“Việt Nam là quốc gia đi đầu trong phòng, chống đuối nước” |
Sự quan tâm của cha mẹ góp phần bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước |
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước (25/7), PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thời Đại về những biện pháp thiết thực mà gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ nhỏ cần biết để giảm thiểu tai nạn đuối nước.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương). |
Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Việt Cường, tỉ lệ trẻ em biết bơi ở Việt Nam còn thấp, đa số chưa đạt được mức độ "bơi an toàn" hay còn gọi là "có khả năng thoát khỏi nguy hiểm". Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tỉ lệ trẻ em có khả năng "bơi an toàn" chỉ đạt 1-2%. Bên cạnh đó, việc trang bị cho con trẻ những kỹ năng an toàn dưới nước như nhận biết nơi nước sâu, nông, phản ứng khi rơi xuống nước hay khi cứu đuối người khác, vẫn còn chưa thực sự được chú trọng.
Theo ước tính được Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) đưa ra, hàng năm, có gần 2.000 trẻ em trên cả nước tử vong do đuối nước. Đặc biệt với trẻ ở nhóm tuổi 6-15, đuối nước là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong.
PGS.TS. Phạm Việt Cường cho biết, đối với trẻ ở lứa tuổi có nguy cơ đuối nước cao này, biện pháp can thiệp phù hợp nhất là dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn nước. Còn đối với trẻ em ở nhóm tuổi 0-6 tuổi, cần ưu tiên biện pháp thường xuyên trông nom, không để trẻ tiếp xúc các vùng nước mà không có sự giám sát của người khác.
Trong cả nước, hàng năm, ước tính 100 trẻ em Việt Nam đuối nước được cứu sống. Con số này thể hiện hiệu quả của các biện pháp nâng cao kỹ năng an toàn nước ở trẻ. Việc đảm bảo sự an toàn của trẻ trước nguy cơ đuối nước nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của gia đình và cộng đồng. |
PGS.TS. Phạm Việt Cường cũng khẳng định, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương nói riêng và các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức vì cộng đồng nói chung, đã dành nhiều năm để hệ thống hóa chương trình nâng cao nhận thức về gánh nặng đuối nước ở trẻ em và lan toả các biện pháp an toàn sâu rộng hơn nữa tới cộng đồng.
"Sự hợp tác với các đối tác như tổ chức từ thiện Bloomberg Hoa kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Vận động hỗ trợ chính sách toàn cầu đã kéo dài hơn 10 năm. Là một trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn và y tế công cộng, Nhiệm vụ của đơn vị nghiên cứu là đưa ra bằng chứng nhằm hỗ trợ trong việc hoạch định chính sách và đánh giá các hoạt động về can thiệp địa phương", ông Cường nói.
Cụ thể, trong thời gian cao điểm cho nguy cơ đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam như kỳ nghỉ hè, cha mẹ được vận động, khuyến khích cho con tham gia các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước miễn phí. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, các bạn nhỏ và cả cha mẹ sẽ được trang bị kiến thức kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước.
Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nghiên cứu nói trên không chỉ được tiến hành bài bản hơn mà còn mở rộng về quy mô và thời gian. Ngoài ra, một phần quan trọng của hợp tác là tăng cường năng lực nghiên cứu, được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu đã được công nhận trên thế giới.
Các kết quả nghiên cứu đóng góp quan trọng trong việc mang lại những thông điệp cộng đồng về phòng, chống đuối nước vừa xác thực vừa có tính lan tỏa cao.
"Cái chiến lược dài hạn về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, chương trình an toàn đuối nước đều phải dựa trên những căn cứ của nghiên cứu để làm rõ tại sao cần thiết phải học bơi và học như thế nào? Kết quả nghiên cứu không chỉ được chia sẻ với giới học thuật, mà sẽ được truyền tải tới cộng đồng bằng những thông điệp khác nhau", ông Cường chia sẻ.
Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được
Việt Nam là một trong hai quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận trong 5 thành tựu về phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2022 với tỉ lệ đuổi nước trẻ em trong hơn 10 năm qua là 3-5%/năm. Tuy nhiên, hàng năm, tai nạn đuối nước vẫn lấy đi sinh mạng của gần 2.000 trẻ em Việt Nam, là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Theo ý kiến của chuyên gia, đối với trẻ ở lứa tuổi có nguy cơ đuối nước cao (6-15 tuổi), biện pháp phù hợp nhất là dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn nước. Tại Việt Nam, Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng đến 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi, 60% trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong giai đoạn 2023 - 2025. |
Infographic: Những điều cần biết để phòng tránh đuối nước cho trẻ em |
“Việt Nam là quốc gia đi đầu trong phòng, chống đuối nước” |