Triển lãm “Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới" |
11 tập tục cổ truyền của Tết Nguyên đán Việt Nam |
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Nguyễn Đình, xã Nam Cường là nơi thờ tự 11 vị tổ; từ tổ Nguyễn Đình Dự (1599-1663) đến tổ Nguyễn Văn Dính (1905-1937). Trong số những vị tổ trên, tiêu biểu có 3 vị tổ: Nguyễn Đình Thực, Nguyễn Đình Khuê và Nguyễn Văn Lập là có nhiều công lao nhất trong công cuộc dựng làng, giữ nước, làm rạng danh dòng họ Nguyễn Đình trên đất thôn Đông.
Theo gia phả dòng họ, tổ Nguyễn Đình Thực là vị tổ đời thứ 10. Nhưng xét về công tích với dòng tộc thì ông là người đầu tiên đến thôn Đông để gây dựng cuộc sống và từng bước phát triển dòng họ. Nguyễn Đình Thực, hiệu là Phúc Thần là người có tư chất thông minh, học rộng, tài cao, làm quan dưới triều Lê - Trịnh, được ban sắc làm Tiến công Thứ lang, được bổ làm Huyện thừa Trung thuận. Tổ Nguyễn Đình Khuê, hiệu Công Bình, là vị tổ đời thứ 11. Ông là người có sức khỏe phi thường, làm quan dưới triều Lê - Trịnh, nhiều lần lập công lớn, được giữ chức Vệ uý, ban tước bá Quả cảm Tướng quân tòng tam phẩm.
Còn tổ Nguyễn Văn Lập, vị tổ đời thứ 14 là một người thông minh, văn võ toàn tài, làm quan dưới triều Vua Tự Đức, được ban sắc làm Trung tín, hiệu uý Định Dũng phó quân cơ. Bên cạnh những công lao đóng góp của 3 vị tổ trên, trong dòng họ Nguyễn Đình còn có nhiều người có phẩm hàm quan trọng trong triều đình nhà Lê - Trịnh, Nguyễn. Căn cứ các tư liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, đặc biệt là tấm bia “Trùng tu từ đường” được soạn khắc năm Duy Tân thứ 5 (1911) hiện lưu giữ tại di tích thì công trình Từ đường họ Nguyễn Đình được khởi dựng lần đầu vào năm 1759, người có công đứng ra tổ chức xây dựng là tổ Nguyễn Đình Thực. Ngôi từ đường ban đầu được xây dựng với quy mô nhỏ hẹp, lợp mái tranh, sau được xây gạch lợp ngói nam.
Ngày nay, Từ đường Nguyễn Đình được xây dựng trên một khuôn viên rộng 700m2, quay hướng Nam. Các hạng mục công trình được bố trí theo thứ tự gồm: hệ thống nghi môn, giếng, vườn, sân và công trình kiến trúc chính. Hệ thống nghi môn gồm 3 cổng ra vào. Cổng giữa xây 2 tầng; tầng trên xây kiểu “cổ đẳng” cuốn vành mai, mái lợp ngói nam, kìm nóc đắp hoạ tiết hoa lá cách điệu, phần có đẳng nhấn 4 chữ Hán “Nguyễn tộc từ đường”; tầng dưới là cổng chính xây cuốn vòm, 2 bên xây cột trụ. Từ đường họ Nguyễn Đình mặc dù được trùng tu, tôn tạo nhiều lần song công trình vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống, được dòng họ giữ gìn trang trọng. Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Đình đã phát triển cả về con người và công trình thờ tự.
