Thống kê nước ngoài

2021 - Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em

2024-12-21 13:03:24
Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương
Save the Children: Tỉ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam giảm 67% trong 20 năm
Tỷ lệ lao động trẻ em trên thế giới đã giảm 38% trong thập kỷ qua, tuy nhiên con số tuyệt đối vẫn còn là 152 triệu em. (Ảnh minh họa)

Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua trong nghị quyết năm 2019. Mục tiêu chính của Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em là nhằm kêu gọi các chính phủ triển khai những hành động cần thiết để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 của Liên Hợp Quốc.

Mục tiêu 8.7 kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp tức thì và hiệu quả nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ hiện đại và buôn bán người, nghiêm cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất bao gồm cả việc tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em, và chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.

Ngày 21/1, lễ phát động Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em sẽ được tổ chức trực tuyến. Tham dự lễ phát động có sự hiện diện của ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, bà Henriette Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, ông Kailash Satyarthi, người được trao giải Nobel Hòa bình, và ông Amar Lal, nhà hoạt động xã hội và cũng từng là nạn nhân của lao động trẻ em .

Trong năm nay, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề hiện đang tác động đến một phần mười dân số trẻ em này.

Sáng kiến chung này khuyến khích các bên liên quan cấp khu vực, các quốc gia, tổ chức và các cá nhân xác định những hành động cụ thể sẽ thực hiện từ nay đến tháng 12 năm 2021 nhằm chấm dứt lao động trẻ em. Hạn cuối gửi Cam kết Hành động là 30 tháng 3. Các bên cam kết cần tư liệu hóa những nỗ lực và tiến độ triển khai cam kết trong năm bằng video, các cuộc phỏng vấn, blog và những câu chuyện về tác động của những cam kết mang lại.

Trong 20 năm qua, gần 100 triệu trẻ em đã được giải phóng khỏi tình trạng lao động trẻ em, đưa số lượng lao động trẻ em giảm từ 246 triệu năm 2000 xuống còn 152 triệu năm 2016.

Tuy vậy, những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này không đồng đều ở các khu vực. Gần một nửa số lao động trẻ em xảy ra ở châu Phi (72 triệu trẻ), tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (62 triệu trẻ); 70% số lao động trẻ em làm việc trong khu vực nông nghiệp, chủ yếu là canh tác tự sản tự tiêu và để bán, chăn nuôi gia súc. Gần một nửa số trẻ em này phải làm những công việc hoặc làm việc trong điều kiện nguy hại đến sức khỏe và tính mạng các em.

Khủng hoảng COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói của những nhóm dễ bị tổn thương và có thể làm đảo ngược những thành tựu đã đạt được nhiều năm qua trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em. Việc các trường học bị đóng cửa khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và hàng triệu trẻ em hiện đang phải làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đại dịch khiến cho phụ nữ, nam giới và trẻ em đứng trước nguy cơ dễ bị bóc lột hơn.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Xã hội này không có chỗ cho lao động trẻ em tồn tại. Lao động trẻ em cướp đi tương lai của trẻ và đẩy gia đình vào cảnh đói nghèo. Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em là cơ hội để các chính phủ tăng cường hoạt động nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 thông qua những hành động cụ thể nhằm xóa bỏ lao động trẻ em. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đưa ra những cam kết của mình.”

Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em sẽ tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị Toàn cầu V về Lao động Trẻ em sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào năm 2022. Trong hội nghị này, các bên liên quan sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những cam kết bổ sung hướng tới việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ hiện đại vào năm 2030.

Năm 2050 chấm dứt lao động trẻ em vì có chế tài mạnh?
Hà Nội công bố dự án về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Top