Bài 5: Biểu tượng của tự do, hòa bình và lòng nhân ái

2024-12-20 20:29:44

Từ tình cảm và sự ủng hộ lớn lao của đất nước Cuba cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam, mà biểu tượng lớn nhất là sự kiện Chủ tịch Cuba Fidel Castro, vị nguyên thủ đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, mối quan hệ, tình hữu nghị hợp tác và đoàn kết thủy chung giữa hai đất nước luôn được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh và được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Trên đường phát triển, người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ vô tư, chí tình của lãnh đạo và Nhân dân Cuba anh em, cùng chia sẻ với những khó khăn hiện tại mà đất nước bạn đang gặp phải.

Có thể nói, sau khi cách mạng Cuba thành công, lật đổ chế độ độc tài Batista phản động và thiết lập chính quyền mới của nhân dân lao động, Cộng hòa Cuba gặp phải muôn vàn khó khăn do bị bao vây, cấm vận. Cơ sở hạ tầng của Cuba chưa phát triển, tình trạng thiếu năng lượng kéo dài, ngành vận tải trì trệ, một số nhà máy phải đóng cửa. Đảng Cộng sản Cuba, đứng đầu là Chủ tịch Fidel Castro đã chèo lái “Con tàu Cuba” vượt qua thác ghềnh, giông bão; tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành tấm gương cách mạng cho các dân tộc yêu chuộng hoà bình, độc lập tự do trên thế giới. Nền kinh tế Cuba hiện nay đang phục hồi vững chắc. Các ngành năng lượng, du lịch, khai khoáng, mía đường, cơ khí, nông nghiệp, chăn nuôi... từng bước phát triển và hiện đại hóa. Các ngành giáo dục, y tế, thể thao có thế mạnh nổi bật, đang được duy trì và phát triển.

Mới đây, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ vào tháng 4/2023, lãnh tụ cách mạng Cuba, Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã chào mừng vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Cuba ngay sau khi Cuba tổ chức Tổng tuyển cử thành công Quốc hội khóa X nhiệm kỳ 2023-2028 và hoàn tất quá trình kiện toàn Ban lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ mới. Chuyến thăm vào thời điểm này thể hiện tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đặc biệt giữa hai nước, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Cuba.

Xúc động chia sẻ kỷ niệm không bao giờ quên khi đến Việt Nam năm 1966 và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Raúl Castro Ruz khẳng định cuộc đấu tranh anh dũng của Nhân dân Việt Nam luôn là nguồn cổ vũ to lớn và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là hình mẫu đối với Cuba. Vì thế hai bên cần tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt do lãnh tụ Hồ Chí Minh và Fidel Castro đặt nền móng và truyền lại cho các thế hệ sau.

Lãnh đạo hai nước Việt Nam - Cuba cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các hoạt động kỷ niệm 50 năm chuyến thăm vùng giải phóng tại Quảng Trị của lãnh tụ Fidel Castro (9/1973) và 60 năm thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (9/1963) sẽ được tổ chức tại Cuba và Việt Nam. Đây là dịp để Việt Nam và Cuba cùng tôn vinh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đoàn kết thủy chung; khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ trước sau như một của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp chính nghĩa của Cuba. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với Cuba trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, chống bao vây, cấm vận; tiếp tục hỗ trợ Cuba về lương thực.

Trong mỗi người Việt Nam hôm nay luôn biết được rằng, ở bên kia bán cầu, lãnh đạo và Nhân dân Cuba anh em vẫn luôn dõi theo mỗi bước phát triển về mọi mặt của Việt Nam. Đã có nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao, các đoàn thể nhân dân Cuba đến thăm đất nước Việt Nam sau chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước trong hòa bình.

