Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên tại thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Trí Đại, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu bật 4 giải pháp trọng tâm, là định hướng chung để các địa phương, đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại Bảo hiểm Xã hội thành phố, đơn vị tập trung vào chống lãng phí trong xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, chi đúng mục đích, hiệu quả, mỗi năm tiết kiệm chi từ 10-15% theo yêu cầu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhân viên đều thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan về sử dụng tài sản công, sử dụng ôtô, tiết kiệm điện, nước…
Để chống lãng phí về mặt thời gian, ngành Bảo hiểm Xã hội đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính, rút gọn các quy trình, nghiệp vụ để giảm thời gian xử lý hồ sơ cho người dân.
Ngoài ra, để chống lãng phí về nguồn nhân lực, đơn vị đã tính toán, sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý, “đúng người, đúng việc” để tận dụng hiệu quả chuyên môn, nghiệp vụ của từng người.
Thời gian tới, ông Nguyễn Trí Đại cho biết Đảng bộ Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhận diện những lĩnh vực có thể còn gây lãng phí để đưa vào nghị quyết của Đảng bộ; đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, thực hiện theo bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí tại công sở; mục tiêu để mỗi cán bộ, nhân viên Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng đều thực hành và tự xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí.
Còn theo ông Lê Tự Cư, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, đơn vị luôn chú trọng thực hiện công tác tiết kiệm, phòng, chống lãng phí đến toàn bộ đảng viên, cán bộ, công chức.
Tại các hội nghị, buổi họp của đơn vị đều ứng dụng công nghệ thông tin, gửi báo cáo qua mã QR code để tiết kiệm giấy in. Về lưu trữ hồ sơ thì hiện nay đơn vị đã sử dụng máy scan để lưu trữ hồ sơ số chứ không cần photo nhiều bản giấy như trước.
Những năm qua, nhằm tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian và nguồn lực, ngành Thuế đã ứng dụng nhiều công nghệ trong hoạt động chuyên môn như: Sử dụng hóa đơn điện tử, biên lai thuế điện tử, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm eTax Mobile…
Đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí, Chi cục sẽ thực hiện, làm theo 4 giải pháp chống lãng phí mà bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu.
Đồng tình với bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Phạm Trường Sơn, Bí thư Quận ủy Sơn Trà, cho biết Quận ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, kiên quyết chống lối sống xa hoa, phô trương, lãng phí.
Hằng năm, Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà đều ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn quận; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm, đầu tư công và sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí.
Đồng thời, quận yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở; tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Ông Phạm Trường Sơn cũng cho biết, thời gian tới, Quận ủy, Ủy ban Nhân dân quận Sơn Trà sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công./.
Theo Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ, lãng phí được coi là một "căn bệnh" nguy hiểm, khó nhận diện hơn so với tham nhũng.