi phải nghiên cứu kỹ, tâm lý cũng ảnh hưởng nặng nề. Họ nghỉ việc là mất mát lớn", ông Cù Huy Cẩm nói.
“Lãi” 138 tỷ tiền lương mỗi năm
Việc cán bộ “bỗng dưng” mất việc, dôi dư nhiều sau sáp nhập khiến các ban ngành ở Hà Tĩnh trăn trở nhiều.
Ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) |
Ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương, Hà Tĩnh đặt ra các chính sách hỗ trợ của địa phương. Hà Tĩnh đề ra Nghị quyết 127, sau đó sửa đổi bổ sung thành Nghị quyết 164, điều chỉnh đến mức, những người khác nghỉ việc, nhường chỗ cho việc bố trí cán bộ công chức cấp xã sáp nhập dôi dư thì cũng được hưởng chính sách này.
“Các ban ngành đã nghiên cứu theo từng độ tuổi, theo từng độ thiệt thòi, để đảm bảo làm sao cán bộ nghỉ việc thấy thoải mái, thỏa đáng và hưởng ứng chính sách của tỉnh”, ông Cù Huy Cẩm nói.
Ngoài việc tính tiền chế độ chính sách theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, cán bộ ở địa phương nghỉ việc được hưởng thêm 3 năm tiền lương tiếp theo (nghỉ từ ngày 1/1/2019 được hưởng lương đến 31/12/2021).
Theo Sở Nội vụ Hà Tĩnh, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong đội ngũ cán bộ, đơn vị đã cử người về từng xã, tính toán số tiền hỗ trợ cho từng người. Đơn vị đặt ra câu hỏi nếu ở lại họ được quyền lợi như thế nào, nếu nghỉ việc họ sẽ được hỗ trợ những gì?
Người dân đến làm thủ tục hành chính ở xã Lưu Vĩnh Sơn sau sáp nhập |
“Chính sách hỗ trợ tốt nên nhiều cán bộ đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc. Nếu cán bộ dôi dư không tự nguyện nghỉ việc thì sẽ phải bố trí chứ không thể bắt họ nghỉ việc được. Những cán bộ có dự kiến vào cấp ủy, vào HĐND khóa sau, sẽ cho tăng thêm cấp phó để bố trí giữ nguyên tiền lương, phụ cấp. Tổng số cán bộ công chức đang dôi dư theo quy định thì được phép kéo dài đến năm 2025”, ông Cẩm cho hay.
Tính đến nay, Hà Tĩnh đã chi trả 91 tỷ đồng cho người nghỉ việc. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, đây được xem như tiền “tạm ứng” trước để chi trả, xét về lâu dài sẽ lãi.
“Coi như đó là tiền tạm ứng lương của họ trước để chi trả. Sau này tỉnh sẽ không phải chi trả tiền lương hàng tháng cho những người nghỉ việc đó nữa. Giảm bớt được bộ máy thì sẽ giảm được nhiều chi phí liên quan, xét về lâu dài sẽ lãi lớn”, ông Cẩm nói.
Theo vị trưởng phòng, mỗi xã hằng năm cấp 3 tỷ để trả tiền lương. Sau sáp nhập giảm 46 xã tương đương giảm 138 tỷ đồng. Từ nay đến những năm về sau, Hà Tĩnh sẽ lãi được khoản này. Đồng thời chấp nhận trích ngân sách hỗ trợ cho những cán bộ nghỉ việc để kiện toàn lại bộ máy.
"Việc này tiết kiệm chi phí hành chính cực lớn. Ngoài quỹ tiền lương là 3 tỷ mỗi năm/xã, tất cả chi phí cho bộ máy hoạt động giảm đi rất nhiều, giảm người hưởng ngân sách của nhà nước…”, ông Cẩm nói thêm.
Thiện Lương
Trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn bài viết : Miền Nam