Người Nhật cho rằng, một người được xem là khỏe mạnh phải hội tụ những yếu tố sức khỏe thể chất lẫn tinh thần: không biết mệt mỏi, ngon ăn, ngủ ngon giấc, ký ức tốt, sắc mặt vui tươi, phán đoán và thực hành nhanh chóng, tin vào sự công bằng và thấu hiểu thế giới tự nhiên. Khi một con người bị cướp đi đời sống tinh thần thì trở nên vô cùng yếu ớt. Nghiên cứu của các nhà Tâm lý học cũng chỉ ra rằng, ký ức, kỷ niệm những năm đầu đời của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý của họ về sau.
Những kỷ niệm, ký ức những năm đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ sau này.
Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực chăm sóc, bồi bổ để con có một cơ thể khỏe mạnh, cha mẹ hãy đặc biệt quan tâm để vun đắp đời sống tinh thần cho con. Hãy nhớ rằng, trẻ chỉ thực sự khỏe mạnh khi có đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ, không sợ hãi, âu lo.
Mỗi ngày, chỉ với một số cách đơn giản, bạn đã mang lại cho con tình yêu thương – theo cách con mong muốn:
Tuyệt đối không “dán nhãn”
Khi còn là giáo viên tâm lý ở trường cấp 3, có lần tôi đã phải khuyên can một học sinh có ý định tự tử. Sau cả giờ đồng hồ tìm hiểu nguyên do, cuối cùng tôi cũng hiểu hành động dại dột của em một phần xuất phát từ những “nhãn dán” của người mẹ. Em không thiết sống, em ức chế, tuyệt vọng vì cảm thấy mình là đứa chẳng ra gì, không có ích cho ai. Mẹ em tối ngày mắng em là “đồ vô dụng, ngu như bò...”. Vâng, người ta thường dễ gán ghép cho trẻ những đặc điểm tiêu cực hơn là tích cực, mà hoàn toàn không lường trước được hậu quả về sau. “Đồ ngu”, “ đồ vô dụng”, “đồ lười biếng”... là những từ rất tệ hại mà một số cha mẹ thường dùng để quẳng vào con mình.
Trẻ bị "dán nhãn" dễ dẫn đến tự ti, yếu đuối.
Những đứa trẻ sẽ phải làm thế nào để thay đổi đặc điểm mà người lớn đã gán cho chúng? Đôi khi bằng cách trở thành người gần giống hoặc giống “nhãn” mà người lớn đã gán. Chính sự “dán nhãn” đó đã vô tình tạo nên những đứa trẻ nhút nhát, hung bạo, hư hỏng thật sự. Hãy nêu đúng bản chất sự việc, chứ không nên “dán nhãn” cho con. Con làm vỡ bát đĩa, đó là con sơ xuất, hoàn toàn không nên gán cho con từ “vô dụng, làm đâu vỡ đấy”; con không đạt điểm cao, đó là do khả năng của con chỉ đến đó, chứ không phải con là “đồ ngu”... Trước mặt người khác, nếu “dán nhãn” , hãy dùng từ tích cực về con “ thằng bé ngoan lắm”, “ con bé rất tình cảm”, “cháu khá thông minh”... Trẻ sẽ thích thú khi được khen và dần hun đúc sự tự tin. Mặt khác, trẻ cũng sẽ cố gắng để trở thành ngoan ngoãn, tình cảm...như bố mẹ mong đợi.
Con là một đứa trẻ đặc biệt và thú vị
Hãy cho con biết, bản thân con là một đứa trẻ đặc biệt và thú vị. Hãy cho trẻ biết, chúng có ý nghĩa không gì thay thế được đối với cha mẹ. Tuyệt đối không so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Khi con làm tốt một việc nào đó, hãy đừng tiếc lời khen. Bởi vì, lời khen có sức mạnh tạo động lực và sự tự tin ở trẻ.
Dành cho con cử chỉ và ánh nhìn âu yếm
Những cử chỉ âu yếm như vuốt tóc, hôn má, ôm ấp... của bố mẹ sẽ khiến con cảm thấy gần gũi và được yêu thương. Nó cũng là nền móng để trẻ trở thành người sống tình cảm, biết quan tâm đến người xung quanh. Đặc biệt, đừng “ném” về phía con những ánh nhìn bực tức hay hằn học, dù trẻ có làm sai bất kỳ điều gì. Ánh mắt thiếu thiện cảm sẽ tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con. Khi con không làm bạn hài lòng, hãy giải thích, phân tích cho trẻ bằng từ ngữ dễ hiểu, hơn là nhìn trẻ bằng “ánh mắt hình viên đạn” kiểu thù nghịch.
