CEO ứng dụng Rada: “Có nên cho Asanzo một cơ hội làm lại?”

2025-01-17 20:39:34
ictnews CEO ứng dụng Rada Mã Hoàng Hải cho rằng, giấc mơ chinh phục nhãn hiệu, thương hiệu tivi Việt Nam luôn là một giấc mơ đẹp và thách thức hàng thập kỷ qua. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận theo hướng hình sự hóa có thể thương hiệu Asanzo sẽ biến mất trên thị trường.

Ngày 22/6, Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.

Sự việc này dấy lên sau khi trên một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Trước vấn đề của Asanzo, CEO ứng dụng Rada Mã Hoàng Hải cho rằng tivi là một sản phẩm biểu tượng đối với ngành điện tử của bất cứ quốc gia nào. Trên thực tế, hiếm có một gia đình nào ở mảnh đất hình chữ S thân thương thiếu vắng một chiếc tivi. Vì vậy giấc mơ chinh phục nhãn hiệu, thương hiệu tivi Việt Nam luôn là một giấc mơ đẹp và thách thức hàng thập kỷ qua.

“Hẳn bạn sẽ còn nhớ tới những thương hiệu tivi một thời của Việt Nam như HANEL, (Viettronics Tân Bình) và nay là Asanzo. Kết luận về Asanzo đúng sai như thế nào, mình không bàn tới ở đây. Việc đó sẽ có các cơ quan chức năng cùng sự giám sát của báo chí. Nhưng chúng ta đề cập tới một khía cạnh khác là chúng ta nên và sẽ làm gì tiếp theo đây. Thứ nhất tiếp tục ủng hộ Asanzo sau khi đã hướng dẫn họ làm đúng và chuẩn chỉ để tiếp tục sử dụng sản phẩm của hãng này. Thứ hai tiếp cận theo xu thế "Hình sự hóa" thì hãng sẽ phải trả giá đắt và có thể là sự biến mất hoàn toàn thương hiệu tivi Asanzo. Riêng tôi sẽ chọn phương án thứ nhất”, ông Mã Hoàng Hải nói.

Trên mạng xã hội, Chủ tịch Misa Lữ Thành Long cũng đặt câu hỏi giả dụ là nếu đó là lỗi thật của Asanzo thì sau khi dẹp doanh nghiệp này đi Nhà nước sẽ được lợi gì? Người lao động của Asanzo sẽ được lợi gì? Người tiêu dùng sẽ được lợi gì?

Trên diễn đàn Otofun, một chủ đề được bàn tán nhiều nhất là chuyện “Xuất xứ Việt nam” hay “Made in Vietnam” của Asanzo. Một bài viết nhận được khá nhiều bình luận khi đưa ra lập luận khẳng định hiện nay trên thế giới hầu như không còn một sản phẩm nào được sản xuất 100% từ một nước duy nhất. Đến cây lúa Việt Nam nhìn thì thuần Việt hoàn toàn thực ra cũng có không ít yếu tố nước ngoài: giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Vì thế nên cái chỉ dẫn “made in” dù là China, Japan hay Korea đều là tương đối cũng vì vậy mà thế giới phải thỏa thuận và quy định các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa.

Bài viết này đưa ra 3 tiêu chuẩn cơ bản: thứ nhất bất cứ một hàng hóa nào muốn dán nhãn “made in…” thì đều phải được hoàn thiện đến mức sử dụng được tại nước đó. Tất cả các công đoạn sau đều không được chấp nhận. Chẳng hạn anh nhập một cái tivi nguyên chiếc về rồi đóng vào thùng thì cái tivi đó không thể dán nhãn “made in Vietnam”.

Thứ hai, quá trình gia công sản xuất phải “thay đổi bản chất các nguyên liệu được đưa vào”, nghĩa là các linh kiện, chất, phụ gia… phải được pha trộn, lắp ráp… và cho ra một bản chất khác hẳn so với đầu vào. Nếu chỉ có thay đổi hình thức thì không được. Chẳng hạn anh có thể nhập téc bia 1000l về đóng vào chai nhỏ đem bán, cái đó cũng có thể gọi là gia công nhưng không thể gọi là “sản xuất lại Việt Nam’ vì đầu ra không thay đổi bản chất đầu vào.

Thứ ba, khi đã đạt được hai điều kiện trên thì một sản phẩm muốn đạt điều kiện “made in” một nước nào đó phải thỏa mãn điều kiện thứ ba, cũng là điều kiện khó nhất là quy định 40%.

Cho dù có rất nhiều bình luận được đưa ra, nhưng hầu hết đều thống nhất quan điểm doanh nghiệp hãy minh bạch sản phẩm của mình đến với người dùng Việt Nam. Điều quan trọng nhất là người dùng sẽ quyết định sản phẩm đó có phù hợp với họ hay không.

Nguồn bài viết : Cổng Games

Top