Nhiều đại biểu Cuba bày tỏ xúc động khi biết rằng ở miền đất Quảng Trị, hằng năm đến ngày sinh nhật của Chủ tịch Fidel Castro, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đều tổ chức dâng hoa tại tượng đài Fidel Castro ở công viên Fidel để tưởng nhớ công ơn, những đóng góp to lớn của vị lãnh tụ đáng kính và Nhân dân Cuba đã ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ với những khó khăn mà các bạn Cuba đang phải đối mặt, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự kiên cường, đoàn kết của Nhân dân, Cuba sẽ sớm vượt qua khó khăn do bao vây, cấm vận gây ra và gặt hái được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực trong thời gian tới. Người dân cũng như lãnh đạo hai nước đang làm hết sức mình để góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó thủy chung, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và phát huy hơn nữa truyền thống của hai quốc gia, dân tộc trong thời kỳ mới.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cách đây 50 năm về trước khi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân lúc đó mới còn là một cậu bé sống ở Đặc khu Vĩnh Linh. 50 năm sau, anh được đến thăm đất nước Cuba với tư cách là một nhà báo và chính anh cũng là người được Bộ Biên tập Báo Nhân Dân cử đưa đồng nghiệp của mình, nhà báo Arlin Alberty Loforte, Phó Tổng Biên tập Báo Granma - Cuba đến thăm Quảng Trị, nơi từng in dấu chân lãnh tụ Cuba khi vùng đất này vừa mới được giải phóng.
Vào những ngày khi chúng tôi chuẩn bị cho các số báo kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, anh đã chia sẻ với chúng tôi về những gì anh tận mắt nhìn thấy ở đất nước Cuba anh em cũng như niềm tin của người dân Cuba về tương lai tươi sáng của hòn đảo biểu tượng của tự do, hòa bình và lòng nhân ái.

Nhà báo Đinh Như Hoan cho biết, cách đây ba năm anh được đi thăm Cuba, lúc đó đất nước bạn đang ở vào thời khó khăn nhất về kinh tế kể từ khi cách mạng thành công. Đó là thời điểm Mỹ siết lại cấm vận với đảo quốc vùng Caribe này. Hình ảnh có thể thấy rõ nhất là tới các cửa hàng bách hóa tổng hợp, thấy người dân xếp hàng dài chờ mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

Cuba là quốc gia bị Mỹ cấm vận một cách khốc liệt và lâu dài kể từ năm 1962, khi cuộc đổ bộ vào vịnh Con Lợn do họ hậu thuẫn thất bại. Mãi đến năm 2014, dưới thời Tổng thống B. Obama, hưởng ứng kêu gọi của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Mỹ triển khai lộ trình bình thường hóa quan hệ với Cuba. Khi đó, du lịch là ngành tiên phong mở cửa và lượng người Mỹ đến Cuba tăng rất nhanh, đông thứ hai sau Canada và chủ yếu đi bằng tàu biển. Nhưng rồi khi Tổng thống D.Trump lên cầm quyền đã bác quyết định của vị tiền nhiệm khi ban lệnh cấm tàu biển đưa khách đến Cuba, đóng lại cánh cửa vừa hé ra cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Lệnh cấm này lập tức khiến mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế của ngành du lịch Cuba khó đạt. Và như bình luận của hãng AFP: Đây là đòn giáng nặng nề đối với du lịch Cuba, có thể làm đảo quốc tổn thất hàng chục triệu USD mỗi năm. Nhiều chuyên gia cho rằng với lệnh cấm này Mỹ đã tiến công vào luật pháp quốc tế, hòng làm ngạt thở nền kinh tế và phá hủy mức sống của người dân Cuba để giành lấy những nhượng bộ về chính trị. Nhiều người dân Cuba bình thản cho rằng: “Chúng tôi đã và vẫn sống chung với nó (chỉ sự cấm vận của Mỹ) như một kẻ hàng xóm xấu tính, chỉ đề phòng chứ không sợ”.

Có lẽ Cuba là một trong số ít nước vẫn hiên ngang bất chấp sự bao vây, cấm vận của Mỹ. Thế giới đang chứng kiến một Cuba khó khăn nhưng không hề kiệt quệ. Kể từ khi chính sách cấm vận của Mỹ bắt đầu cho đến nay, dù tổn thất ước tính hàng nghìn tỉ USD, Cuba vẫn là nỗi “ghen tỵ” của những quốc gia giàu có. Cuba tập trung đầu tư cho y tế và giáo dục. Riêng giáo dục chiếm 12,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tất cả mọi người dân đều được chăm sóc y tế miễn phí và ở Cuba cứ 1.000 người dân thì có 8 bác sĩ. Đất nước này cũng có những đặc sản nổi tiếng thế giới như cigar, rượu rum và những vũ điệu đặc trưng vùng Caribe. Người dân Cuba là những người hạnh phúc và tuổi thọ trung bình vào loại cao nhất thế giới (79 tuổi).