Tính đến nay dòng họ Nguyễn Đình ở Nam Cường có khoảng hơn 200 hộ với gần 700 khẩu. Về công trình thờ tự thì ngoài từ đường ngành cả ở thôn Đông, hiện nay ở thôn Nguyễn, xã Nam Cường và thôn Bái, xã Nghĩa An, con cháu các chi, ngành còn xây dựng 5 ngôi từ chỉ để thờ cúng tổ tiên, tạo thành một hệ thống từ đường dòng họ Nguyễn Đình rộng lớn và quy mô. Không chỉ giữ gìn công trình thờ tự mà các lễ nghi tế tự, thờ cúng cũng được bảo tồn và tiếp nối cẩn trọng. Ngoài ra, vào khoảng trung tuần tháng 9 âm lịch, tại từ đường, chi hội khuyến học - khuyến tài họ Nguyễn Đình tổ chức tuyên dương, trao thưởng cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, để động viên, khích lệ các em vượt khó, phát huy truyền thống hiếu học.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Vũ Đình, xã Nam Cường. |
Ngoài di tích Từ đường Nguyễn Đình, xã Nam Cường còn có 2 ngôi từ đường khác cũng được xếp hạng di tích cấp tỉnh là Từ đường họ Vũ Đình thờ Thủy tổ Vũ Đình Dung - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân Ngân Già (1739-1740) và Từ đường họ Phạm thờ từ Thủy tổ Phạm Huyền Đức đến vị tổ thứ 5 Phạm Phúc Tín. Đây là dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người làm quan trong các triều đại phong kiến, đặc biệt là thời Lê. Hàng năm, tại từ đường Vũ Đình, con cháu trong họ duy trì tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian đặc sắc, tiêu biểu là nghi lễ “Giỗ trận” tổ chức ngày 21-11 (âm lịch) kỷ niệm ngày mất của thủ lĩnh Vũ Đình Dung và nghĩa quân cảm tử đề cao tinh thần cảm tử vì nước của nhân dân địa phương.
Từ đường họ Phạm, xã Nam Thái là di tích thờ vị Thủy tổ Phạm Phúc Hải - người đã có công chiêu tập nhân dân khai hoang lập ấp, lập ra thôn Phúc Hải vào thế kỷ XVII. Thuỷ tổ Phạm Phúc Hải, quê gốc ở Hải Dương là người giỏi võ nghệ, từng phục vụ triều đình nhà Lê Trung Hưng, lập nhiều công lớn và giữ các chức Võ Huân tướng quân, Tham đốc hộ quân, tước Phạm Trung hầu. Nối tiếp chí hướng của Phạm Phúc Hải, sau này con trai của ông là Huyện thừa huyện Can Lộc (Nghệ An) Phạm Phúc Cường đã tiếp tục quyên góp tiền, huy động sức dân xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Từ đường họ Phạm do tổ Phạm Phúc Cường xây dựng ngay trên mảnh đất mà cha ông đã dựng nhà để ở lúc sinh thời. Trải qua thời gian, đến nay thôn Phúc Hải có hơn 10 dòng họ từ nhiều nơi về đây sinh sống, lập nghiệp; trong đó, dòng họ Phạm có đông nhân khẩu nhất thôn. Từ đường họ Phạm được coi là từ đường ngành cả, thờ các vị thuỷ tổ buổi đầu về đây tạo dựng cuộc sống. Hàng năm, tại từ đường diễn ra các nghi thức tế lễ vào mỗi dịp giỗ các vị tổ nhằm tưởng nhớ tôn vinh những người đã có công khởi nguồn cho sự phát triển quê hương. Trong các ngày lễ, cùng với các nghi thức dâng hương, tế lễ, dòng họ còn kết hợp tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Thuỷ tổ cũng như truyền thống dòng họ, tổ chức lễ mừng thọ các cụ già cao tuổi trong họ, giáo dục con cháu về lòng hiếu kính người cao niên. Ngoài ra, còn có lễ đăng cơm mới, giã bánh dày dâng lên các vị tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn về một vụ mùa bội thu, “nhân khang vật thịnh”, con cháu làm ăn, học tập đạt kết quả cao.
Các di tích từ đường ở Nam Trực không chỉ là những công trình tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ mà còn là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa bảng của quê hương. Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, các cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trực đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá; tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội theo nếp sống văn minh, đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, tạo nền móng đời sống tinh thần vững chắc cho người dân./.
Đầu tư chiều sâu để phát huy giá trị Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ |
Tu bổ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật tại khu Di tích Hàm Rồng |