Vì sự phát triển, thịnh vượng của hai quốc gia

2025-01-17 20:38:27
Doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ sinh viên Việt Nam nghiên cứu an toàn an ninh mạng
Việt Nam học hỏi Nhật Bản xây dựng một xã hội già hóa khỏe mạnh

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã dành cho tạp chí Thời Đại cuộc trao đổi về quá trình hợp tác nguồn nhân lực giữa Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua.

Thưa Thứ trưởng, ông có thể chia sẻ những nhận định về quan hệ hợp tác nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua?

- Kể từ khi bắt đầu thiết lập mối quan hệ chính thức Việt Nam - Nhật Bản vào năm 1973 đến nay, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước đã phát triển hết sức nhanh chóng, sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong xu thế phát triển đó, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực luôn được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.

Các chương trình, dự án hợp tác lao động đã được hai nước hợp tác triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số hiện nay tại Nhật Bản. Điều này cũng góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược, sâu rộng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Đến cuối năm 2022, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã đạt khoảng 345.000 người, đứng thứ nhất trong số các quốc gia phái cử lao động sang làm việc tại Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan.

Thứ trưởng có thể nêu cụ thể một số chương trình hợp tác tiêu biểu giữa hai nước?

- Đầu tiên có thể nhắc tới là Chương trình thực tập sinh kỹ năng. Nhật Bản chính thức tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam từ năm 1992. Nếu như năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam vào Nhật Bản là 10.200, thì năm 2019 đã lên tới 82.700 thực tập sinh. Con số này tiếp tục tăng trong các năm sau. Đặc biệt trong năm 2012, Việt Nam đã đưa tới 67.295 ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.

Trong số khoảng 500.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, có khoảng 200.000 thực tập sinh kỹ năng. Một kết quả về hợp tác lao động giữa hai nước đem lại rất ấn tượng là Chương trình lao động kỹ năng đặc định. Hai nước bắt đầu triển khai từ tháng 7/2019 trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ hợp tác (MOC), đến nay có khoảng 78.000 lao động đặc định Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

Đây là loại hình tư cách lưu trú mới được Nhật Bản thiết kế nhằm tiếp nhận những thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình thực tập và các du học sinh đã tốt nghiệp trường tiếng Nhật có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề đáp ứng quy định có thể tiếp tục ở lại làm việc tại Nhật Bản từ 5-10 năm. Sự hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai quốc gia còn được thông qua các hình thức: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế VJEPA; Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; Lao động đóng tàu, xây dựng...

Từ những kết quả về hợp tác nhân lực trên, người lao động Việt Nam khi tham gia các chương trình này sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Chúng ta đều biết Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm người lao động Việt Nam lựa chọn đến làm việc. Những năm gần đây, người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản được đánh giá là thị trường khắt khe khi tuyển dụng lao động với yêu cầu cao về chất lượng, tính kỷ luật tương đối cao, tuy nhiên mức lương cơ bản của thực tập sinh khá tốt, giao động từ 28-35 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại “Hội thảo tăng cường đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc sau COVID-19” tổ chức tháng 9/2022 tại Osaka, Nhật Bản.

Người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao, đây cũng là điều kiện thuận lợi để lao động Việt Nam rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp. Sau thời gian làm việc tại Nhật Bản, khi về nước họ có thể xin việc làm tại các công ty liên doanh Việt - Nhật, bởi người Nhật thường đánh giá cao những lao động đã được làm việc, rèn luyện tại các công ty ở Nhật Bản.

Có thể khẳng định, quá trình thực tập, lao động tại Nhật Bản, thực tập sinh/lao động Việt Nam đã tham gia, đóng góp cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của Nhật Bản, giúp bạn khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tạo điều kiện hỗ trợ tích cực các thực tập sinh/lao động Việt Nam hoà nhập, học tiếng và làm quen với đời sống văn hoá - xã hội của Nhật Bản.

Đến nay đã có hàng trăm ngàn thực tập sinh kỹ năng trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình làm việc tại Nhật Bản. Trong số này, có nhiều lao động đã phát huy những kỹ năng làm việc hiện đại, ý thức tác phong công nghiệp để đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn lao động Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng và làm việc, họ trở thành những nhịp cầu hữu nghị góp phần làm bền chặt hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Trong thời gian tới, hai nước cần có những giải pháp gì để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về lĩnh vực nguồn nhân lực, thưa Thứ trưởng?

- Trước hết, cơ quan chức năng hai nước đang tiếp tục phối hợp tích cực, tăng cường cơ chế họp định kỳ, trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp hai nước để triển khai hiệu quả các chương trình thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc định, kỹ sư, phiên dịch theo đúng quy định trong Bản Ghi nhớ hợp tác (MOC) và luật pháp hai nước; đồng thời cần đề xuất Chính phủ Nhật Bản xem xét sớm cấp mới visa để thực tập sinh/lao động Việt Nam sớm được nhập cảnh theo kế hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, thực tập sinh Việt Nam hết hạn hợp đồng chưa thể về nước có việc làm và thu nhập tối thiểu; Hỗ trợ một phần sinh hoạt phí, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động bị mất việc làm chuyển đổi tư cách lưu trú thành “hoạt động đặc định” để thực tập sinh, lao động Việt Nam và doanh nghiệp sử dụng lao động vượt qua những khó khăn trong giai đoạn ảnh hưởng bởi COVID-19.

Để đảm bảo quyền lợi, thu nhập tối thiểu cho lao động Việt Nam, các cơ quan chức năng sẽ đề nghị phía Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho lao động, thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử lao động khác. Cùng với đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin trên nền tảng số hoá, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực Việt Nam, kết nối nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động với doanh nghiệp phái cử, hướng tới việc giảm thiểu, loại bỏ các chi phí trung gian mà người lao động phải chi trả; quản lý dữ liệu về người lao động từ trước khi xuất cảnh, làm việc ở nước ngoài cho đến khi kết thúc hợp đồng về nước.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng

Đầu tháng 6/2023, Chính phủ Nhật có kế hoạch mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình kỹ năng đặc định. Trong số 9 lĩnh vực mở rộng cho lao động kỹ năng đặc định số 2 có các ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, nhà hàng... Việc điều chỉnh chính sách này khởi nguồn từ đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản đầu tháng 9/2022. Theo ước tính, cả chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động đặc định, số lượng lao động làm việc có thể lên mức 500.000 người. Trong kết quả trên, một cơ quan của Bộ là Trung tâm lao động ngoài nước cũng trực tiếp việc tuyển chọn, phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các công ty tiếp nhận Nhật Bản.

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Chuyên gia quốc tế đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tới sự phát triển của các trường đại học khu vực ASEAN
Tiến sĩ Jung Hyun Ryu (trường Đại học Việt Nhật, Hà Nội) cho biết: giảng viên người Việt học tập, nghiên cứu tại nước ngoài tạo tác động tích cực đến các hoạt động của họ trong giáo dục, nghiên cứu, đóng góp xã hội và quản trị đại học thông qua nâng cao trình độ ngoại ngữ và mở rộng mạng lưới kết nối.
Cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam kể từ khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP
Việc Vương quốc Anh chính thức là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là tiền đề để hàng hóa của Việt Nam được tiếp cận gần hơn với thị trường Anh nói riêng và thị trường CPTPP nói chung.

Nguồn bài viết : Askme Điện Tử

Top