Trong các thành tựu của đất nước Cuba, có lẽ thành tựu vượt trội là về y tế. Dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Cuba vẫn gửi hàng nghìn thầy thuốc đến các nước xa xôi, nghèo đói trên thế giới, nhất là khu vực Mỹ la-tinh, châu Phi và châu Á. Nhân loại vẫn chưa quên năm 2014, đại dịch Ebola hoành hành ở châu Phi, Cuba đã cử hàng trăm thầy thuốc đến nhiều quốc gia trực tiếp cứu trợ và tập huấn.

Nhiều người dân Mỹ cũng không thể quên trận bão Katrina năm 2005, họ được cứu sống nhờ những thầy thuốc từ Cuba vượt biển kịp thời có mặt.

Từ trong sâu thẳm của những người Việt Nam đi qua chiến tranh, không ai có thể quên câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵng sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sẽ còn đọng mãi trong tim người Việt Nam hình ảnh Chủ tịch Cuba Fidel Castro, vị nguyên thủ đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng đất Quảng Trị mới được giải phóng. Và lời phát biểu của ông tại Cao điểm 241 (tháng 9/1973) thật là hào sảng, xây đắp niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: “Nhân dân Cuba chúng tôi đã từng ngày dõi theo cuộc đấu tranh quên mình của Nhân dân Việt Nam…

Và hôm nay, Cuba lấy làm vinh dự là nước bạn đầu tiên, là Chính phủ đầu tiên cử một đoàn đại biểu chính thức đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đoàn đại biểu chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được có cuộc gặp này với những chiến sĩ anh hùng như các bạn, với một dân tộc anh hùng như Nhân dân miền Nam Việt Nam. Không một dân tộc nào trong thời đại ngày nay chiến đấu gian khổ, kiên cường như Nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của mình…

Và thực tế hơn 50 năm qua, trên mảnh đất mà người anh hùng Cuba Fidel Castro từng đến thăm, bằng khối óc và bàn tay cần cù lao động, sáng tạo của Nhân dân Quảng Trị, cuộc sống đã đơm hoa kết trái, nơi diễn ra kỳ tích “thép nở hoa” - sự sống bật dậy từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Tôi đem ý nghĩ của mình chia sẻ với các đồng nghiệp: “Từ trong sâu thẳm của lịch sử, từ trong khát vọng của Nhân dân và bạn bè quốc tế, mảnh đất Quảng Trị đã là hiện thân cho biểu tượng khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, của nhân loại”.

Và cũng từ Quảng Trị, nơi nhà báo Đinh Như Hoan đưa các đồng nghiệp Báo Granma - Cuba đến thăm, anh nói về đất nước Cuba mà như nói với lòng mình: “Câu chuyện của đất nước Cuba hôm nay khiến tôi nhớ về hình ảnh con tàu giải phóng Granma hơn 60 năm trước. Dù tổn thất nặng nề, chỉ còn vỏn vẹn 12 chiến binh nhưng Fidel Castro và đồng đội đã vượt mọi hy sinh, gian khổ xây dựng lực lượng lớn mạnh để ba năm sau làm một cuộc quyết chiến rung chuyển địa cầu, đưa Cuba thành hòn đảo của Tự do. Con tàu cách mạng năm ấy giờ đã thành một chiến hạm sừng sững giữa biển bao la, trở thành biểu tượng của tự do, hòa bình và lòng nhân ái”.

Vâng, đã hơn 6 thập kỷ đi qua nhưng vẫn còn đó sừng sững con tàu cách mạng Cuba. Thời gian qua đi rồi sẽ có bao điều đổi thay. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và Cuba, lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng vươn tới tự do và hạnh phúc.

PHƯƠNG MINH - LÂM THANH - TÚ LINH - HOÀI HƯƠNG

Ảnh và video: Sĩ Sô, TTXVN, Minh Đức, Trần Tuyền, Lê Trường

Trình bày: Hoài Nam

Theo Báo Quảng Trị

https://baoquangtri.vn/chinh-tri/moi-quan-he-huu-nghi-hop-tac-viet-nam-cuba-bai-5-bieu-tuong-cua-tu-do-hoa-binh-va-long-nhan-ai/177545.htm

Top