Xích lô “Không lo âu”: Hồn Việt hút khách Tây

2025-01-17 20:38:25

Ông Đỗ Anh Thư –​ Giám đốc công ty TNHH Xích lô du lịch Không Lo Âu

Năm nay vừa tròn 65 tuổi, ông Đỗ Anh Thư vẫn toát lên nét khỏe khoắn, mạnh mẽ điển hình ở người lao động Việt Nam. Nước da săn chắc, giọng nói sang sảng, cắt tóc húi cua, vận thêm bộ đồ thể thao có gắn logo của hãng xích lô Sans Souci Sarl, người lính Trường Sơn năm nào lại càng thêm phần rắn rỏi.

Hào hứng tâm sự về mối duyên với nghề xích lô đã gắn bó bao năm trời, ông Thư dường như sống lại thời trai trẻ đầy đam mê và hoài bão…

Từ ước mơ đứng lớp thuở thiếu thời

Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức, cậu bé Thư được kỳ vọng sẽ tiếp bước cha ông trên con đường học vấn. Ngay từ thuở cắp sách tới trường, mơ ước của cậu là trở thành một thầy giáo, để có ngày đỗ đạt, “quyền cao chức trọng” giống như ông cha 6 đời dòng họ Đỗ.

Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, ông được cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm rồi về giảng dạy ở Trường Lý luận nghiệp vụ và dạy xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cho cán bộ cấp xã ở Trường Ba đảm đang.

20 tuổi đời, Đỗ Anh Thư lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe trên cung đường Trường Sơn khói lửa. Ngày đất nước thống nhất, ông lặng lẽ trở về đời thường nung nấu quyết tâm thi đại học. Canh cánh ước mơ trở thành thầy giáo, chàng thanh niên họ Đỗ mày mò tìm kiếm tài liệu sách vở, tự học và thi đỗ vào khoa Sử, trường Đại học Sư phạm 1.

Ông Thư từng mơ ước được gắn bó trọn đời với sự nghiệp trồng người. (Ảnh: VnExpress)

Năm 1981, ông Thư tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi. Tự hào hơn, ông là một trong 2 học viên hạng ưu được nhà trường giới thiệu về Sở Giáo dục Hà Nội chờ phân việc. Rồi ông được phân công về giảng dạy ở trường Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), sau đó lại được điều về dạy tại trường cấp 3 Chu Văn An. Lúc bấy giờ, đang có phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Ông xung phong lên đường tiếp tục sự nghiệp làm thầy ở nơi xa xôi ấy.

Được vài năm, khi vùng kinh tế mới dần ổn định, ông Thư quay trở lại Hà Nội chờ phân công công tác. Tương lai sáng lạn tưởng như sắp mở ra trước mắt chàng thanh niên. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm mong ngóng chờ đợi, ông vẫn không nhận được hồi âm.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai người trí thức, nhất là khi đứa con đầu lòng ra đời lại hay đau ốm. Ông làm đủ nghề để mưu sinh. Ban ngày, thầy giáo trẻ vận sơ mi đi dạy. Đến ban đêm, ông lại đội mũ lụp xụp đạp xích lô.

Tới người giữ hồn cho phố cổ

Đội xích lô Sans Souci Sarl ngày mới thành lập. Ông Thư là người thứ 2 từ phải sang

Làm đủ nghề mà vẫn không đủ sống, ông Thư trăn trở nhiều đêm và quyết định sống trọn với nghiệp xích lô. Thiết nghĩ suốt mấy năm trời miệt mài trên giảng đường đại học khi tốt nghiệp lại đi làm “phu xe”, gia đình ông hoàn toàn phản đối, thậm chí tuyên bố từ mặt.

Nhưng với ông, đây là một nghề lao động rất đáng trân trọng và đồng tiền kiếm ra bằng chính mồ hôi của mình thì có gì phải hổ thẹn. “Ngày tôi mua xích lô, cả họ phản đối. Lúc đầu chỉ nghĩ là mình làm thêm, khi nào khá thì trở lại với nghề. Thế mà lại trở thành người đạp xích lô chuyên nghiệp” – ông Thư kể về thuở ban đầu đầy khó khăn, vất vả.

Năm 1990, ông thành lập đội xích lô Sans Souci Sarl chỉ có 7 người. Với quan điểm thống nhất là phải “tân trang” cho xe đẹp lên, mỗi ngày, sau các chuyến chở khách, họ lại cùng góp vào 5.000 đồng để cuối tháng mua thêm những tấm inox hay vải giả da, nệm mút để trang trí cho xe thêm đẹp.

