Thống kê nước ngoài

Nồng nàn hương vị rượu ngô của người Mông ở Vàng Lếch

2024-12-21 13:16:21
Giới thiệu rượu vang và ẩm thực độc đáo của Argentina tại Hà Nội
Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được truy trả phần chênh lệch vào tháng 9/2023
Chị Hạng Thị Chư, bản Vàng Lếch, xã Nậm Tin đang chưng cất rượu ngô

Mới đây, trở lại Nậm Pồ, ghé chợ phiên Vàng Lếch, xã Nậm Tin, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất vẫn là sản phẩm rượu ngô được người Mông bày bán tại phiên chợ này.

Mời chúng tôi thử chén rượu ngô do chính tay mình nấu, chị Hạng Thị Páy, bản Nậm Tin, cho biết, được mẹ truyền cho bí quyết nấu rượu, chủ yếu để phục vụ gia đình và đãi khách quý đến thăm nhà. "Bây giờ, tranh thủ thời gian nông nhàn mình ủ, nấu mang ra chợ bán, khách ở đây mua một lần uống thấy thích, tới phiên họp chợ sau lại ra mua tiếp, những ngày lễ, tết có nhiều khách đặt toàn 20 - 30 lít làm quà".

Theo lời giới thiệu và chỉ đường của chị Páy, chúng tôi đến nhà chị Hạng Thị Chư, bản Vàng Lếch để tìm hiểu về món đặc sản rượu ngô của đồng bào. Hình ảnh chị Hạng trong trang phục Mông Hoa sặc sỡ đứng chưng cất rượu bên bếp lửa, khiến cho khách có chung cảm giác về cuộc sống bình yên, gần gũi.

Mộc mạc trong câu chuyện, chị Chư chia sẻ cho chúng tôi những nguyên liệu dùng nấu rượu. Chị bảo, để nấu được những bình rượu ngô thơm ngon phải có đủ các yếu tố như: Hạt ngô, men lá, nước suối khe, đặc biệt là cần tới sự kiên trì, tỉ mỉ của người nấu. Ở đây, ngô dùng để nấu rượu thường là giống ngô tẻ địa phương, có màu vàng ruộm, được người dân trồng trên nương tuy năng suất không cao, nhưng ngô có độ thơm, bùi và được bảo quản trên gác xép gần bếp lửa.

"Yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa rượu ngô ở Nậm Tin với các loại rượu khác, là ở trong men lá. Men lá được làm từ nhiều loại cây rừng như cây kinh giới núi, cây mật, cây trầu không rừng và nhiều cây dược liệu khác, nước nấu rượu phải là nước sạch ở khe chảy ra, lúc nấu rượu người phụ nữ Mông phải kiêng dè nhiều thứ mới cho ra được những giọt rượu ngô ngon đúng vị", chị Chư chia sẻ thêm.

Những hạt ngô sau khi rửa sạch được đổ vào chảo to luộc cho bung ra ba cạnh

Được tận mắt chứng kiến quy trình nấu rượu ngô của người Mông, mới thấy để tạo ra một chén rượu ngô phải qua rất nhiều công đoạn. Những bắp ngô tẻ vàng sau khi được mang trên nương về, sẽ lựa chọn những bắp có hạt mẩy đẹp, tẽ ra đem đi rửa sạch cho vào bếp lửa luộc bung ra ba cạnh. Ngô luộc chín được để nguội, nếu không khi ủ men sẽ bị chua. Sau đó, trộn đều hạt ngô với men lá theo lượng nhất định, rồi rải đều vào các tấm bạt hoặc thùng to ủ 20-30 ngày đến khi lên men đạt yêu cầu.

Lúc nấu, người dân đặt chõ gỗ lên chảo nước trên bếp lửa, rồi đổ hạt ngô lên men vào chõ, trên mặt chõ đặt chiếc chảo gang đựng đầy nước lạnh. Giữa đáy chảo và mặt chõ dùng vải bịt kín để hơi nước không thể thoát ra ngoài, đun lửa to đảm bảo nước ở dưới đáy chõ sôi liên tục kết hợp lượng nước trên đầu chõ lạnh, sau 30 phút hơi rượu trong chõ bốc lên ngưng tụ thành rượu rồi theo chiếc vòi nhỏ ở thân chõ chảy vào can đựng, cứ như vậy cho đến khi rượu nhạt thì dừng lại. Rượu ngô ở đây, có vị nồng, ngai ngái, nhưng khi uống vào vị ngọt đượm, thơm nồng nàn và không bị gắt, độ rượu trung bình khoảng 30 - 35 độ.

Rượu ngô được bày bán tại chợ phiên Vàng Lếch

Là khách hàng quen thuộc của các chị bán rượu ở chợ phiên Vàng Lếch, ông Cư A Tủa, bản Huổi Chá, thích thú chia sẻ: Cái độc đáo của rượu ngô là khiến người uống có cảm giác phê nhưng không mệt mỏi cơ thể, nhất là không bị đau đầu, khó chịu sau khi tỉnh giấc.Trong nhà ông lúc nào cũng dự trữ 10 tới 20 lít rượu ngô để cần, khi có khách quý tới thăm nhà.

Ông Hờ A Lù, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết: Rượu ngô được người Mông ở đây nấu bằng phương pháp truyền thống nên rượu có hương vị đặc trưng được nhiều người ưa thích. Trước mắt, chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con ủ, nấu nhiều đem ra chợ phiên bán để tạo thêm thu nhập. Còn về lâu dài, chính quyền xã cũng đang xem xét, đề xuất với cấp trên cùng người dân phát triển rượu ngô thành sản phẩm có thương hiệu của xã.

Với người Mông, rượu ngô không chỉ đơn thuần là một loại rượu, mà còn là tinh hoa bản sắc của dân tộc, là thành quả sáng chế đầy tự hào. Hiện nay, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới. Xã Nậm Tin đang mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan để đồng bào Mông nơi đây có thể phát triển rượu ngô thành sản phẩm đặc trưng của xã cung cấp ra thị trường, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống...

Say nồng rượu cần men lá Tây Nguyên
Có dịp đến với đại ngàn Tây Nguyên, du khách bị cuốn hút bởi nét văn hóa đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Cùng với đó, họ còn có cơ hội thưởng thức hương vị rượu cần - thức uống không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào dân tộc.
Lưu giữ nghề làm hương của người Mông ở Lai Châu
Tuy chịu tác động của nền kinh tế thị trường nhưng đồng bào Mông ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn lưu giữ được nghề làm hương truyền thống. Làm nghề này giúp người dân có thêm thu nhập, tạo nét văn hóa riêng của đồng bào Mông nơi vùng cao biên giới.
Top