Từ Quảng Trị, người Mỹ ước nguyện hòa bình |
Người phụ nữ Mỹ với tình yêu bất tận dành cho nghệ thuật Việt Nam |
Chúng tôi gặp Dick Hughes vào một ngày thu tháng 10/2024 tại Hà Nội, đây là lần thứ tư ông trở lại Việt Nam. Khi hỏi về những dự định sắp tới, Dick Hughes kể về hành trình đến với trẻ em đường phố, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và những dự định để tiếp nối hành trình đó.
Dick Hughes kể:
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những bản tin chiến sự trên truyền hình và những buổi học phản chiến đã thôi thúc trong ông ý nghĩ “phải làm một điều gì đó cho Việt Nam”. Tháng 4/1968, Dick Hughes đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). "Tôi chọn đến Việt Nam vì muốn tìm hiểu thực tế về cuộc chiến tại Việt Nam, bởi lúc đó, tôi cũng như nhiều người Mỹ khác chỉ nhìn Việt Nam qua truyền hình, chứ không hiểu gì về con người nơi đây”, Dick nói.
Diễn viên, giảng viên đại học và nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ Richard Hughes (thường gọi là Dick Hughes) trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Thời Đại. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Những ngày ở Sài Gòn, ông nhìn thấy nhiều trẻ em lang thang trên đường phố. Ông hỏi thăm và biết đa số các em không biết gia đình mình ở đâu, và nếu bị bắt thì cảnh sát sẽ đưa vào tù hoặc trại tế bần. “Lúc đó, tôi chợt lóe lên ý tưởng về việc giúp đỡ những đứa trẻ bụi đời”, ông nói. Dick quyết định không trở lại Mỹ bằng chuyến bay khứ hồi mà dành tiền để thuê một căn phòng trên đường Phạm Ngũ Lão, với ý định biến nơi đây trở thành nơi để các trẻ đánh giày, bán báo ngả lưng vào ban đêm.
Hàng ngày, Dick xuống đường gặp, thuyết phục những đứa trẻ lang thang nơi đầu đường xó chợ đến tắm rửa và ngủ lại tại căn phòng của ông. Ban đầu, chỉ có 11 em đến tạm trú, sau đó đông dần. Từ một căn phòng trên đường Phạm Ngũ Lão, Dick đã thuê thêm một căn nhà ở đường Ngô Tùng Châu, rồi Phạm Hồng Thái, Trịnh Minh Thế, Hi Vọng 5 và Hi Vọng 6. Suốt tám năm sống ở Việt Nam, Dick đã đón nhận khoảng 2.000 trẻ em bụi đời và lúc nào cũng có khoảng 300 em trú tại các căn nhà trên.
Cuồn album lưu giữ hình ảnh các trẻ em đường phố mà Dick Hughes từng cưu mang luôn nằm trong hành trang của ông mỗi khi trở lại Việt Nam. |
Thời gian đầu, kinh phí eo hẹp nên Dick chỉ cung cấp được cho các trẻ em lang thang sữa và bánh mỳ. Ông đã gửi thư để vận động nhiều nhà từ thiện ở Mỹ và nhận được đóng góp của họ. Năm 1970, khi các tờ báo nước ngoài biết đến chương trình trợ giúp thiếu niên đường phố của Dick, một số nhà hoạt động xã hội đã giúp ông thành lập Shoeshine Boy Project (tạm dịch: Dự án Cậu bé đánh giày) ở New York và chuyển những đóng góp của các nhà hảo tâm tại Mỹ về Sài Gòn.
Dick Hughes mong muốn biến các ngôi nhà trở thành gia đình cho những đứa trẻ nên chẳng có quy định nào tại đây. Đứa trẻ nào muốn đi học chữ thì ông cho đi học chữ, học nghề thì cho đi học nghề, còn không thì cứ tiếp tục đi đánh giày. Sau này, Dick tập trung đi vận động kinh phí, việc chăm sóc những đứa trẻ do những sinh viên tình nguyện Việt Nam lo. Ông tin rằng, người Việt sẽ hiểu và giúp người Việt tốt hơn. Ngoài Sài Gòn, Dick còn xây dựng hai ngôi nhà khác ở Đà Nẵng để giúp những đứa trẻ bụi đời.
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Dick về nước, giao lại các trung tâm bảo trợ trẻ bụi đời của mình cho chính quyền địa phương. Ông là người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào tháng 8/1976, 15 tháng sau khi chiến tranh chấm dứt.