Trong bối cảnh đất nước bắt đầu mở cửa, du khách nước ngoài háo hức tới Việt Nam nhưng còn rất ngại ngần khi khó tìm được một người lái xe biết ngoại ngữ. Họ cũng rất e dè khi nhìn thấy những chiếc xích lô thô kệch. Sans Souci Sarl – câu cửa miệng của người Pháp khi động viên người khác tự tin – đã tạo thiện cảm cho du khách ngay từ cái tên.

Để nhân viên có thể giao tiếp với du khách nước ngoài, ông Thư soạn thảo giáo trình tiếng Anh, Pháp phát cho từng tài xế. Để anh em dễ học và dễ nhớ, ông viết những câu đơn giản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp có phiên âm dịch nghĩa tiếng Việt để họ học trong lúc vắng khách. Chủ yếu là những câu cơ bản liên quan đến khách cần gì, ăn gì, ở đâu...

Thủ tướng Cộng hòa Séc Milos Zeman trên xích lô Sans Souci Sarl

Xe xích lô đẹp, các bác tài lại biết ngoại ngữ xã giao, tận tình phục vụ khách khiến xích lô Sans Souci Sarl đi lên trông thấy. Hãng xích lô của ông Thư nổi tiếng hơn khi được lên phim “Người Mỹ trầm lặng”. Không chỉ có thế, càng vinh dự hơn khi Sans Souci Sarl được đưa đón phái đoàn các nguyên thủ quốc gia.

Mấy ai tin được rằng, Thủ tướng Cộng hòa Séc Milos Zeman, Tổng thống Pháp Jacques Chirac, phái đoàn chính phủ Anh, phái đoàn Thủ tướng Singapore… đều đã từng một lần đặt chân lên những chiếc xích lô của người Việt. Có thể nói, đội xích lô “Không Lo Âu” đã góp phần mang 2 tiếng “Việt Nam” thân yêu đến với bạn bè thế giới.

Nuôi thương hiệu bằng cái tâm và chữ tín

Chính thức thành lập năm 2008, với quân số thường trực 167 xe, công ty TNHH Xích lô du lịch Sans Souci Sarl thường xuyên đưa đón khách hàng cho gần 200 công ty du lịch, lữ hành ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Các hãng du lịch nước ngoài cũng bắt đầu yêu mến, tìm đến công ty của ông Thư.

Nhiều người nước ngoài yêu thích dạo phố trên những chiếc xích lô "Không Lo Âu"

Trong niềm vui chung của công ty, ông giám đốc còn mừng hơn vì không còn lo nhân viên đói khổ nữa: “Niềm vui của người “cầm quân” là thấy anh em kiếm được cơm áo ổn định. Mình với anh em đã thống nhất một điều: đã gầy dựng nên Sans Souci thì phải giữ nó. Giữ bằng cái tâm, bằng chữ tín”.

Ngoài việc giữ chữ tín với các đối tác, nhân viên của Sans Souci Sarl luôn cố hết sức làm vừa lòng hành khách. Thái độ phục vụ tận tình, kinh nghiệm biết khách thích đi đâu, mua gì, chỗ nào cần chạy chậm để khách chụp ảnh… Tất cả đều thể hiện rõ trong bản quy định hơn 20 điều do các thành viên trong công ty soạn thảo.

Cả những việc nhỏ nhặt nhất cũng được xem xét, thưởng phạt phân minh. Những người bắt cướp, chở người bị nạn trên đường đi cấp cứu, trả lại của rơi cho khách đều được thưởng 10 lần đi ăn hỏi (tiền công cao hơn). 2 “trọng tội” là xin tiền và lấy đồ của khách hoàn toàn bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc.

Tất cả số tiền phạt thu được đều mang ủng hộ quỹ vì người nghèo. Số tiền thu được không lớn, nhưng thật đáng mừng vì ít nhân viên vi phạm nội quy. Ngoài ra, hình ảnh của Sans Souci Sarl cũng đẹp hơn khi có 30 chiếc làm thành viên đội xích lô cứu nạn của thành phố. Việc chở người cấp cứu, tóm cướp giật giao cho công an đã là chuyện bình thường của họ trên từng con phố.

Những bài báo về xích lô "Không Lo Âu" được ông Thư đóng khung cẩn thận, treo khắp phòng. (Ảnh: VnExpress)

Vinh dự được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bình chọn là một trong 10 người Việt Nam vượt khó thành công nhất, ông Đỗ Anh Thư vẫn không ngừng nỗ lực. Mới nghỉ đạp xe chỉ vài năm, ông giám đốc giờ đây đau đáu “tìm thật nhiều hợp đồng mới để tạo công ăn việc làm đều đặn cho anh em” – như lời ông tâm sự.

Dũng cảm vượt qua khó khăn, sẵn sàng đương đầu với thử thách, quyết tâm đi theo con đường mà mình đã chọn để vươn tới thành công – đó chính là bài học quý giá nhất mà "vua xích lô Việt Nam" muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : SA Trực Tuyến

Top