Đến Côn Đảo xem rùa mẹ đẻ trăm trứng mỗi đêm

2025-01-17 20:38:27
EVN đề xuất gần 5.000 tỷ đồng kéo điện lưới ra Côn Đảo
Nghiên cứu phương án cấp điện cho Côn Đảo
Khám phá Côn Đảo: Thiên đường du lịch biển vạn người mê

Hòn Bảy Cạnh được mệnh danh là “Đảo du lịch sinh thái bậc nhất Côn Đảo”. Cách biệt với thế giới sôi động bên ngoài, vừa hoang sơ, vừa có biển xanh và nhiều san hô màu sắc, đây còn là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.

Bảy Cạnh thuộc khu vực bảo tồn của Vườn quốc gia Côn Đảo nên để đến được đây, du khách phải xin giấy phép tại Vườn quốc gia trên đảo lớn Côn Sơn. Sau khi có giấy phép, bạn có thể thuê tàu chạy ra hòn Bảy Cạnh, hoặc đơn giản hơn thì mua tour xem rùa đẻ của người dân địa phương, họ sẽ lo cho bạn mọi giấy phép cần có.

Bảy Cạnh đang là hòn đảo có rùa lên bờ đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam (Ảnh: https://www.vietnamplus.vn).

Tháng 7 cũng là mùa cao điểm rùa lên bờ đẻ trứng nên hòn Bảy Cạnh khá nhộn nhịp khách lưu trú. Tại hồ ấp trứng trên hòn Bảy Cạnh có hàng trăm trứng rùa đang được ấp, trong đó có nhiều trứng đang chuẩn bị nở. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh mở khóa vào kiểm tra từng hố ấp và cẩn thận ghi lại số ngày, số lượng trứng trong mỗi hố. Ông Kiên cho biết, hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có khoảng 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%.

Bảy Cạnh đang là hòn đảo có rùa lên bờ đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam. Do đó, ban ngày những người lính kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác vùng biển và vùng rừng thuộc hòn Bảy Cạnh. Buổi tối, vào mùa cao điểm rùa đẻ trứng, họ phải thay nhau trực ca đêm từ 7-8 giờ tối đến 4-5 giờ sáng ngày hôm sau để làm “bà đỡ” cho rùa với nhiều phần việc như: đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.

Rùa mẹ đào ổ.

Do hòn Bảy Cạnh là đảo có nhiều rùa đẻ trứng nên cũng là điểm đến được du khách lựa chọn khi đến Côn Đảo. Theo đó, đa số khách du lịch đến đây đều chọn nghỉ qua đêm để xem rùa đẻ trứng, sáng hôm sau cùng thả rùa con về biển.

Buổi tối, khi phát hiện rùa mẹ bắt đầu lên bờ đào hố để đẻ trứng, nhân viên kiểm lâm sẽ hướng dẫn du khách đi theo đường vòng, giữ trật tự, không gây tiếng động để rùa mẹ hoảng sợ bò về biển.

Rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 - 60cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Trong ánh đèn pin sáng nhẹ, du khách sẽ được thấy từng quả trứng rùa tròn và trắng như bóng bàn rơi xuống lỗ. Sau khi lấp xong tổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân trước lấp xung quanh ổ với chiều dài 5 - 6 m để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình.

Trứng rùa (Ảnh: https://www.vietnamplus.vn).

Một rùa mẹ trung bình đẻ được khoảng 80 trứng, nhưng cũng có trường hợp đẻ hơn 200 trứng tại Côn Đảo. Chờ rùa mẹ rời tổ đẻ, du khách sẽ được xem nhân viên kiểm lâm thực hiện một công đoạn trong việc bảo tồn rùa biển đó là lấy trứng đem về tổ ấp. Trứng được ấp trong vòng 6 giờ. Khi đưa về, một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào hồ ấp được phủ tấm lưới chống nắng bên trên. Việc này chính là để cân bằng “giới tính” cho rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực - cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Khoảng 45 – 60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở thành rùa con.

Nếu đúng dịp, du khách sẽ được nhìn thấy rùa con nở từ những hố ấp trứng trước đó. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa lên. Du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm rùa con chập chững tự bò xuống biển, đến khi trưởng thành (khoảng 30 năm sau), rùa con sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng.

Với tỉ lệ sống sót 1/1000, rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Thả rùa con ra biển.
Tỉ lệ sống sót của rùa là 1/1000.

Đến nay, Bảy Cạnh vẫn là hòn đảo “3 không”: không điện lưới, không nước ngọt và không sóng điện thoại. Vì thế, những người làm việc ở trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh, chỉ dùng chiếc “điện thoại cục gạch” nhưng phải để đúng gốc cây dừa trên khu vực đón khách thì thỉnh thoảng mới có sóng.

Ông Trần Đình Đồng (quê ở Ba Đồn, Quảng Bình) đã có 4 năm công tác tại hòn Bảy Cạnh, khi muốn liên hệ công tác ra đảo lớn thì lập tức chạy đến cây dừa lấy chiếc “điện thoại cục gạch” bấm gọi nhưng tín hiệu cũng chập chờn, lúc được lúc không. “Khu vực này không thể sử dụng được điện thoại thông minh. Khi nhớ nhà, nhớ vợ con, tôi thường lội bộ 20 phút ra Bãi Đập (cách khu vực đón khách khoảng hơn 1 cây số) mới có thể kết nối mạng 3G để gọi video call về cho gia đình”, ông Đồng nói.

Ông Trần Đình Đồng gọi “điện thoại cục gạch” trao đổi công việc từ gốc cây dừa.

Theo Trạm phó Nguyễn Trung Kiên, trạm có 8 kiểm lâm làm việc trên đảo. Do không có điện lưới nên vài năm gần đây trạm đã lắp năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt cho cả nhân viên và du khách. Nhưng điện mặt trời không đủ dùng nên phải sử dụng hết sức tiết kiệm, chủ yếu là để chạy quạt và thắp sáng khi cần thiết. Trong khi đó, nước sinh hoạt được các tích trữ vào mùa mưa đầy các bể chứa để dành dần cho cả mùa khô. “Nước rửa rau, rửa mặt xong được tận dụng lại để tưới cây”, ông Kiên cho biết thêm.

Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía Đông của đảo Côn Sơn với diện tích 683ha, lớn thứ hai trong tổng số 16 hòn đảo của Côn Đảo. Hòn Bảy Cạnh là khu vực có hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ gần như là toàn bộ hòn đảo với hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng 5,1ha và một hệ sinh thái với nhiều loài khác nhau, từ các rạn san hô, rong biển, cỏ biển, cho đến các loài trai, ốc, hải sâm, cá sinh sống trong các rặng san hô. Hòn Bảy Cạnh từ lâu đã được quy hoạch làm nơi chuyên phục hồi sinh thái, được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo đảm sự đa dạng sinh học.

Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo chính thức phục vụ du khách
Sau một thời gian dài vận hành thử nghiệm, tuyến tàu khách cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo với hải trình 200km chính thức đi vào khai thác phục vụ du khách.
Côn Đảo-Sáng mãi bản anh hùng ca
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), tối 16/7, tại Sân vận động 30/4, huyện Côn Đảo, UBND TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Côn Đảo-Sáng mãi bản anh hùng ca".
Tăng cường tiếp nhận tàu khách ra Côn Đảo
Trước tình trạng khan hiếm vé trong các ngày cuối tuần và ngày lễ, Cục Hàng Hải Việt Nam đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng tiếp nhận tàu khách ra Côn Đảo.

Nguồn bài viết : THỂ THAO

Top