Trong bài báo “Learning from the Vietnamese - and Giving” (tạm dịch: Học từ người Việt và cho đi) đăng trên tờ The New York Times số ngày 4/12/1976, Dick viết: “Tôi mang một món nợ lớn với dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam đã giúp tôi ổn định lại cuộc sống với bài học về tình anh em giản dị, hài hòa, về tình người và lòng cảm thông. Họ đã tô thêm chính nghĩa cho những việc tôi làm và tăng thêm ý nghĩa cho đời tôi”.
Dick Hughes quay lại Việt Nam nhiều lần, lần đầu tiên là vào năm 2001. Mỗi lần, ông ở lại khoảng năm hoặc sáu tuần để thăm hỏi, chứng kiến cuộc sống mới của nhiều đứa trẻ mà ông từng cưu mang.
Dick Hughes gặp lại những "người em" mà ông từng cưu mang trong lần trở lại Việt Nam vào năm 2007. (Ảnh: NVCC) |
Kể từ năm 2016, Dick trở lại Việt Nam với mục đích khác, đó là tập trung hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Trong hành trang khi trở lại Việt Nam, lúc nào ông cũng mang theo cuốn album hình ảnh cũ về những đứa trẻ. “Đó là những kỷ vật vô giá đối với tôi. Hình ảnh những đứa trẻ ngày xưa tạo động lực để tôi thực hiện dự án giúp đỡ nạn nhân da cam bây giờ”.
Năm 2024, ông trở lại Việt Nam lần thứ tư, đi qua nhiều thành phố từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị đến Đà Lạt. Lần trở lại này, ông ghé thăm một số trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đồng thời, ông tập trung vận động, gây quỹ từ cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Số tiền gây quỹ sẽ được gửi trực tiếp đến Hội Nạn nhân chất độc da cam.
Chia sẻ về lý do thực hiện hoạt động gây quỹ từ các doanh nghiệp, ông nói: “Mỹ đã chi tiền để làm sạch dioxin tại các sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, nhưng lại dành rất ít cho các nạn nhân. Khoảng 80% số tiền dành cho công việc làm sạch và chỉ 20% cho các nạn nhân. Vì vậy, tôi đang tìm đến khu vực tư nhân để bù đắp phần thiếu hụt đó”.
Ngày 10/10, Dick Hughes tham gia buổi trò chuyện “Lắng nghe tiếng gọi trực giác: Chất độc màu da cam – Những tiếng nói của sức mạnh, sự kiên cường và vận động chính sách” được tổ chức tại Trường Đại học Fullbright Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Ngày 10/10, Dick Hughes tham gia buổi trò chuyện “Lắng nghe tiếng gọi trực giác: Chất độc màu da cam - Những tiếng nói của sức mạnh, sự kiên cường và vận động chính sách” được tổ chức tại Trường Đại học Fullbright Việt Nam. Tại đây, ông đã chia sẻ hành trình giúp đỡ trẻ em đường phố tại Việt Nam và lắng nghe câu chuyện vươn lên trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam.
Tại Quảng Trị, ông đã thăm RENEW, dự án tập trung phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh với trọng tâm là giải quyết bom mìn chưa nổ. Ông đã thảo luận về đề xuất thành lập nhóm Người bạn Việt Nam của Nạn nhân Da cam (FAOV), nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy hoạt động gây quỹ cho các nạn nhân.
Dick Hughes thăm tổ chức RENEW để thảo luận về đề xuất thành lập nhóm Người bạn Việt Nam của Nạn nhân Da cam (FAOV), nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy hoạt động gây quỹ cho nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh: RENEW) |
Duck Hughes cho biết, sau khi trở lại Mỹ, ông sẽ tiếp tục cân bằng giữa sự nghiệp diễn xuất và các hoạt động gây quỹ. Ông nói: “Động lực của tôi là trao đổi những giá trị nhân văn giữa Việt Nam và Mỹ và góp phần tái thiết cả về vật chất lẫn tinh thần tại Việt Nam sau chiến tranh”.
Tâm nguyện giúp trẻ em khó khăn của những người Mỹ yêu đất nước Việt Nam Theo chân các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C, phóng viên TTXVN đã đến thăm gia đình ông bà Schmitt, một gia đình người Mỹ có nhiều tình cảm đặc biệt với Việt Nam, cũng là người bạn thân thiết của Đại sứ quán Việt Nam đã hơn chục năm nay. |
5 năm vun đắp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ Ngày 12/10 (giờ Mỹ), Phòng thương mại Việt - Mỹ (The US-Vietnam General Chamber of Commerce) đã tổ chức thành công sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển với sự tham dự của hơn 300 khách tham dự. |