Dành cho con cử chỉ âu yếm mỗi ngày.
Vị tha khi con mắc lỗi
Ai cũng có thể mắc lỗi, ngay cả người già. Vì vậy, yêu cầu hay mong đợi những đứa trẻ hoàn hảo, không mắc lỗi là điều hoàn toàn phi lý. Hãy xem chuyện trẻ mắc lỗi là một lẽ tự nhiên. Khi con phạm sai lầm, cha mẹ không nên mắng chửi, sỉ vả bằng từ ngữ nặng nề. Thái độ tiêu cực của phụ huynh sẽ khiến con cảm thấy bị tổn thương. Bố mẹ càng không nên chỉ trích con trước mặt người khác, tránh làm trẻ xấu hổ, lâu dần dẫn đến tự ti. Cách tốt nhất là bố mẹ giải thích, phân tích nhẹ nhàng điểm chưa đúng, để định hướng cho con tự nhận ra lỗi và ghi nhớ để không tái phạm. Một điều quan trọng, trong một số trường hợp, người lớn chưa chắc đã đúng. Có thể bạn thấy điều trẻ làm là sai, nhưng trong tư duy non nớt của trẻ, điều đó là có lý do, hợp lý. Vì vậy mà cha mẹ phải tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi đưa ra kết luận, phán xét về việc làm của con.
Con được quyền lựa chọn và quyết định
Trong chừng mực có thể, hãy để con tham gia vào một số quyết định, nhất là những vấn đề liên quan đến con. Chẳng hạn như việc trẻ muốn mặc quần áo nào, đi giày nào khi ra ngoài, đi chơi đâu vào dịp hè, tặng quà sinh nhật gì cho bạn thân... hãy cho con cùng tham gia bàn bạc. Điều đó làm trẻ thấy hứng thú và ý thức được rằng mình là người quan trọng trong gia đình. Cũng thật tuyệt nếu bạn để con học cách ra quyết định dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Từ đây, “hạt giống” tự lập được “nảy mầm”.
Vỗ về trước và sau giấc ngủ
Ngủ trong cảm giác âu lo, sợ sệt hay cô đơn hoàn toàn không tốt đối với trẻ, khiến trẻ dễ gặp ác mộng. Cha mẹ hãy dành thời gian để bên cạnh trước khi con chìm vào giấc ngủ. Kể một câu chuyện vui, ru hay đọc một mẫu truyện cổ tích cho con nghe kèm theo một nụ hôn chúc ngủ ngon... sẽ khiến trẻ yên tâm, thoải mái tinh thần. Cũng như vậy, khi con tỉnh giấc, bố mẹ hãy vỗ về, hỏi han xem con ngủ có ngon không.
Vỗ về giấc ngủ của con.
Luôn bên con trong moi niềm vui, nỗi buồn
Trẻ cũng có niềm vui và nỗi buồn của riêng chúng. Đối với người lớn, có thể chuyện khiến con trẻ buồn thật...nực cười. Nhưng cha mẹ hãy tôn trọng và chia sẻ cùng con mọi vấn đề. Bất kể là chuyện bạn bè, trường lớp hay chuyện cãi cọ, va chạm với anh/chị/em... bố mẹ hãy đồng hành và cố gắng trở thành “người bạn thân thiết” của trẻ. Khi được con trẻ tin tưởng, bạn sẽ biết được khá nhiều bí mật thú vị của con. Đó cũng là cách để bạn quản lý khi con lớn, từ những tâm sự, sẻ chia từ chính con mình.
Một đứa trẻ khỏe mạnh, ngoài sức khỏe thể chất, sẽ luôn giữ được tâm trạng vui tươi, thoải mái. Ngoài ra, các bé còn tỏ ra tự tin, năng động.
Thực tế cho thấy, cách cư xử của bố mẹ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong việc khiến con trở thành người hạnh phúc hay u buồn, tự tin hay nhút nhát... Vì vậy, bạn hãy quan tâm nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cho con bằng tất thảy lòng yêu thương và vị tha của tình mẫu tử, để mỗi bước con đi đều vững chải, an yên!
Phạm Nhung
Nguồn bài viết : Điện toán 123 Thứ Ba