Ngày 1/2, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường hàng hóa tiêu dùng khá sôi động; trong đó, nhiều nhóm ngành hàng có sức mua tăng cao hơn ngày thường.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Lễ ông Công ông Táo (23 tháng Chạp Âm lịch), các đơn vị bán buôn cũng tăng nguồn hàng nhập về điểm bán lẻ và chợ truyền thống.
Cụ thể, tại mạng lưới chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Quách Thị Trang, Hòa Hưng, An Đông... xuất hiện nhiều điểm bán mặt hàng chè trôi nước hơn ngày thường, vì đây là một trong những món truyền thống được người dân Việt dùng trong ngày ông Công ông Táo.
Mặt hàng chè trôi nước được kinh doanh đa dạng chủng loại, kích cỡ, màu sắc và chế biến từ phong phú nguyên vật liệu hơn những năm trước.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng chè trôi nước truyền thống có kích cỡ loại nhỏ với giá phổ biến là 25.000 đồng/combo 3 viên, loại trung là 35.000 đồng/combo 3 viên và loại lớn là 50.000 đồng/combo 3 viên.
Bên cạnh đó, trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện đa dạng mặt hàng chè trôi nước với vỏ bánh chế biến từ lá dứa, trái gấc, hoa đậu biếc... có màu sắc tự nhiên rực rỡ với giá cao hơn mặt hàng chè trôi nước truyền thống từ 10.000-20.000 đồng/combo.
Trước xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo lối sống xanh, bảo vệ môi trường... nên một số đơn vị kinh doanh mặt hàng chè trôi nước còn tung thị trường sản phẩm chè trôi nước cá chép với nhiều kích cỡ và giá dao động phổ biến từ 60.000 - 95.000 đồng/combo.
Những sản phẩm chè trôi nước cá chép được chế biến sinh động, nhiều màu sắc tạo được sức hút trên thị trường trong dịp ngày ông Công ông Táo năm nay.
Cùng với mặt hàng chè trôi nước, dịp này không thể thiếu một số vật phẩm như kẹo thèo lèo, xôi, bánh... nên tại khu vực kinh doanh những sản phẩm này cũng tấp nập khách hàng mua sắm.
Những sản phẩm này cũng được thiết kế combo và tùy theo trọng lượng có giá bán khác nhau như 50.000 đồng/combo, 80.000 đồng/combo, 120.000 đồng/combo... gồm sản phẩm kẹo thèo lèo kèm theo giấy tiền vàng mã, nhang đèn...
Hòa trong không khí bán buôn hàng hóa tiêu dùng dịp ngày ông Công ông Táo cũng sôi động ở các ngành hàng hoa tươi cắt cành, trái cây các loại, thực phẩm chế biến sẵn, giấy tiền vàng mã...
Ở ngành hàng hoa tươi cắt cành, số lượng hoa vạn thọ được nhập về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp đôi và gấp ba ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Về giá cả thì năm nay, mặt hàng hoa vạn thọ có giá không tăng đáng kể so với dịp ngày ông Công, ông Táo năm 2023, với giá dao động phổ biến từ mức 10.000- 15.000 đồng/cây.
Trong khi đó, những chủng loại hoa tươi cắt cành khác như cúc các loại, hướng dương, cát tường, cẩm chướng, ly ly... có giá bán ổn định và nguồn cung dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ở ngành hàng trái cây, nhiều thương nhân, tiểu thương và đơn vị kinh doanh cũng ưu tiên tăng số lượng những mặt hàng phục vụ thị trường dịp ông Công, ông Táo, đồng thời đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ưu tiên hàng hóa nội địa.
Điển hình, một số loại trái cây, gồm: quýt đường có giá bán lẻ 40.000 đồng/kg, quýt thái 35.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 70.000 đồng/kg, thanh long 35.000 đồng/kg, mãng cầu 80.000 đồng/kg, vú sữa Lò Rèn 60.000 đồng/kg...
Càng gần tới ngày ông Công ông Táo, một trong những vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc - làng cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) lại rộn ràng với vụ thu hoạch cuối cùng trong năm.
Chị Thanh Hương, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại sức mua ở chợ truyền thống thấp nên tiểu thương, thương nhân khá cẩn trọng khi nhập hàng về chợ bán lẻ, cũng như nỗ lực bình ổn giá tốt nhất có thể để giữ chân người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây tại chợ chỉ hoạt động bán buôn nhộn nhịp vào buổi sáng nên tiểu thương, thương nhân nào không có chính sách giá và chất lượng phục vụ tốt với khách hàng thì hoạt động bán buôn sẽ bị ảnh hưởng về doanh số.
Tương tự, ông Tấn Minh, chủ quầy sạp kinh doanh tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong dịp ngày ông Công ông Táo năm nay, chú trọng dịch vụ bán hàng theo combo và giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Hay nói cách khác, ngoài những mặt hàng kinh doanh tại quầy sạp, tiểu thương, thương nhận mở dịch vụ "đi chợ" giúp người tiêu dùng với giá cả phải chăng dành cho một số combo sản phẩm như mâm cúng ông Công ông Táo; tất niên...
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Minh Hạnh, cư ngụ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với giới văn phòng vẫn duy trì chế độ làm việc theo lịch của cơ quan nhà nước, nên trên thị trường hàng hóa tiêu dùng xuất hiện kinh doanh phong phú combo phục vụ mâm cổ trong dịp Tết cổ truyền đã mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể đặt hàng theo yêu cầu và sự lựa phù hợp với phong tục tập quán vùng, miền nên đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân, nhất là cư dân thành thị.
Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các combo mâm cổ trong dịp Tết cổ truyền không dừng lại ở đảm bảo đầy đủ vật phẩm theo yêu cầu, cũng như tư vấn chi tiết theo vùng, miền, mà đơn vị kinh doanh còn giao hàng tận nơi theo khung giờ yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng lựa chọn những đơn vị kinh doanh uy tín dù là mua sắm ở mạng lưới chợ truyền thống hay kênh bán lẻ hiện đại, kể cả trên thị trường thương mại điện tử và mạng xã hội (facbook, zalo, tiktok...)./.
Nguồn bài viết : sổ kết quả miền bắc